Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 04:39 (GMT +7)
Kiều hối tăng mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế
Thứ 2, 07/02/2022 | 07:52:34 [GMT +7] A A
Dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài trên toàn cầu, nhưng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm 2021 vẫn tiếp tục tăng mạnh. Việt Nam vẫn nằm trong tốp 10 nước nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới. Đáng chú ý, doanh số chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam qua ngân hàng vẫn duy trì ở mức tích cực nhờ các chính sách thu hút kiều hối tốt.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhìn nhận, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, kiều bào gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn hướng về quê hương. Năm 2021, kiều hối về Việt Nam đạt khoảng 12,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2020. Trong đó, lượng kiều hối gửi qua các tổ chức tín dụng khoảng 7%, các công ty kiều hối 28%, qua bưu điện 2%. Đây là nguồn lực tài chính rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước.
“Hối hả” tăng dịp cận Tết
Theo thông lệ, dòng kiều hối thường “chảy” mạnh nhất vào cuối năm, dịp cận Tết Nguyên đán. Năm nay, để hút nguồn vốn này, nhiều ngân hàng đã “tung” ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Đơn cử, Ngân hàng Eximbank triển khai chương trình “Kiều hối phát tài-Lì xì như ý” từ ngày 1/12/2021 đến ngày 31/1/2022, với quà tặng là bao lì xì may mắn dành cho khách hàng cá nhân nhận tiền kiều hối MoneyGram tại các điểm giao dịch của Eximbank trên toàn quốc. Hay như với Công ty Kiều hối Sacombank, từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 10/3/2022, khách hàng sử dụng dịch vụ nhận kiều hối của công ty sẽ có cơ hội tham gia quay số trúng thưởng may mắn với tổng giá trị giải thưởng lên đến 300 triệu đồng… Ngoài ra, tận dụng lợi thế của nền tảng số, một số ngân hàng đã hợp tác với các công ty công nghệ tài chính (Fintech) để phát triển dịch vụ nhận tiền kiều hối trực tiếp qua tài khoản thanh toán. Như Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã hợp tác với Công ty cổ phần Nhất Phương (FinFan), theo đó, kiều hối khi chuyển qua hệ thống của FinFan sẽ được PVcomBank chuyển ngay vào số thẻ, số tài khoản thanh toán trong nước của khách hàng. Khách hàng không cần trực tiếp tới đơn vị chuyển phát nhanh để chuyển-nhận tiền, không mất nhiều công sức, thời gian để thao tác nộp số tiền lớn vào tài khoản ở ngân hàng.
Cùng với các chính sách hấp dẫn từ ngân hàng nhằm thu hút nguồn kiều hối, theo nhiều chuyên gia kinh tế, lượng kiều hối tăng mạnh trong năm 2021 một phần vì ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhiều địa phương giãn cách xã hội thời gian dài, cho nên người Việt Nam ở nước ngoài đã chuyển tiền về hỗ trợ người thân, hỗ trợ cộng đồng khắc phục hậu quả do dịch gây ra. Điều này được minh chứng khá rõ tại TP Hồ Chí Minh khi thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho thấy, lượng kiều hối về thành phố trong 11 tháng năm 2021 đạt khoảng 6,2 tỷ USD, vượt con số cả năm 2020 là 6,1 tỷ USD. Cả năm 2021, TP Hồ Chí Minh ước đạt từ 6,5 tỷ đến 6,6 tỷ USD kiều hối, bất chấp Covid-19 diễn biến phức tạp.
Bổ sung nguồn lực phát triển
Đối với Việt Nam, kiều hối được xác định là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội. Theo chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, nguồn kiều hối về Việt Nam đạt mức kỷ lục như năm 2021 đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong 10 nước được nhận nguồn kiều hối lớn nhất trên thế giới. Điều này có tác động rất tích cực đối với sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Trước hết, lượng kiều hối giúp Việt Nam ổn định và cân đối cán cân tài khoản vãng lai. Thứ hai, thông qua cân đối cán cân tài khoản vãng lai, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam cũng ở trạng thái tích cực nhờ nguồn kiều hối này. “Chính vì vậy, chúng ta có điều kiện để thực hiện các chính sách về ngoại hối, tỷ giá hối đoái và nhất là tăng được dự trữ ngoại hối sẽ góp phần củng cố tiềm lực tài chính nói chung và tiềm lực tài chính đối ngoại nói riêng của Việt Nam trong năm 2021, làm cơ sở hoạch định chính sách ngoại hối cho các năm tiếp theo”, TS Vũ Đình Ánh nhận định.
Giám đốc Trung tâm dịch vụ thanh toán và kiều hối Ngân hàng Agribank Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết, lượng kiều hối qua Agribank tăng trưởng tốt, đạt khoảng 1,1 tỷ USD tính đến cuối tháng 11/2021, cao hơn con số kiều hối qua ngân hàng này trong năm 2020. Cả năm 2021, lượng kiều hối qua Agribank đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 15%. “Nguyên nhân tăng là do Agribank đã mở rộng khai thác thị trường Nhật Bản, giúp cho lượng kiều hối từ Nhật Bản, chủ yếu của lực lượng lao động Việt Nam tại thị trường này, chiếm tỷ trọng cao hơn cả từ Mỹ”, ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.
Những năm gần đây, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng đều theo từng năm. Theo số liệu báo cáo từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), trong 5 năm gần đây, mỗi năm tăng thêm khoảng 10 nghìn người. Số lượng người đi xuất khẩu lao động ngày càng tăng kéo theo thu nhập cũng tăng, nhờ đó, lượng kiều hối hằng năm ước đạt từ ba tỷ đến bốn tỷ USD. Bên cạnh đó, những người tự đi nước ngoài theo diện bảo lãnh, người đi du học sau đó tìm việc ở nước ngoài hay người Việt Nam làm cho các dự án của doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài tăng cũng góp phần thúc đẩy lượng kiều hối chuyển về nước hằng năm tăng cao. Bên cạnh các thị trường kiều hối truyền thống của Việt Nam như: Mỹ, Australia, Canada,… chủ yếu chuyển về qua “kênh” TP Hồ Chí Minh, những năm gần đây có thêm nhiều “kênh” kiều hối mới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia,… với nguồn xuất khẩu lao động trải rộng ở hầu hết các địa phương trong cả nước.
Năm 2022, kiều hối được dự báo sẽ tăng 2,6%. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu phân tích cũng chỉ ra rằng, rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế nói chung và kiều hối nói riêng ở quy mô toàn cầu là việc số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại và các biện pháp hạn chế đi lại được tái lập. Mặt khác, việc chấm dứt các chương trình kích thích tài khóa và hỗ trợ việc làm khi nền kinh tế phục hồi cũng có thể làm giảm lượng kiều hối. Theo các chuyên gia, để tiếp tục thu hút mạnh hơn nữa dòng kiều hối về Việt Nam, Nhà nước cần thực thi các chính sách nhằm định hướng hoặc tạo động lực để kiều hối đầu tư vào khu vực sản xuất và các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực như: giáo dục và sức khỏe cộng đồng,... Cần thúc đẩy những nhân công có trình độ cao ra nước ngoài làm việc để có nguồn thu nhập cao chuyển về nước. Nhất là tiếp tục có chính sách mở rộng cho vay vốn, tạo điều kiện cho lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động nước ngoài và khuyến khích mọi thành phần kinh tế mở rộng thị trường xuất khẩu, địa bàn hoạt động kinh doanh ở cả trong nước và nước ngoài.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()