Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:51 (GMT +7)
Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh
Thứ 5, 30/03/2023 | 07:48:10 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong đẩy mạnh các hoạt động nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Nhờ vậy, tỷ lệ bé trai/bé gái ngày càng được cân bằng trong những năm gần đây.
Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để từng bước ổn định tỷ số giới tính khi sinh; trong đó lồng ghép với thực hiện công tác bình đẳng giới trên địa bàn.
Tập huấn nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp lãnh đạo đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, những người có uy tín trong cộng đồng... về hệ lụy của mất cân bằng giới tính được tăng cường. Mỗi năm, tỉnh và các địa phương, sở, ngành tổ chức gần 300 buổi tập huấn cho hơn 25.000 lượt người về công tác bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh, các yếu tố ảnh hưởng đến giới tính khi sinh, hậu quả của mất cân bằng giới tính.
Cách thức tuyên truyền về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh được đa dạng hóa, từ tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang web, pano, áp phích, tờ rơi, hệ thống loa, đài, đến tổ chức các đợt tuyên truyền miệng, sân khấu hóa... Đặc biệt, 100% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được tuyên truyền, tư vấn về giới tính khi sinh.
Các địa phương còn duy trì, thành lập: CLB phụ nữ không sinh con thứ ba giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; CLB phụ nữ gia đình sinh con một bề là gái... để lồng ghép tuyên truyền các nội dung về giới và giới tính khi sinh vào các buổi sinh hoạt CLB.
Hằng năm Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức nhiều đợt khám bệnh cho người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, qua đó lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về cấm lựa chọn giới tính thai nhi... Sở chỉ đạo Chi cục DS-KHHGĐ biên soạn các sản phẩm truyền thông: Ấn phẩm, tờ rơi, pano, áp phích, khẩu hiệu, băng, đĩa về giảm mất cân bằng giới tính để cấp phát cho cơ sở làm tài liệu, phương tiện tuyên truyền cho cộng đồng.
Ông Hoàng Văn Đang (thôn Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Đầm Hà) cho biết: “Gia đình tôi có 2 con gái. Bố mẹ tôi cứ thúc giục vợ chồng tôi cố sinh thêm con trai để sau này có người gánh vác chuyện gia đình. Qua tuyên truyền và qua thực tế, tôi thấy mình nuôi dạy con cái cho tốt, hiếu thảo thì sau này dù là con trai hay con gái đều sẽ chăm lo khi bố mẹ về già. Nhiều gia đình toàn con trai nhưng nghịch ngợm, bất hiếu cũng chỉ khiến bố mẹ đau lòng. Bởi thế cứ có 2 con là đủ, con trai hay con gái không quan trọng”.
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đến nay có tới 90% người dân trong tỉnh hiểu biết cơ bản về hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, biết được việc lựa chọn giới tính khi sinh là bất hợp pháp; 90% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ hiểu biết đầy đủ về hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh đối với việc kết hôn của con cái họ trong tương lai. Tất cả các cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm, nạo phá thai trên địa bàn tỉnh cam kết không hỗ trợ người dân thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi.
Tình trạng chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến: Năm 2016 là 123,2 trẻ em trai/100 trẻ em gái; năm 2020 là 112,57 trẻ em trai/100 trẻ em gái; năm 2022 là 110 trẻ em trai/100 trẻ em gái, đạt chỉ tiêu chiến lược quốc gia đề ra.
Tuy nhiên do phong tục tập quán, văn hóa và các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng giới, nên vẫn còn một bộ phận CBVC, người lao động, người dân coi trọng việc sinh con trai nối dõi. Khoa học công nghệ trong chẩn đoán ngày càng phát triển, dễ dàng tạo cơ hội cho việc lựa chọn giới tính thai nhi. Bởi vậy, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh vẫn chưa ổn định.
Mới đây nhất, ngày 10/10/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động số 245/KH-UBND về thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 (giai đoạn II). Mục tiêu chung là khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh. Mục tiêu cụ thể là đưa tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh đạt dưới 110 trẻ em trai/100 trẻ em gái vào năm 2025. Để đạt mục tiêu này đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần vào cuộc tích cực, thực hiện tốt các giải pháp và các hoạt động cụ thể mà Kế hoạch đề ra.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()