Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 11:17 (GMT +7)
Khuyến cáo sử dụng thuốc điều trị Covid-19 an toàn, hiệu quả
Thứ 7, 19/03/2022 | 09:55:28 [GMT +7] A A
Thời gian gần đây, lo lắng vì dịch bệnh Covid-19 nên nhiều người dân, trong đó có F0 điều trị tại nhà đã tự tìm kiếm và sử dụng các loại thuốc điều trị, thuốc hỗ trợ, thuốc dự phòng điều trị Covid-19.
Trong hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc Covid-19 mới nhất của Bộ Y tế đã đưa ra 3 loại thuốc mà F0 điều trị tại nhà không tự ý dùng khi chưa có chỉ định, kê đơn gồm: Thuốc kháng virus, thuốc kháng sinh và thuốc kháng viêm.
Đối với thuốc kháng virus, ngày 17/2 vừa qua Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện cho 3 loại thuốc điều trị Covid-19 có chứa hoạt chất Molnupiravir. Cụ thể, thuốc kháng virus Molnupiravir 400mg do Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm sản xuất; thuốc Molravir 400mg của Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam và thuốc Movinavir của Công ty CP Dược phẩm Mekorpha. Đây là 3 đơn vị đủ điều kiện đã được Bộ Y tế cấp phép sản xuất thuốc Molnupiravir tại Việt Nam. Giấy phép này có hiệu lực trong 3 năm. Từ ngày 24/2, các loại thuốc này chính thức được mở bán tại các chuỗi nhà thuốc. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế.
Đến nay, Quảng Ninh cũng bắt đầu đưa thuốc điều trị Covid-19 có chứa hoạt chất Molnupiravir vào điều trị F0 tại nhà; đã có trên 10.000 bệnh nhân được sử dụng. Theo bác sĩ Phạm Thị Hải Ninh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể sẽ nhân lên trong các tế bào. Sau khi virus nhân lên số lượng đủ lớn, cơ thể huy động các cơ chế bảo vệ để chống lại virus, đến một mức độ nào đó thì gây sốt. Lúc này là thời điểm khởi phát các triệu chứng. Để hạn chế quá trình nhân lên của virus, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh dùng các loại thuốc kháng virus.
Trong quá trình 7-10 ngày sau khi khởi phát, một số người lại bắt đầu có những diễn biến nặng hơn, đối diện với nguy cơ rối loạn đáp ứng miễn dịch gây viêm và tăng tiết dịch, phá hủy tổ chức, đầu tiên ở phổi sau đó đến toàn bộ các cơ quan. Tình trạng này gây ra suy hô hấp và suy các cơ quan quan trọng khác. Để ngăn rối loạn miễn dịch, người bệnh dùng nhóm thuốc kháng viêm Corticoids.
Theo bác sĩ Phạm Thị Hải Ninh, nhóm thuốc kháng viêm Corticoids giúp giảm tình trạng đáp ứng quá mức. Đây là nhóm thuốc dễ kiếm, giá không đắt. Tuy nhiên, hiện có tình trạng F0 lạm dụng Corticoids, khiến tình trạng bệnh nặng nề hơn.
Ngoài việc giúp sức cho virus dễ dàng nhân lên, thuốc kháng viêm Corticoids còn làm cho người bệnh dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm... Corticoids làm nặng tình trạng tăng đường máu, tăng huyết áp trên các bệnh nhân có bệnh này. Thuốc kháng viêm chỉ dùng khi SpO2 thường xuyên ở mức 94% trở xuống. F0 tại nhà không tự ý dùng, bắt buộc phải hỏi ý kiến bác sĩ.
Còn về thuốc kháng sinh, theo bác sĩ Ninh, không có tác dụng với virus nói chung và SARS-CoV-2 nói riêng. Nhóm thuốc kháng sinh dùng để phòng và điều trị bội nhiễm vi khuẩn (viêm amidan, viêm tiểu phế quản, viêm xoang...). Nhưng thực tế, nhiều F0 vội sử dụng thuốc kháng sinh để dự phòng nhiễm khuẩn. Nếu F0 có biểu hiện ho, đau họng, không nên vội uống kháng sinh mà có thể sử dụng mật ong, siro thảo dược.
Bác sĩ khuyến cáo, việc lạm dụng kháng sinh tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng sẽ khiến gan, thận bị quá tải, trong khi cơ thể đang kiệt quệ do bị virus tấn công. Ngoài ra, nếu dùng không đúng sẽ khiến vi khuẩn bị nhờn thuốc, lần sau nếu bị nhiễm khuẩn thì các kháng sinh đó không còn tác dụng.
Bộ Y tế cũng có hướng dẫn các loại thuốc mà F0 điều trị tại nhà cần chuẩn bị, gồm các thuốc hạ sốt (Efferalgan, Panadol…); thuốc giảm ho; thuốc tiêu chảy; nước súc miệng; cồn sát trùng; các thuốc bệnh nền nếu F0 có bệnh nền (đủ sử dụng 1-2 tuần); các loại thuốc xịt mũi; vitamin C, kẽm, các loại thảo dược trị cảm, trị ho; nước uống thông thường, nước bù điện giải.
Hướng dẫn mới cũng nêu những vật dụng cần thiết khi F0 điều trị tại nhà: Nhiệt kế, máy đo SpO2 cá nhân (nếu có), khẩu trang y tế, phương tiện vệ sinh tay, vật dụng cá nhân cần thiết, thùng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy và các phương tiện liên lạc như điện thoại, số điện thoại của các cơ sở y tế (trạm y tế, trung tâm vận chuyển cấp cứu, bác sĩ, tổ tư vấn cộng đồng, tổ phản ứng nhanh, bệnh viện...).
Các bác sĩ khuyến cáo, trong bối cảnh dịch diễn biến như hiện nay, mỗi người dân tự trang bị kiến thức để quản lý và điều trị Covid-19 tại nhà là điều cần thiết. Bên cạnh việc uống thuốc đầy đủ và tập một số bài tập để cơ thể khỏe mạnh hơn thì việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho người bệnh là rất quan trọng. Đồng thời, người bệnh thường xuyên cung cấp thông tin sức khỏe cho nhân viên y tế để kịp thời khám, chuyển tuyến đến các bệnh viện khi có triệu chứng trở nặng.
Nguyễn Hoa
- Dinh dưỡng cho trẻ sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19
- F0 sưng phù mặt vì thuốc trị Covid-19 ‘ai uống cũng khỏi’
- Trẻ đã nhiễm COVID-19 có cần tiêm vaccine?
- Phát hiện di chứng mới ở người khỏi Covid-19
- Từng bước “bình thường hóa” với dịch COVID-19
- Cụ ông 95 tuổi chiến thắng Covid-19 và chấn thương, bệnh nền
Liên kết website
Ý kiến ()