19h mỗi ngày Trần Lâm chỉnh máy quay, đặt thiết bị chiếu sáng và bấm nút bắt đầu phiên livestream dùng thử, giới thiệu và bán mỹ phẩm.
Lâm được gọi là KOC (Key Opinion Customer - người tiêu dùng có ảnh hưởng). Năm 2020, chàng trai 25 tuổi ở TP HCM này quyết định nghỉ việc văn phòng để theo đuổi nghề đánh giá, nhận xét (review) mỹ phẩm vì mức lương tháng 7 triệu "không đủ sống ở thành phố".
Là người "nghiện" làm đẹp mỗi tháng anh dành ra khoảng hai, ba triệu đồng để mua sản phẩm về dùng thử và quay video. "Ngày nào cũng quay, dùng nhiều loại mỹ phẩm khiến da kích ứng, bùng mụn, viêm loét nhưng chỉ nhận lại được vài lượt yêu thích từ bạn bè", Lâm kể.
Sau nửa năm, tiền tiết kiệm cũng cạn nên Lâm đi xin các nhãn hàng tài trợ sản phẩm dùng thử, đổi lại anh sẽ quảng cáo miễn phí. Anh ví dụ một video quảng cáo kem chống nắng thời lượng một phút nhưng mất 15-20 ngày để trải nghiệm, ra đường quay từ sáng đến tối, hiệu quả hay không đều phải thông báo cho khán giả. "Khi kênh đạt 100.000 người theo dõi, tôi bắt đầu nhận quảng cáo", Lâm nói.
Từ năm 2022, Lâm bắt đầu nhận livestream cho các nhãn hàng. Ban đầu chưa quen với việc nói liên tục vài tiếng, thậm chí lên tới 24h nên nhiều lần anh suýt ngất trên livestream. "Tôi phải học cách kể chuyện cười, cổ vũ khán giả chốt đơn, lúc nào cũng phải vui vẻ kể cả bị chửi mắng", Lâm nói.
Đến nay, anh có mức thu nhập lên tới vài chục triệu đồng mỗi tiếng livestream. "Phiên livestream tôi có doanh thu cao nhất 200 triệu đồng trong hai tiếng, có những phiên kéo dài 24h lên đến vài tỷ đồng", Lâm nói.
Thu nhập "khủng", thời gian làm việc linh hoạt và không đòi hỏi bằng cấp, chuyên môn góp phần nghề KOC như của Trần Lâm trở nên hấp dẫn với người trẻ.
Vũ Diệu Thúy, người sáng lập Kolin Academy, cơ sở chuyên đào tạo nghề KOC, KOL (người có ảnh hưởng) cho biết từ đầu năm 2024, mỗi tháng tiếp nhận khoảng vài trăm học viên theo học livestream, sáng tạo nội dung trên nền tảng số, gấp đôi so với năm ngoái. Hơn 80% học viên thuộc nhóm 18-29 tuổi, chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM. Mỗi khóa học kéo dài 4-10 buổi có giá từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng.
Chị Thúy nói khó nhất khi đào tạo các bạn mới bắt đầu, chưa có kinh nghiệm là giúp họ phát hiện điểm mạnh, lợi thế để biến thành tài năng, từ đó sản xuất nội dung phù hợp trên mạng. "Những học viên đã nổi tiếng sẵn sẽ thường học khóa livestream để chuyển đổi từ thương hiệu cá nhân thành tiền, học cách bán sản phẩm", chị nói.
Hiện nay, trên mạng xã hội có hàng trăm hội nhóm tuyển dụng KOL, KOC, Influencer với vài chục nghìn đến vài trăm nghìn thành viên tham gia.
Bích Ngọc, 28 tuổi, ở Hà Nội đã có hơn 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cho biết một năm trở lại đây, từ khi livestream bán hàng trên nền tảng số trở thành xu hướng, các thương hiệu, nhãn hàng có nhu cầu tuyển KOL, KOC để quảng bá tăng gấp đôi, gấp ba "Tháng nhiều nhất có thể cần tới vài chục đến vài trăm người để quảng bá sự kiện", Ngọc nói.
