Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:57 (GMT +7)
Giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính ở Đầm Hà - Vì sao vẫn khó?
Thứ 3, 17/08/2021 | 08:46:09 [GMT +7] A A
Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp, nhưng Đầm Hà vẫn là địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao so với nhiều địa phương khác của tỉnh.
Đầm Hà là huyện miền núi của tỉnh với 8 xã và 1 thị trấn, trong đó có các xã ven biển, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hầu hết người dân làm nghề nông - lâm - ngư nghiệp. Chính bởi vậy, định kiến cần phải có con trai đã ăn sâu vào tâm lý của nhiều người dân nơi đây, quan niệm của bà con là phải có con trai để bố mẹ dựa dẫm lúc tuổi già, có con trai để nối dõi tông đường, thờ tự bố mẹ... còn con gái sau này lớn lên gả đi thì cũng chỉ có nghĩa vụ với gia đình chồng. Ngoài ra còn có nguyên nhân nữa là do ở đây chủ yếu làm nghề nông nên nhu cầu cần lao động có sức khỏe nên nhiều hộ vẫn tìm mọi cách để có con trai.
Đơn cử như trường hợp gia đình anh P.V.T, thôn Làng Ruộng, xã Đại Bình, huyện Đầm Hà. Vợ chồng anh vừa đón em bé thứ ba chào đời - là 1 bé trai. Trước đó, gia đình anh đã có 2 bé gái. Anh kể: “Khi sinh bé thứ hai là gái, vợ chồng tôi chịu áp lực rất nhiều ở cả bên gia đình nội, ngoại. Ai cũng bảo kiểu gì cũng phải có con trai để còn đỡ đần công việc đồng áng. Tôi cũng nghĩ nếu chỉ có 2 đứa con gái, sau này lớn đi lấy chồng thì không còn ai thờ cúng tổ tiên, ông bà, bố mẹ. Bởi vậy chỉ hơn 1 năm sau khi sinh con thứ hai, vợ chồng tôi tiếp tục sinh bé thứ ba và may mắn là đã sinh được con trai. Do con cái cách nhau chỉ hơn một năm, vợ bận bịu, giờ thu nhập chỉ trông chờ vào bản thân tôi nên cuộc sống khá khó khăn”.
Trước thách thức về tâm lý, định kiến trọng nam của người dân, Đầm Hà cũng đã triển khai nhiều biện pháp để giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, như: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân; thành lập các câu lạc bộ giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tổ chức lễ phát động, mít tinh cổ động, diễu hành hưởng ứng chiến dịch giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại địa phương; tổ chức phát tờ rơi, tờ gấp...; tiến hành cho các cơ sở y tế liên quan ký cam kết không cung cấp các dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức...
Từ năm 2020 đến nay, huyện đã tổ chức gần 800 buổi tuyên truyền tại các thôn, khu phố cho hơn 15.800 lượt người về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, sàng lọc sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh...; tổ chức hơn 50 buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Giảm thiểu mất cân bằng giới tính. Huyện còn thực hiện gần 300 lượt phát thanh tuyên truyền nội dung trên hệ thống loa, đài, tư vấn cho 785 hộ gia đình về vấn đề dân số, trong đó có giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh...
Tuy nhiên quan niệm trọng nam hơn nữ; bất bình đẳng giới vẫn diễn ra ở ở các xã trên địa bàn huyện... Nhiều gia đình vẫn tìm mọi biện pháp để sinh con trai, từ việc lựa chọn giới tính khi mang thai cho đến việc sinh bằng được con trai dù đã có 2-3 con... Riêng năm 2020, huyện Đầm Hà có 706 trẻ sinh ra thì có tới 157 trường hợp là con thứ ba, chiếm tới 22,24%. Tỷ số giới tính khi sinh ở huyện trong vài năm trở lại đây đều ở mức khoảng 119 bé trai/100 bé gái, trong khi đó tỷ lệ này của toàn tỉnh chỉ là 112/100 (vẫn ở mức độ cao).
Trong quy định của pháp luật cũng đã cấm lựa chọn giới tính thai nhi và thực tế tại Trung tâm y tế huyện, các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn huyện chấp hành khá tốt việc thông báo giới tính thai nhi cho gia đình người dân; nhưng nhiều người vẫn lựa chọn giới tính bằng cách đi siêu âm tại các địa phương khác. Trong khi đó, cách thức triển khai, kiểm tra, kiểm soát, xử phạt cá nhân, những cơ sở có hoạt động hỗ trợ cho việc lựa chọn giới tính thai nhi trên địa bàn tỉnh còn chưa thực hiện triệt để.
Hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ gây ra những tác động xấu đối với gia đình và xã hội. Nhóm nam giới gặp khó khăn trong việc tìm vợ hoặc không thể lấy được vợ, làm tăng tệ nạn mại dâm, buôn bán trẻ em gái, phụ nữ và các tệ nạn xã hội khác do nhu cầu tình dục của họ không được đáp ứng. Bởi vậy, huyện Đầm Hà nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung cần tiếp tục có những giải pháp quyết liệt hơn để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()