Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 14/10/2024 21:18 (GMT +7)
Kỳ họp số 21, HĐND tỉnh khóa XIV Giải quyết các vấn đề cấp thiết, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri
Thứ 2, 23/09/2024 | 06:13:00 [GMT +7] A A
Hôm nay, 23/9, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp thứ 21 (kỳ họp chuyên đề). Công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 21 đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo sát sao và được Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh tích cực phối hợp với UBND tỉnh cùng các cơ quan liên quan triển khai tích cực, chuẩn bị kỹ lưỡng. Kỳ họp sẽ diễn ra trong 01 ngày để HĐND tỉnh thảo luận quyết nghị một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền, để kịp thời giải quyết các vấn đề, nhiệm vụ cấp bách phát sinh trong công tác chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội và một số chính sách hỗ trợ khắc phục thiên tai do Bão số 3 (Yagi) gây ra trên địa bàn tỉnh.
Dành nguồn lực cho an sinh xã hội và khắc phục hậu quả bão
Tại cuộc họp ngày 17/9/2024, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất điều chỉnh, bổ sung phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2024. Trong đó, thực hiện cơ cấu lại nhiệm vụ chi triệt để, tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những khoản chi không thực sự cần thiết để dành 1.000 tỷ đồng thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể hoá chủ trương này, tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh sẽ thảo luận và xem xét việc điều chỉnh, phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2024. Theo đó, HĐND tỉnh sẽ xem xét tờ trình của UBND tỉnh về việc bố trí dự toán kinh phí khắc phục hậu quả bão số 3, mưa, lũ sau bão và thực hiện các chính sách an sinh xã hội: 1.000.000 triệu đồng (gồm: Nguồn tiết kiệm, cơ cấu lại các nhiệm vụ chi ngân sách cấp tỉnh: 288.360 triệu đồng; Nguồn Trung ương hỗ trợ mặt bằng chi: 711.640 triệu đồng).
Tờ trình của UBND tỉnh nêu rõ: Bão Yagi đã đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh ngày 7/9/2024, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tổng thiệt hại do bão Yagi gây ra vào khoảng 24.233 tỷ đồng (tính đến ngày 16/9).
Dự toán đầu năm 2024 đã bố trí kinh phí Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh để phục vụ hoạt động thường xuyên của Ban Chỉ huy: 420 triệu đồng, Dự phòng ngân sách tỉnh bố trí 368.657 triệu đồng; Quỹ dự trữ tài chính: 758.000 triệu đồng để chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa và các nhiệm vụ cần thiết khác theo quy định tại Điều 4, Điều 10, Điều 11 Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Sau khi cơn bão số 3 xảy ra, trên cơ sở báo cáo, đề xuất của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Sở Tài chính đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2551/QĐ-UBND ngày 10/9/2024 cấp bổ sung có mục tiêu cho các địa phương 180.000 triệu đồng từ nguồn dự phòng ngân sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại cơn bão số 3 và mưa, lũ sau bão; tuy nhiên, nguồn kinh phí trên chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực hiện công tác khắc phục hậu quả.
Để chủ động, kịp thời sẵn sàng nguồn lực đáp ứng nhu cầu thực hiện công tác khắc phục thiệt hại bởi cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão, thực hiện kết luận của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh tại hội nghị ngày 17/9/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát lại tất cả nguồn kinh phí, chủ động tiết kiệm các khoản chi chưa thực sự cấp thiết để báo cáo trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí nguồn lực cho công tác khắc phục thiệt hại cơn bão số 3, mưa, lũ sau bão và thực hiện các chính sách an sinh xã hội là: 1.000.000 triệu đồng, sau bão và thực hiện các chính sách an sinh xã hội là: 1.000.000 triệu đồng, trong đó: Nguồn tiết kiệm, cơ cấu lại các nhiệm vụ chi ngân sách cấp tỉnh: 288.360 triệu đồng; Nguồn Trung ương hỗ trợ mặt bằng chi: 711.640 triệu đồng.
Căn cứ khoản 3 Điều 5 Thông tư số 76/2023/TT-BTC ngày 29/12/2023 của Bộ Tài chính và hướng dẫn của Bộ Tài chính tại văn bản số 5514/BTC-NSNN ngày 29/5/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét giao Ủy ban nhân dân tỉnh chủ động phân bổ chi tiết nguồn kinh phí khắc phục hậu quả bão số 3, mưa, lũ sau bão và thực hiện các chính sách an sinh xã hội: 1.000.000 triệu đồng, trong đó có các Nghị quyết của Hội đồng nhân tỉnh thông qua tại kỳ họp này và các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp theo (Chính sách nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn; chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; chính sách hỗ trợ thiệt hại về nhà ở do bão số 3 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh...).
Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân vượt qua hậu quả của bão
Tại Kỳ họp, HĐND tỉnh cũng xem xét thông qua về một số chính sách, biện pháp khẩn cấp, cấp bách (theo quy trình rút gọn) để kịp thời hỗ trợ khắc phục thiên tai do Bão số 3 (Yagi) gây ra trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, HĐND tỉnh sẽ thảo luận dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
Việc xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết này nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 76/2024/NĐ-CP và các giải pháp về xây dựng hệ thống chính sách an sinh xã hội bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo mức sống tối thiểu cho người có hoàn cảnh khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau và được xác định tại Chương trình hành động số 37-Ctr/TU ngày 02/4/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. HĐND tỉnh sẽ xem xét nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội của tỉnh cao hơn mức Trung ương quy định đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của tỉnh, nhất là sau cơn bão số 3 đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 46.000 người đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng là đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội (gồm: Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; người cao tuổi không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hằng tháng khác; người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng không còn khả năng lao động) và đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh, nguồn thu nhập chính là trợ cấp xã hội hằng tháng.
Qua đó, tiếp tục khẳng định sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của tỉnh đối với các nhóm đối tượng khó khăn, góp phần ổn định xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chất lượng cuộc sống của nhân dân nói chung, của các đối tượng bảo trợ xã hội nói riêng ngày càng được nâng lên.
Cùng với đó, HĐND tỉnh cũng xem xét một số biện pháp khẩn cấp, cấp bách hỗ trợ khắc phục thiên tai do Bão số 3 (Yagi) gây ra trên địa bàn tỉnh. Trong đó có chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm học 2024 - 2025.
Theo thống kê sơ bộ, trên 70% gia đình học sinh bị tác động trực tiếp bởi cơn bão số 3 (hư hỏng tài sản, thiệt hại cây trồng, vật nuôi, ảnh hưởng nặng nề đến các điều kiện sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất ...). Số gia đình học sinh còn lại hầu hết đều bị tác động gián tiếp, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của cha mẹ học sinh...Toàn tỉnh hiện có 631 cơ sở giáo dục (mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên), với trên 365.000 học sinh; trong đó gần 244.000 học sinh thuộc gần 165.000 hộ gia đình (chiếm trên 42% tổng số hộ gia đình của tỉnh) thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ khi Nghị quyết được ban hành. Đối tượng được hỗ trợ, gồm: Trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp phổ thông đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trừ học sinh tiểu học trường công lập và các đối tượng đã được hưởng chính sách hỗ trợ học phí theo quy định của tỉnh.
Việc ban hành chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh của tỉnh nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn, hỗ trợ, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh, từng bước khắc phục hậu quả của bão số 3, ổn định đời sống. Đồng thời giúp các nhà trường duy trì sĩ số, nền nếp chuyên cần. Nghị quyết đã khẳng định sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của tỉnh đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo, đồng thời động viên, khuyến khích học sinh phấn đấu, yên tâm học tập.
HĐND tỉnh cũng xem xét các biện pháp hỗ trợ thiệt hại nặng về nhà ở do bão số 3 (bão Yagi) năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Qua đó, nhằm chia sẻ những mất mát và kịp thời hỗ trợ, đáp ứng một phần nhu cầu khắc phục khó khăn, khôi phục, sửa chữa lại nhà ở của những gia đình chịu thiệt hại về nhà ở do bão số 3 gây ra và không còn nơi ở khác trên cùng địa bàn (huyện, thị xã, thành phố) để sớm khôi phục lại sinh hoạt, đời sống, sản xuất.
Cơn bão số 3 (bão Yagi) xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã gây thiệt hại vô cùng lớn về người, tài sản của ngành hàng hải và đường thủy nội địa. Nhằm chia sẻ mất mát, hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện thủy (đăng ký tại tỉnh Quảng Ninh) bị chìm đắm do bão số 3 (bão Yagi) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo quy định tại Quyết định số 118/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ ngư dân khắc phục rủi ro thiên tai trên biển để họ sớm ổn định, đưa vào sản xuất, đồng thời góp phần đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.
Ngoài ra, tại Kỳ họp này HĐND tỉnh dự kiến thông qua một số nội dung quan trọng khác thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh như việc điều chỉnh, phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2024 và các nội dung về công tác cán bộ.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()