Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:56 (GMT +7)
“Kiên quyết xóa các lò mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, gây ô nhiễm”
Thứ 2, 17/07/2023 | 13:42:06 [GMT +7] A A
Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh sẽ có 24 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung (mỗi địa phương có ít nhất 1 cơ sở). Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh mới có 6 cơ sở giết mổ tập trung tại 4/13 địa phương. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIV vừa qua, vấn đề này được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm tham gia nhiều ý kiến. Liên quan đến nội dung này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT (ảnh).
- Ông cho biết, quy hoạch và thực trạng phát triển cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung của tỉnh hiện được thực hiện như thế nào?
+ Việc xây dựng các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung có ý nghĩa rất quan trọng trong phòng chống dịch bệnh, đảm bảo ATTP, môi trường và sức khỏe người dân. Xác định tầm quan trọng này, ngày 17/11/2014, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án đảm bảo ATTP tại các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2020. Theo lộ trình của tỉnh, đến hết năm 2021 mỗi địa phương phải xây dựng được ít nhất 1 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
Tuy nhiên, đến nay việc thu hút đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung bị chậm so với kế hoạch. Hiện toàn tỉnh mới xây dựng được 6/9 cơ sở giết mổ loại I theo kế hoạch đề ra tại 4/13 địa phương: Thiên Trường, Hà Khánh (TP Hạ Long); Thái Hòa (TP Cẩm Phả); Vang Thanh Dương, Đức Hà (TP Uông Bí); Hồng Thái Tây (TX Đông Triều). Các cơ sở đều đầu tư hạ tầng, dây chuyền giết mổ đầy đủ, hiện đại, nước nóng lạnh tự động, khu nuôi nhốt, đường đưa lợn ra, vào riêng biệt.
- Vậy đâu là rào cản làm ảnh hưởng đến tiến độ phát triển cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung của tỉnh?
+ Trên địa bàn tỉnh hiện có 640 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tự phát, nằm trong các khu dân cư, không đảm bảo điều kiện giết mổ theo quy định. Tư duy chăn nuôi nhỏ lẻ, giết mổ gia súc, gia cầm tự phát trở thành thói quen khó thay đổi của nhiều hộ chăn nuôi. Trung bình mỗi ngày, các cơ sở giết mổ tự phát, đưa ra thị trường hàng chục nghìn con gia súc, gia cầm các loại. Đây là nguyên nhân chính khiến nguồn gia súc vào các khu giết mổ tập trung thấp, ngày càng giảm. Trong khi 6 cơ sở giết mổ tập trung công suất hoạt động chưa đạt thiết kế, gặp nhiều khó khăn. Một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung hiện xuống cấp, thiếu sự đầu tư nâng cấp để đảm bảo vệ sinh thú y cho hoạt động; một số cơ sở xây dựng trước đây chưa đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định mới.
Chủ trương quy hoạch các cơ sở giết mổ tập trung tỉnh đã giao cho các địa phương triển khai. Tuy nhiên, các địa phương đang khó tìm được quỹ đất phù hợp đảm bảo khoảng cách tối thiểu 500m theo quy định. Một số địa điểm quy hoạch được đề xuất thường cách xa khu trung tâm, xa chợ, chưa phải đất sạch dành cho xây dựng. Hạ tầng hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, giao thông thường chưa có, nên khi kêu gọi, giới thiệu, nhà đầu tư không mặn mà. Trong khi các dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thường mang tính xã hội hóa rất cao, vốn đầu tư lớn, nhưng vốn, lợi nhuận thu hồi sau đầu tư thường chậm và rủi ro.
- Để thu hút các doanh nghiệp, người dân đầu tư vào các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, thời gian tới tỉnh sẽ triển khai các giải pháp trọng tâm nào?
+ Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, ngay sau khi có Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023 về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát lại các địa điểm trong mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung đã được phê duyệt trước đây đối chiếu với quy hoạch mới của từng địa phương để tích hợp đưa ra hoặc đề xuất bổ sung địa điểm mới vào quy hoạch. Trên cơ sở đó, các địa phương đang xây dựng kế hoạch, xác định lộ trình kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung cho từng địa phương và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/9/2023.
Sở NN&PTNT đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan tuyên truyền đến các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, các KCN, trường học… thực hiện cam kết chỉ dùng thực phẩm đã qua kiểm tra của cơ quan thú y để đảm bảo ATTP. Sở tiếp tục chỉ đạo rà soát việc thực hiện Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh “Về việc ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh”, tìm ra những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề tiếp cận thông tin, trình tự thủ tục tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, kết quả giải ngân chính sách cho doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này, báo cáo HĐND tỉnh điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, trái phép trong khu dân cư; kiên quyết di dời, đóng cửa, xóa sổ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y theo quy định.
- Xin cảm ơn ông!
Phạm Tăng (thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()