Là người kết nối KOL, KOC với các nhãn hàng, Lê Du, 25 tuổi, giám đốc sáng tạo của một công ty truyền thông ở Hà Nội cho biết những KOC chưa nổi tiếng thường dễ chấp nhận việc đăng video không có hỗ trợ phí, chỉ cần được trải nghiệm miễn phí các dịch vụ, sản phẩm. Còn các KOC, KOL, Influencer đã có lượng người theo dõi lớn (hàng trăm nghìn, hàng triệu) có thể nhận mức lương từ vài chục triệu đến vài trăm triệu cho một video đăng trên mạng xã hội.
Tiến sĩ Lê Hoành Sử, Đại học Kinh Tế - Luật TP HCM, thành viên Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho rằng trong thời đại chuyển số, người dùng cần tiếp cận thông tin nhanh, nóng hổi, ngắn gọn rồi chuộng mua sắm trực tuyến, mở ra cơ hội cho nghề KOL, KOC phát triển.
Theo chuyên gia, trước đây để nổi tiếng, có thu nhập cao cần cả quá trình dài xây dựng hình ảnh bài bản nhưng đến nay các bạn trẻ có thể dễ dàng nổi lên nhờ ngoại hình, biết nắm bắt xu hướng, tiếp cận người xem. Thậm chí, những người nông dân, những cá nhân, gia đình, có câu chuyện đặc biệt mang tính truyền cảm hứng cũng có thể nổi tiếng, trở thành người có sức ảnh hưởng và kiếm thu nhập từ nền tảng số.
Tuy nhiên, ông Sử cũng cảnh báo nhiều người chạy theo sự nổi tiếng hoặc vì thu nhập mà nhận quảng cáo tràn lan mà không hiểu rõ sản phẩm khiến dư luận phẫn nộ, ảnh hưởng đến uy tín bản thân cũng sự mất đi sự nghiệp. "Muốn phát triển và tồn tại lâu trong nghề thì phải biết tạo ra giá trị nội dung bền vững, có tác động tích cực đến cộng đồng", chuyên gia nói.
Theo chuyên gia tâm lý Trần Hương Thảo (TP HCM), mặt trái của việc một số thành công sớm, có thu nhập cao, nổi tiếng nhờ nghề này có thể khiến nhiều người trẻ ảo tưởng rằng kiếm tiến trên mạng dễ dàng. Đối với xã hội, một số Gen Z hiện nay cảm thấy tự ti vì áp lực đồng trang lứa, mắc FOMO (hội chứng sợ bị bỏ lỡ) và có thể dẫn đến lo lắng, trầm cảm khi chứng kiến một số KOC, KOL thu nhập cao.
Bà Thảo cho biết hội chứng FOMO còn thường xảy ra với bản thân những người làm KOL, KOC. Họ mải mê chạy theo doanh thu bán hàng, chạy theo lượt thích, lượt theo dõi để rồi tự cảm thấy mình thất bại khi bản thân đang nghỉ ngơi mà người khác vẫn bán hàng, làm việc ngày đêm. "Người trẻ nên biết cách cân bằng cuộc sống, dành thời gian cho bản thân, sáng tạo nội dung có giá trị, có chiều sâu", chuyên gia Thảo khuyên.
Làm song song công việc văn phòng và KOC có hơn 200.000 người theo dõi, Hoàng Anh, 25 tuổi, ở Hà Nội kiếm được gần một trăm triệu đồng nhờ review điện thoại, thiết bị máy ảnh, quảng cáo phần mềm chụp ảnh đẹp hay gợi ý các góc sống ảo ở khách sạn, quán cà phê. Nhưng cái giá anh phải trả là không có thời gian nghỉ ngơi, nhiều khi kiệt sức vì quá tải.
"Có lẽ tôi sẽ nghỉ việc để tập trung cho việc sáng tạo nhiều nội dung số có giá trị cho cộng đồng hơn" Hoàng Anh nói.
Ý kiến ()