Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 19:37 (GMT +7)
Kinh hoàng xe khách chạy sớm
Thứ 7, 10/08/2013 | 05:10:21 [GMT +7] A A
Vào khoảng 4 giờ ngày 6-8 vừa qua, trên QL 18A, thuộc địa phận phường Đại Yên - TP Hạ Long, đã xảy ra vụ tai nạn giao thông kinh hoàng giữa xe chở khách chạy sớm, loại 16 chỗ ngồi (BKS 14B 001.44, do Lê Quang Thịnh, SN 1985, trú tại Cẩm Đông - Cẩm Phả điều khiển) với xe tải đi ngược chiều (BKS 14N-0537, do Nguyễn Văn Vi, SN 1977, trú tại Cộng Hoà - Quảng Yên điều khiển), khiến 9 người trên cả 2 xe bị thương nặng (tổng số có 25 người đi trên 2 xe)...
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, mặc dù không có trường hợp nào bị tử vong, nhưng nhiều người thường xuyên đi loại xe này đã không khỏi giật mình, lo sợ. Thường những người có nhu cầu đi đến Hà Nội sớm để giải quyết việc công, việc tư như hội họp, khám chữa bệnh, đi học sau đó quay về trong ngày hay sử dụng loại phương tiện này vì nó khá thuận tiện. Một số người hay đi loại xe này nhận xét, khi đã có giao hẹn, chỉ cần qua điện thoại, các nhà xe sẽ rất nhiệt tình, từ việc gọi điện đánh thức, đến hẹn giờ, địa điểm đón lên xe. Giờ xuất phát thường trong khoảng từ 3 rưỡi đến 4 rưỡi sáng và đến Hà Nội chỉ tầm 6 rưỡi, 7 giờ, rất phù hợp để giải quyết các việc. Chính từ sự tiện lợi đó mà khá nhiều người “mê tín” loại xe chạy sớm này. Tuy nhiên, nhiều người cũng cho biết, tiện thì có tiện nhưng không an toàn. Bởi lẽ xe xuất phát vào khoảng thời gian đó thường các loại phương tiện trên đường khá vắng, nên lái xe thường cho xe chạy rất nhanh, quá tốc độ quy định; hơn nữa về mặt sinh học thì vào thời gian này người lái xe cũng dễ buồn ngủ. Vì thế việc hay xảy ra tai nạn cũng là điều dễ hiểu và mức độ nghiêm trọng sẽ lớn bởi xe chạy với tốc độ cao...
Có lẽ vì cách thức kinh doanh vận chuyển này làm ăn được, lại ít phải cạnh tranh gay gắt, nên hiện nay dịch vụ xe khách chạy sớm đang có chiều hướng phát triển. Giờ đây các tấm biển quảng cáo cho loại hình này được treo dán ở khắp mọi nơi, từ chỗ công cộng đến các ngõ ngách trong khu dân cư.
Tuy có nhiều tiện lợi và đáp ứng được nhu cầu đi lại của một bộ phận người dân, nhưng nhiều người nhận định đây là một loại hình dịch vụ tự phát, hay có người còn gọi là “tắc-xi dù”, không có bến, tuyến cố định và khả năng cũng không có giấy phép hoạt động, nói tóm lại là không có sự quản lý của cơ quan chức năng.
Bởi vậy, từ thực tế của vụ tai nạn vừa xảy ra, các cơ quan quản lý, chuyên môn cần tiến hành rà soát, kiểm tra loại hình vận chuyển khách này. Nếu thấy thật sự cần thiết và đáp ứng được các yêu cầu, quy định về mặt chuyên ngành cũng như nhu cầu của người dân, thì cần phải đưa vào khuôn khổ, trật tự để quản lý. Như vậy mới có thể ngăn chặn, hạn chế được những tồn tại, khiếm khuyết có thể xảy ra, nhất là về công tác an toàn cho hành khách...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()