Tất cả chuyên mục

Trước diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, nắng nóng kéo dài làm gia tăng nguy cơ cháy rừng, việc duy trì, củng cố và kích hoạt hiệu quả các tổ, đội xung kích phòng, chống cháy rừng (PCCR) tại cơ sở đã trở thành một trong những "lá chắn xanh" bảo vệ rừng từ sớm, từ xa. Đây không chỉ là lực lượng nòng cốt trong ứng phó, xử lý sự cố, mà còn là cánh tay nối dài trong công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng, góp phần bảo vệ an toàn cho những cánh rừng trên địa bàn Quảng Ninh.
Phường Thanh Sơn (TP Uông Bí) đang quản lý trên 400ha rừng sản xuất, phần lớn là rừng thông, bạch đàn - loại rừng dễ bén lửa. Sau cơn bão số 3 năm 2024, hơn 80ha rừng bị thiệt hại nặng, thực bì chưa được xử lý triệt để, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 03 của UBND tỉnh, phường Thanh Sơn đã thành lập mới 2 tổ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tình nguyện, với tổng số 14 thành viên là ĐVTN, lực lượng an ninh cơ sở ở 11 khu dân cư. Các tổ đã tập trung tuần tra, kiểm soát, “canh lửa, giữ rừng” để phát hiện sớm và dập tắt kịp thời những nguy cơ cháy.
Anh Lê Muôn Trượng (Tổ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tình nguyện số 1, phường Thanh Sơn) cho biết: Ngay sau khi thành lập, chúng tôi nhanh chóng kiện toàn đội hình, rà soát và trang bị đầy đủ phương tiện cơ động, dụng cụ chữa cháy, bảo hộ cá nhân đảm bảo chất lượng và phù hợp với điều kiện địa hình của từng khu vực khi có tình huống bất cập xảy ra. Các thành viên túc trực 24/24h tại các điểm nóng, đồng thời kết hợp tuyên truyền, vận động người dân không đốt rác, đốt nương, sử dụng lửa bất cẩn gần rừng.
Song song với việc thành lập mới các tổ chữa cháy tình nguyện, phường Thanh Sơn còn duy trì hiệu quả hoạt động của một đội cơ động PCCR với 12 thành viên và 11 tổ PCCC tại 11 khu dân cư, tạo thành mạng lưới “tai mắt” rộng khắp, sẵn sàng cảnh báo và phản ứng nhanh khi có sự cố cháy xảy ra trên địa bàn.
Chủ tịch UBND phường Thanh Sơn Phạm Văn Sự chia sẻ: Chúng tôi luôn bám sát chỉ đạo từ cấp trên, chủ động xây dựng kế hoạch PCCR cụ thể cho từng khu vực. Ngoài việc đẩy mạnh kiểm tra, xử lý thực bì sau bão, các tổ, đội tại chỗ được phân công thường xuyên tuần tra, nhất là tại những vị trí rừng có nguy cơ cháy cao. Mục tiêu là phát hiện thật sớm, xử lý thật nhanh ngay từ khi mới xuất hiện đốm lửa, tuyệt đối không để cháy lan, cháy lớn.
Bên cạnh sự chủ động của chính quyền, nhân dân các địa phương, các đơn vị, công ty lâm nghiệp, chủ rừng trên địa bàn tỉnh cũng tích cực triển khai các biện pháp PCCR trong thời tiết hanh khô, nắng nóng.
Đơn cử như Công ty CP Thông Quảng Ninh quản lý gần 1.000ha rừng thông. Cơn cơn bão số 3 năm 2024 đã khiến cho trên 100ha diện tích rừng thông bị gãy đổ, nằm rải rác trên các suất rừng. Trong điều kiện nắng nóng, hanh khô kéo dài như hiện nay, nguy cơ xảy ra cháy rất cao, đơn vị đã chủ động phối hợp cùng các lực lượng chức năng triển khai nghiêm túc các biện pháp PCCR.
Ông Lê Đức Chiến, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Công ty CP Thông Quảng Ninh, cho biết: Để đảm bảo công tác PCCR, bảo vệ tài nguyên rừng, đơn vị đã thành lập 6 đội xung kích PCCR với tổng số 195 thành viên. Các đội chủ động phân công lực lượng đảm nhận gác cửa rừng 24/24h tại những khu vực trọng yếu có nguy cơ cháy cao. Song song với đó, chủ động triển khai thu dọn vệ sinh rừng, làm đường băng cản lửa, dọn sạch gốc thông để tránh hiện tượng cháy lan ở gốc, giữ gìn tài nguyên còn lại sau cơn bão số 3. Đơn vị hiện cũng đang chuẩn bị trồng mới khoảng 100ha rừng thông và trồng bổ sung toàn diện trên những diện tích rừng thông bị gãy đổ nhỏ lẻ do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Theo bản đồ phân vùng trọng điểm cháy rừng, tỉnh Quảng Ninh hiện có gần 112.000ha rừng nằm trong khu vực có nguy cơ cháy cao. Đặc biệt, sau ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều diện tích rừng bị sạt lở, gãy đổ, tạo ra lượng lớn vật liệu khô dễ bắt lửa. Trong điều kiện thời tiết khô hanh, nắng nóng kéo dài, nguy cơ bùng phát cháy rừng càng gia tăng, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải siết chặt công tác phòng ngừa và ứng phó ngay từ cơ sở.
Thực tế khẳng định, việc kích hoạt và duy trì hiệu quả các tổ, đội xung kích PCCR ở địa phương được xác định là giải pháp căn cơ, lâu dài và bền vững trong hành trình gìn giữ "lá phổi xanh" của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập và vận hành hiệu quả 963 tổ, đội PCCR với gần 9.700 thành viên, tạo thành mạng lưới phản ứng nhanh, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống.
Mỗi tổ, đội xung kích PCCR là một “lá chắn xanh” kiên cường, mỗi người dân là một chiến sĩ thầm lặng trên tuyến đầu giữ rừng. Khi các lực lượng tại chỗ được phát huy đúng lúc, đúng vai, công tác PCCR sẽ trở nên chủ động và hiệu quả hơn bao giờ hết. Đây chính là yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, giữ gìn, cân bằng sinh thái, hướng tới sự phát triển bền vững của Quảng Ninh hôm nay và mai sau.
Ý kiến (0)