Theo Koreaboo, số liệu Cục Hải quan Hàn Quốc công bố tháng 6 cho thấy nửa đầu năm nay, doanh thu từ các hoạt động xuất khẩu Kpop là 133 triệu USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động xuất khẩu bao gồm việc tổ chức các concert, bán đĩa, nhạc trực tuyến ở nước ngoài. Mỹ đã vượt Trung Quốc để trở thành thị trường ngoại quốc lớn thứ hai của Kpop, đóng góp 25,5 triệu USD, trong khi Trung Quốc là 22,7 triệu USD. Đây là cột mốc quan trọng trong việc khán giả chấp nhận sự phổ biến của nhạc Hàn tại Mỹ - thị trường mà các nghệ sĩ không nói tiếng Anh thường khó thâm nhập.
Nhật Bản vẫn là quốc gia đi đầu trong việc tiêu thụ các sản phẩm Kpop, với 48,6 triệu USD. Các nước còn lại trong top 10 thị trường lớn là Đức, Đài Loan, Hong Kong, Hà Lan, Canada, Anh và Pháp. Sự trỗi dậy ở nhiều khu vực thể hiện sức hấp dẫn khó cưỡng của K-pop với khán giả toàn cầu. Theo Koreaboo, đây không chỉ là thành tích của nền nghệ thuật Hàn Quốc mà còn minh chứng cho sức mạnh của âm nhạc trong việc bắc cầu nối giữa các nền văn hóa và phá bỏ rào cản ngôn ngữ.
Nền tảng dữ kiện Statista cho biết chính phủ Hàn Quốc bắt đầu hướng đến việc đưa Kpop trở thành ngành công nghiệp tỷ USD từ những năm 2010. Hai năm sau, Gangnam Style thành hiện tượng toàn cầu, mở đường sự tăng trưởng theo cấp số nhân của lĩnh vực này. Trang World Financialreview gọi âm nhạc là "quyền lực mềm" của Hàn Quốc, nhưng sức mạnh mềm ấy dễ dàng chuyển thành lợi ích kinh tế.
Theo Asia Fund Managers, năm 2004, Kpop đóng góp 1,87 tỷ USD. Con số này tăng lên 9,48 tỷ USD năm 2018 và đạt 12,3 tỷ USD năm 2019. Trong thời gian đại dịch, các thần tượng vẫn kiếm được tiền nhờ việc bán album, nhạc trực tuyến, giúp ngành này thu về 12,45 tỷ USD năm 2021.
Số liệu từ công ty nghiên cứu Allie Market Industry cho thấy thị trường tổ chức sự kiện của Kpop được định giá 8,1 tỷ USD năm 2021, trong khi việc xuất khẩu album thu về 220 triệu USD. Ước tính đến năm 2031, ngành biểu diễn của nước này sẽ đạt giá trị khoảng 20 tỷ USD. Con số này tương đương tổng GDP của Hàn Quốc năm 1974.
Theo Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai, từ khi ra mắt năm 2013 đến nay, BTS - nhóm nhạc hàng đầu Hàn Quốc - đóng góp trung bình 3,6 tỷ USD mỗi năm, tương đương doanh thu 26 công ty vừa của Hàn Quốc. Năm 2019, họ tạo ra 4,65 tỷ USD, chiếm 0,3% tổng GDP nước này. Năm 2021, khi không thể tổ chức concert vì dịch, BTS vẫn bán được 1,35 triệu vé của một show trực tuyến cho người xem ở hơn 100 quốc gia, thu về 71 triệu USD.
Forbes đánh giá âm nhạc là lĩnh vực hàng đầu của Hàn, bên cạnh sản xuất ôtô, công nghệ thông tin và chất bán dẫn. Ôtô và công nghệ thông tin tạo ra GDP cao hơn nhưng Kpop có giá trị thương hiệu vô giá. The Economist nhận xét: "Quyền lực mềm quan trọng trong việc nâng cao độ nhận diện, mở cửa thị trường, xây dựng thương hiệu và thay đổi cách mọi người nghĩ về bạn. Kpop, phim ảnh và các series truyền hình có vai trò quan trọng trong việc làm cho Hàn Quốc trở nên thú vị hơn với thế giới".
