Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:26 (GMT +7)
Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải
Thứ 3, 09/01/2024 | 11:15:08 [GMT +7] A A
Theo lộ trình về phát triển bền vững tại Việt Nam, từ năm 2025, doanh nghiệp sẽ phải bắt buộc thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc kiểm kê khí thải nhà kính cũng được tỉnh xác định đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi và hiện thực hoá mục tiêu phát thải ròng của Việt Nam bằng 0 vào năm 2050.
Kiểm kê khí nhà kính là quá trình rà soát, tính toán các nguồn phát thải và hấp thụ khí nhà kính trong phạm vi ranh giới xác định theo hướng dẫn đã được ban hành của Uỷ ban liên Chính phủ năm 2006 và các hướng dẫn hiện hành mới nhất được công bố. Việc kiểm kê phát thải khí nhà kính chính là bước đi đầu tiên và nền tảng nhất để doanh nghiệp biết được vị trí trong bản đồ giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, từ đó đưa ra những kế hoạch cắt giảm khí thải nhà kính hợp lý.
Đối với phạm vi của tỉnh, nhóm các lĩnh vực được rà soát đưa vào kiểm kê gồm có: Lĩnh vực năng lượng; các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm; nông nghiệp, lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất; chất thải. Qua đánh giá cho thấy, những năm gần đây, lượng phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng gia tăng, nhất là khi tỉnh đang là địa phương có số lượng lớn các nhà máy nhiệt điện và xi măng đang hoạt động. So với các đơn vị sản xuất công nghiệp khác, nhiệt điện và xi măng đều là các cơ sở phát thải CO2 lớn nhất do sử dụng nhiều năng lượng (đặc biệt là than) cho quá trình sản xuất.
Thống kê cho thấy trong 10 năm trở lại đây, lượng than tiêu thụ tại các nhà máy nhiệt điện khá lớn, trong đó, Nhiệt điện Quảng Ninh và Nhiệt điện Mông Dương 2 có lượng tiêu thụ từ 2,6-3,5 triệu tấn than/năm, dẫn đến lượng phát thải CO2 từ 1,5-7,3 triệu tấn/năm. Đối với các nhà máy xi măng, lượng than tiêu thụ thấp hơn, tuy nhiên lượng CO2 phát thải cũng lên tới 0,7-3,1 triệu tấn/năm.
Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tổng lượng phát thải, hấp thụ khí nhà kính năm 2020 tại Quảng Ninh là gần 50 triệu tấn CO2. Trong đó, phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực năng lượng lên tới trên gần 43 triệu tấn CO2 (chiếm tới 93%), tiếp theo là ở lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và chất thải. Theo kịch bản phát triển thông thường, do sự gia tăng về quy mô nền kinh tế, dân số, đặc biệt là sự phát triển của ngành công nghiệp năng lượng, dự báo lượng phát thải, hấp thụ khí nhà kính năm 2030 tại Quảng Ninh là trên 123 triệu tấn CO2.
Ông Nguyễn Như Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 theo Quyết định 5535/QĐ-UBND ngày 30/12/2019 của UBND tỉnh đã đề ra mục tiêu cắt giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải thông thường trong giai đoạn 2021 -2030 và cắt giảm 25% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải thông thường đến năm 2050. Trên cơ sở tính cấp thiết trong việc xác định hiện trạng phát thải khí nhà kính và tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính trong các ngành, lĩnh vực tại địa phương, chúng tôi đang lấy ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp để hoàn thiện dự án “Kiểm kê khí nhà kính và đề xuất giải pháp quản lý phát thải trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Dự án đã tính toán các nguồn phát thải khí nhà kính, tiềm năng của tỉnh trong giảm phát thải khí nhà kính và 24 giải pháp đi kèm. Trong đó, có giải pháp ưu tiên phải thực hiện ngay và những nhóm giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài ứng dụng trong sản xuất năng lượng, sản xuất gia dụng, sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại, giao thông vận tải..
Tiềm năng giảm phát thải KNK của tỉnh Quảng Ninh nếu áp dụng các biện pháp giảm phát thải KNK có thể lên đến hơn 18,5 triệu tấn CO2tđ, tương đương với mức giảm tiềm năng 14,97% tổng phát thải KNK tỉnh
Triển khai dự án, theo tính toán của đơn vị tư vấn, tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 chủ yếu đến từ các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính ở lĩnh vực năng lượng, trong đó, hoạt động phát triển điện khí LNG có thể giảm tới 13 triệu tấn CO2, điện mặt trời giảm khoảng 2,4 triệu tấn CO2 và điện gió có mức giảm phát thải khí nhà kính khoảng 1,05 triệu tấn CO2. Các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực khác như: Chất thải; nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng vẫn cần xem xét thực hiện.
Ông Hà Quang Anh, đại diện Trung tâm Phát triển các-bon thấp (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định: Để việc giảm khí phát thải nhà kính đặt mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng cần xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, các quy định liên quan đến kiểm kê và kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí phát thải cấp tỉnh tạo điều kiện cho việc thẩm định kết quả kiểm kê và đề xuất kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính cấp cơ sở. Đồng thời, cần xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm kê phát thải khí nhà kính đảm bảo tích hợp đồng bộ với hệ thống giám sát và đánh giá tăng trưởng xanh cấp tỉnh. Việc giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất năng lượng sẽ là một trong những ưu tiên chính cần đề xuất thực hiện trong nhóm các giải pháp kĩ thuật. Chúng tôi cũng mong rằng, kết quả dự án “Kiểm kê khí nhà kính và đề xuất giải pháp quản lý phát thải trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” sẽ là tiền đề để tỉnh theo dõi và thực hiện các mục tiêu bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu chung của quốc gia đạt phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị các bên COP 26 (năm 2021) cũng như các cam kết chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) tại COP 28 (năm 2023).
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()