Đơn vị tư vấn độc lập vừa công bố kết quả thẩm tra báo cáo tiền khả thi đường sắt tốc độ cao mà Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu và trình Chính phủ năm 2019.
Theo đề xuất của Bộ này, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dài 1.545 km, tốc độ thiết kế 350 km/h, khai thác tối đa 320 km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến 58,7 tỷ USD, trong đó giai đoạn một đến 2032 đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang; giai đoạn 2 đến 2050 xây dựng tiếp đoạn còn lại.
Sau khi thẩm tra, liên danh tư vấn (Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Đại học Giao thông Vận tải, Công ty TNHH Evo mc, Công ty Ove Arup & Partners Hong Kong Limited, Công ty CP Tư vấn xây dựng và thương mại Hưng Phú) lưu ý đến vấn đề tài chính.
Cụ thể, đơn vị này cho rằng phương án Bộ Giao thông Vận tải đề xuất khai thác 91 đôi tàu mỗi ngày đêm thì đến năm 2050 mới đảm nhận được 81 triệu lượt khách, không đạt mục tiêu của quy hoạch là 103 triệu. Điều này dẫn đến rủi ro về doanh thu nếu chỉ dựa vào hành khách. Doanh thu tối đa từ hành khách dự kiến 2,92-3,77 tỷ USD mỗi năm, không đảm bảo cân đối doanh thu - chi phí.
Liên danh tư vấn cho rằng các giải pháp huy động vốn chưa thuyết phục nếu sử dụng 80% ngân sách, vay ODA hoặc vay ưu đãi từ các tổ chức tài chính, 20% từ doanh nghiệp tư nhân. Thời gian đầu tư cũng bị đánh giá quá dài, mất gần 30 năm, gây rủi ro kiểm soát tổng mức đầu tư do trượt giá và bỏ lỡ cơ hội phát triển hành lang kinh tế Bắc Nam.
Theo đơn vị tư vấn, dự án đường sắt tốc độ trên 300 km/h phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ nước ngoài, dẫn đến hệ lụy trong vận hành khai thác. Phần lớn dự án này trên thế giới phải bù lỗ từ Chính phủ và cần bổ sung nguồn vốn lớn không chỉ cho xây dựng mà còn bù lỗ hàng năm.
Từ những phân tích trên, liên danh tư vấn kiến nghị lựa chọn tàu tốc độ thiết kế 250 km/h, tốc độ khai thác 225 km/h để chạy hỗn hợp tàu khách và tàu hàng trên trục Bắc Nam. Cấp tốc độ này có chi phí vận hành bằng 82%, chi phí tiêu thụ năng lượng bằng 72% so với tàu tốc độ 350 km/h.
Loại tàu tốc độ 250 km/h vận hành hỗn hợp tàu khách và hàng mở ra cơ hội cho doanh nghiệp trong nước có thể đàm phán với các đơn vị cung cấp đầu máy, toa xe, dần tiếp cận làm chủ công nghệ đường sắt và từng bước nội địa hóa.
Phương án tài chính có thể đạt doanh thu hàng năm khoảng 11 tỷ USD, trong đó từ bán vé 4,3 tỷ USD, hàng hóa 6,1 tỷ USD, cho thuê mặt bằng nhà ga 0,5 tỷ USD... trong khi chi phí khoảng 7,5 tỷ USD. Như vậy dự án tàu tốc độ 250 km/h đảm bảo hiệu quả tài chính, không phải bù lỗ từ Chính phủ.
Với phương án này, liên danh tư vấn tính toán tổng mức đầu tư dự án là 61,67 tỷ USD, trong đó dự kiến huy động từ đấu giá bất động sản tại 50 đô thị nhà ga (theo mô hình TOD phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) là 38,9 tỷ USD; vốn đầu tư công 13 tỷ USD và huy động từ tư nhân là 9,08 tỷ USD để đầu tư đoàn tàu và xây dựng 6 nhà ga 10 tầng. Tư nhân khai thác dịch vụ nhượng quyền, trả phí khấu hao hạ tầng đã đầu tư và phí bảo dưỡng hạ tầng.
Sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư (2023-2025), tư vấn đề xuất xây dựng trong 16 năm. Trong đó, giai đoạn một đến năm 2031 xây dựng đoạn Thủ Thiêm - Nha Trang dài 361 km với tổng vốn đầu tư 16 tỷ USD; giai đoạn 2 đến 2038 xây dựng đoạn Hà Nội - Đà Nẵng dài 677 km với 16 tỷ USD, giai đoạn 3 xây dựng Đà Nẵng - Nha Trang dài 469 km, với 18 tỷ USD.
Theo tư vấn thẩm tra, tuyến Thủ Thiêm - Nha Trang có nhu cầu vận chuyển lớn, có đường sắt tốc độ cao sẽ khắc phục yếu kém về hạ tầng giao thông, kết nối TP HCM - sân bay Long Thành - Nha Trang với nguồn vốn đầu tư phù hợp. Giai đoạn 1 cũng sẽ giải phóng mặt bằng toàn bộ, xây dựng hạ tầng TOD, đấu giá bất động sản để tạo vốn cho dự án.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trước đây đơn vị tư vấn đã nghiên cứu nhiều phương án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, như thiết kế tốc độ 160-200 km/h, trên 200 km/h và 350 km/h, mỗi kịch bản đều có ưu nhược điểm. Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu các phương án để trình Chính phủ xem xét thời gian tới.
Trước đó tháng 2/2019, Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi dự án tốc độ cao Bắc Nam đi qua 20 tỉnh thành từ Hà Nội đến TP HCM, trong đó điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM). Đây là tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ khai thác 320 km/h. Đoàn tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán.
Nhằm thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Hội đồng thẩm định Nhà nước đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn thẩm tra độc lập để đánh giá về dự án này.
Ý kiến ()