Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 07:41 (GMT +7)
Kinh tế, văn hoá Quảng Ninh trong thế kỷ XVIII
Chủ nhật, 28/05/2023 | 18:15:16 [GMT +7] A A
Cũng như nhiều nơi khác trong nước, thế kỷ XVII - XVIII, những cuộc chiến tranh Trịnh - Mạc, Trịnh - Nguyễn, các cuộc khởi nghĩa, nổi dậy của phong trào nông dân chống lại triều đình Lê - Trịnh đã khiến cho xã hội nhiều phen điêu đứng. An Quảng (Quảng Ninh ngày nay) là vùng đất trải qua nhiều binh lửa, giặc giã, loạn lạc nhưng nơi đây cũng chứng kiến quá trình hồi phục kinh tế văn hoá nhanh chóng.
Cuối thế kỷ XVII - thế kỷ XVIII, cùng với chiến tranh, chống cướp bóc, vùng đất Quảng Ninh khi ấy cũng là nơi quá trình khai hoang, lập làng mới diễn ra liên tục. Tại Trà Cổ, dân cư tiếp tục phát triển, hình thành nên các xóm mới. Dọc hai bên cửa sông Bạch Đằng đã ra đời các xã mới như Quỳnh Lâu, An Lập, Hoàng Lỗ, Dưỡng Động, La Khê, Hưng Học. Theo Đại Việt địa dư Toàn biên của Nguyễn Văn Siêu thì riêng Yên Hưng đã có 17 xã được thành lập. Các huyện Hoành Bồ, Hoa Phong, Đông Triều cũng được mở rộng, tổng diện tích ruộng đất lên tới 2 vạn mẫu.
Đặc biệt, trong giai đoạn Việt Nam chia cắt thành Đàng Trong (chúa Nguyễn) và Đàng Ngoài (chúa Trịnh) đã có những thay đổi về cảng sông, cảng biển. Vào giữa thế kỷ XVII, con đường sông từ Thái Bình tới Thăng Long tỏ ra có nhiều ưu thế. Ngoài khách hàng truyền thống Trung Quốc, Nhật Bản, chúa Trịnh thực thi chính sách mở cửa với nước ngoài nên có thêm các đối tác từ Pháp, Anh, Bồ Đào Nha, Hà Lan dẫn tới việc Phố Hiến ra đời. Thương cảng Vân Đồn và mạng lưới buôn bán của nó vì thế dần mất đi vai trò chủ chốt trong thương mại của Đại Việt kéo dài mấy thế kỷ. Trung tâm mậu dịch ở Đàng Ngoài chuyển về con đường Phố Hiến - Thăng Long. Cảng biển cũng chuyển về Làng Giang, gần cửa sông Cấm (Hải Phòng). Dân cư trên các bến cảng ở Vân Đồn đã tìm đi nơi khác làm ăn buôn bán.
Tuy nhiên, Thương cảng Vân Đồn vẫn có những hoạt động buôn bán nhất định. Tại nhiều bến cảng cổ, nhất là trên các đảo Quan Lạn, Cống Đông, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều tiền cổ có niên đại cuối thời Lê, thời Tây Sơn (XVIII), các đồ gốm sứ gia dụng, cho tới cao cấp thời nhà Thanh (Trung Quốc) thế kỷ XVIII… Điều đó chứng tỏ, Thương cảng Vân Đồn chỉ giảm vai trò chứ không mất đi hẳn các hoạt động giao thương.
Cùng với các hoạt động kinh tế, giao thương, văn hoá cũng phát triển đáng kể và để lại nhiều dấu ấn trên vùng đất An Quảng trong thế kỷ XVII-XVIII. Phật giáo được vua Lê, chúa Trịnh khuếch trương mạnh để cạnh tranh ý thức hệ với Thiên Chúa giáo đang có xu hướng du nhập, khởi phát theo chân các giáo sĩ phương Tây vào Đàng Ngoài. Tại An Quảng, đã có nhiều ngôi chùa, ngôi đình được xây dựng ở Yên Hưng, Đông Triều, Hoành Bồ. Đình Trà Cổ tiếp tục được trùng tu, để lại dấu ấn mỹ thuật thời Hậu Lê đến ngày nay trên trang trí kiến trúc đầu bẩy, cốn, vì kèo trong đình.
Tại đình Trung Bản, xã Liên Hoà, thị xã Quảng Yên còn lưu giữ một số cổ vật quý có niên đại thời hậu Lê (thế kỷ XVIII) là bức tượng Trần Hưng Đạo (được các nhà nghiên cứu mỹ thuật dân gian đánh giá là pho tượng Đức thánh Trần đẹp nhất Việt Nam), bộ kiệu bát cống sơn son thếp vàng tương truyền do một cặp vợ chồng viên quan cống vào đình để cầu con và chiếc quấn tẩy độc đáo.
Theo ông Lê Đồng Sơn, nguyên Trưởng Phòng Văn hoá Thể thao thị xã Quảng Yên thì quấn tẩy là đồ thờ tự dùng đựng nước thánh để các chủ tế làm phép rửa tay trước khi tế thần. Tuy nhiên, vượt lên công năng của vật sử dụng, quấn tẩy của đình Trung Bản thực sự là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ, thể hiện bàn tay tài hoa của cha ông ta thuở xưa. Bố cục của quấn tẩy là sự liên kết của tứ linh (long, ly, quy, phượng) và tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) được chạm trổ công phu. Tổng thể quấn tẩy không thẳng đứng mà uốn lượn quanh trục chính là thân rồng, phần đuôi rồng quay lên trên, ở khoảng giữa của quấn tẩy là một lá sen xoè to như mọc từ dưới lên trông khá sinh động. Đây chính là nơi đựng nước thánh. Phía trên lá sen là đầu rồng như đang sà xuống, hai chân trước của rồng xoè ra như đang đỡ lấy lá sen. Ở phần thân rồng bên trên, người ta trổ một lỗ thủng xuống miệng rồng và nước thánh được rót từ đây chảy xuống lá sen để chủ lễ làm phép rửa tay.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()