Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 21:12 (GMT +7)
Kiên trì đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục
Thứ 2, 16/01/2023 | 08:28:15 [GMT +7] A A
Năm 2023, ngành Giáo dục, đào tạo Quảng Ninh nêu cao quyết tâm, thực hiện những giải pháp thiết thực, hiệu quả, tạo ra môi trường sư phạm lành mạnh giúp cho người học vừa học chữ, học nghề, vừa học làm người. Để từ đó, hiện thực hóa mục tiêu trước năm 2030, Quảng Ninh sẽ lọt top 15 tỉnh, thành phố trong cả nước có chất lượng giáo dục, đào tạo tốt nhất.
Thực hiện mục tiêu đổi mới, căn bản, toàn diện GD&ĐT, cùng với cả nước, hơn 2 năm qua, Quảng Ninh đã có những giải pháp căn cơ, bài bản, thiết thực để thực hiện hiệu quả việc đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông (GDPT).
Trường Tiểu học Quang Trung (TP Uông Bí), hằng năm số lượng học sinh luôn trên 1.000 em, sĩ số bình quân trên 40 học sinh/lớp. Phòng học hẹp, diện tích nhỏ, học sinh đông, nên việc tổ chức học sinh học 2 buổi/ngày đi kèm với các hình thức dạy học tích cực được đánh giá là khó triển khai hiệu quả.
Cô giáo Nguyễn Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung (TP Uông Bí), cho biết: Nhận diện được những khó khăn, chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với đặc điểm tình hình cơ sở vật chất, đội ngũ, học sinh và điều kiện của nhà trường. Ban Giám hiệu nhà trường đã giao các tổ, khối chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục các môn học, linh hoạt theo từng khối lớp, từng tháng, từng học kỳ, có thể điều chỉnh, bổ sung, hoặc điều chỉnh kịp thời.
Là trường học khu vực trung tâm với số lượng học sinh đông nhất huyện, Trường Tiểu học thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ) lại có những cách làm riêng, phù hợp với thực tế, để nỗ lực thực hiện chương trình GDPT 2018. Giống như tình trạng nhiều trường vùng cao, đầu năm học 2022-2023, nhà trường cũng thiếu giáo viên ngoại ngữ và tin học.
Cô giáo Nguyễn Thu Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Ba Chẽ, chia sẻ: Để đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới, ngay trong học kỳ 1 năm học 2022-2023, được sự đồng ý của UBND huyện, Trường Tiểu học thị trấn Ba Chẽ đã được hợp đồng thêm 1 giáo viên ngoại ngữ. Bên cạnh đó, trường đẩy tiết học môn công nghệ lên trước, môn tin học sẽ học trong kỳ 2 sau khi cử giáo viên đi học và nhận chứng chỉ tin học tại Trường Đại học Hạ Long.
Cùng với việc tiếp tục chủ động thực hiện chương trình GDPT 2018, năm nay Quảng Ninh vẫn nêu cao quan điểm giáo dục phải được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH. Chính vì thế, ngân sách tỉnh chi cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo được xác định sẽ tiếp tục chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách của tỉnh. Trong đó, chi thường xuyên cho giáo dục chiếm tới 30-35% tổng chi thường xuyên của tỉnh.
Quảng Ninh sẽ đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo cũng như chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, ưu tiên đặc biệt, dành những quỹ đất đẹp nhất của các địa phương cho giáo dục, đào tạo, để cải tạo, xây dựng mới trường lớp khang trang, bề thế, hiện đại. Chú trọng xây dựng nhà công vụ cho giáo viên vùng sâu vùng xa, quyết liệt chỉ đạo thực hiện chủ trương xóa nhà vệ sinh không đạt chuẩn tại các trường học.
Đến nay, ngành Giáo dục Quảng Ninh đã xây dựng được một hệ thống trường lớp đến tận các thôn, khe bản, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Toàn tỉnh hiện có 646 cơ sở giáo dục phổ thông, với hơn 335.000 học sinh các cấp học. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 88,11%, tỷ lệ phòng học kiên cố hoá đạt 90,8%.
Với sự quan tâm của tỉnh, chắc chắn, năm 2023 mọi học sinh, sinh viên, trẻ mầm non ở mọi vùng miền của Quảng Ninh, nhất là những khu vực miền núi, hải đảo vẫn sẽ được thụ hưởng thành quả của sự phát triển, được học tập trong môi trường tốt nhất, tiên tiến nhất, hiện đại nhất.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()