Không chỉ tự tạo ra lợi nhuận, Kpop có tác động tích cực đến nhiều ngành khác, từ du lịch, ẩm thực, thời trang cho đến việc học tiếng Hàn. Theo allkpop, tháng 8/2022, Viện Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc thông báo: "Nếu BTS tổ chức một concert trong thời kỳ hậu Covid-19, hiệu ứng gợn sóng kinh tế sẽ đạt từ 550 triệu USD đến 989 triệu USD".
Nghiên cứu này dựa trên phân tích tác động kinh tế từ việc bán vé, các sản phẩm ăn theo, du lịch, vận tải, chi phí di chuyển và ăn ở của khách nước ngoài. Viện Nghiên cứu Văn hóa và Du lịch đã lấy ví dụ concert của BTS tại Los Angeles vào cuối năm 2021 và Seoul tháng 3/2022. Theo số liệu, hơn 70% người tham dự concert đến từ các vùng khác địa điểm tổ chức.
Nhóm nghiên cứu cho biết: "Phân tích này lấy concert của BTS làm ví dụ, nhưng nó cho thấy việc tổ chức các buổi diễn Kpop có thể tác động rất lớn đến nền kinh tế. Chúng ta sẽ có thể vượt qua đại dịch nhanh hơn bằng cách cải thiện các lĩnh vực liên quan như văn hóa và du lịch, bắt đầu từ ngành biểu diễn âm nhạc".
Ngoài BTS, nhóm nhạc nổi tiếng khác của Hàn Quốc là Blackpink, cũng thu về 163,8 triệu USD với 40 concert trong tour Born Pink, đưa họ trở thành nhóm nhạc nữ có doanh thu lưu diễn cao nhất lịch sử. Cuối tháng 7, nhóm đến Việt Nam biểu diễn, hút hơn 60.000 khán giả.
Tờ World Financial Review nhận xét Kpop minh chứng cho sự trỗi dậy của một quốc gia, là biểu tượng cho sự phát triển nhanh chóng của Hàn Quốc - từ một nước nông nghiệp nghèo thành nền kinh tế có tính cạnh tranh cao. Sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, Bộ Thể thao và Văn hóa Hàn Quốc được thành lập với trọng tâm là thúc đẩy âm nhạc phát triển cùng thời trang, phim ảnh. Ngay sau đó, họ đặt tham vọng trở thành siêu cường văn hóa. Năm 2022, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn dành 585 triệu USD ngân sách để hỗ trợ phát triển văn hóa nói chung, âm nhạc nói riêng.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp khổng lồ này cũng tồn tại nhiều mặt trái. World Financial Review cho rằng sự bành trướng của bốn công ty lớn gồm HYBE, SM, JYP và YG dẫn đến việc họ dễ dàng thao túng thị trường. Bốn "ông lớn" này thu về 66% tổng doanh thu của ngành, 89% doanh thu các buổi biểu diễn. Người hâm mộ ngày càng phải trả nhiều tiền cho mọi thứ từ album, các phụ kiện đến vé xem concert, do vị thế độc quyền của các công ty quản lý được nâng cao. Ngoài ra, với tham vọng chinh phục thị trường thế giới, ngày càng nhiều bài hát tiếng Anh ra đời, khiến khán giả cảm thấy bản sắc của Kpop bị mai một.
Trang The Diplomat bình luận ở Kpop tồn tại những bi kịch đi ngược nhân quyền liên quan các "hợp đồng nô lệ", lịch trình đào tạo khắc nghiệt, điều khoản không hẹn hò, những vụ tự tử vì áp lực của các thần tượng. Trong khi nghệ sĩ ngày càng phải vật lộn để tìm kiếm sự cân bằng, sự phát triển của làn sóng Hallyu vẫn không có dấu hiệu chững lại.
Ý kiến ()