Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 15:45 (GMT +7)
Ký cam kết - đừng lạm dụng!
Chủ nhật, 19/05/2013 | 05:44:50 [GMT +7] A A
Lâu nay, trong các hội nghị hay trong các báo cáo tổng kết, đánh giá việc triển khai một hoạt động, hoặc một chiến dịch gì đó, thường thấy nhắc đến cụm từ “ký cam kết”. Ở các khu dân cư thì nào là cán bộ DS-KHHGĐ tổ chức cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ký cam kết không sinh con thứ ba trở lên; rồi thì cán bộ làm công tác vệ sinh môi trường tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không vứt rác ra đường; gần đến Tết Nguyên đán thì ký cam kết không tàng trữ, sử dụng pháo nổ v.v.. Còn ở các trường học thì tổ chức cho học sinh ký cam kết không đi xe máy đến trường, ký cam kết không dạy thêm, học thêm v.v.. Thậm chí, có lúc, có nơi còn tổ chức ký cam kết không tàng trữ, sử dụng các chất ma tuý; ký cam kết không tổ chức đánh bạc tại nhà v.v.. và v.v..
Có thể, ở một mức độ nào đó, việc ký cam kết là cần thiết, là thêm một lần nhắc nhở, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự việc, hành vi; để từ đó mỗi người có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh hơn. Nhưng việc ký cam kết nếu cứ lạm dụng thì sẽ dẫn đến “tác dụng phụ”, dẫn đến “nhờn thuốc”…
Chúng ta đều biết,“cam kết” nghĩa là cam đoan thực hiện đúng như giao kết giữa đôi bên. Đây là hành vi tự nguyện, thoả thuận với nhau, không ép buộc… Vậy thì làm sao có thể ký cam kết đối với những việc, những hành vi hiển nhiên là không được làm, làm là vi phạm pháp luật? Việc người dân tàng trữ, sử dụng pháo nổ, việc sử dụng xe máy khi tham gia giao thông mà không đội mũ bảo hiểm, việc học sinh chưa đến 16 tuổi sử dụng xe máy v.v.. chưa nói đến việc tàng trữ sử dụng ma tuý, tổ chức đánh bạc... Tất cả đều là những hành vi mà pháp luật cấm! Vậy thì dù thích hay không thích vẫn phải chấp hành, sao có thể “thoả thuận” được? Và từ đó, khi tổ chức ký cam kết làm hay không làm những việc này chính là đã vô tình khiến cho mọi người nhận thức sai lệch bản chất của vấn đề. Ấy là chưa kể nó còn mang tính dân chủ hình thức; bởi liệu có người dân nào dám từ chối ký cam kết không tàng trữ, sử dụng pháo nổ, từ chối ký cam kết không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy ra đường? Và lại càng không dám từ chối ký cam kết không đánh bạc, không sử dụng ma tuý v.v..
Đấy là nói về lý, còn trên thực tế, việc ký cam kết như nói ở trên, cũng có một số tác động tích cực; tuy nhiên, không ít trường hợp thực sự là không mang lại nhiều hiệu quả. Chẳng nói đâu xa, như vụ tai nạn giao thông đau lòng khiến 4 em nữ sinh đi xe máy bị tử vong trên Quốc lộ 18A, đoạn qua phường Đại Yên (TP Hạ Long) hôm 24-4 mà báo chí đã phản ảnh. Càng đau lòng hơn khi được biết cả 4 em đều đã ký cam kết không đi xe máy đến trường…(!). Không phải nói điều này ra là để “phán xét” hay để “quy trách nhiệm” đối với các em; nhưng rõ ràng, qua đó cũng cho thấy việc ký cam kết với các em chỉ là để không bị thầy cô trách phạt mà thôi!
Đây chỉ là một trường hợp, nhưng nhìn rộng ra, tôi tin không chỉ việc ký cam kết ở trong nhà trường, mà cả ký cam kết ở các cơ quan, đơn vị, khu dân cư v.v.. cũng chưa chắc đã có nhiều tác dụng nếu những nội dung cam kết không hợp lý, hợp tình! Trong những trường hợp này, thay vì tổ chức ký cam kết, thiết nghĩ nên có cách làm khác, như tổ chức toạ đàm, nói chuyện v.v.. nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của nó, còn thiết thực hơn là cứ lạm dụng việc ký cam kết!
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()