Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:51 (GMT +7)
Khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV
Thứ 2, 15/01/2024 | 16:57:19 [GMT +7] A A
Sáng 15/1, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Dự phiên khai mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thuộc 63 Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 3 ngày 15,16 và 18/1/2024, để xem xét, quyết định 4 nội dung quan trọng về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với các chương trình mục tiêu quốc gia và một số nội dung cấp thiết về tài chính, ngân sách.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Những nội dung được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ, mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài. Vì vậy, đề nghị các vị ĐBQH phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng để Kỳ họp hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình với sự thống nhất, đồng thuận cao. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phối hợp chặt chẽ, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết đạt chất lượng cao nhất để Quốc hội xem xét, quyết định.
Trong phiên khai mạc, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án Luật lớn, có tính chất quan trọng đặc biệt, có tác động sâu rộng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Dự thảo Luật đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại 3 kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về dự án Luật tại 7 phiên họp, Chính phủ đã tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề để hoàn thiện dự án Luật. Dự thảo Luật đã được lấy ý kiến nhân dân, quá trình hoàn thiện dự thảo Luật đã có sự tham gia của đông đảo các cơ quan, tổ chức, chuyên gia. Qua nghiên cứu dự thảo Luật, các đại biểu đánh giá cao nội dung của dự thảo Luật thống nhất với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý. Các đại biểu đề nghị cần có Nghị quyết của Quốc hội để hướng dẫn thi hành luật; Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết, các nội dung cần thể hiện trong Nghị quyết để trình Quốc hội. Các đại biểu cũng tham gia ý kiến về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất, thuê đất, thu hồi đất, đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, định giá đất, quy định chuyển tiếp, điều khoản thi hành cùng nhiều ý kiến xác đáng, cụ thể vào các chương trình, các chương, điều, khoản trong Luật…
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao quyết tâm, tinh thần làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, cầu thị, lắng nghe lẫn nhau của các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo, thống nhất được nhiều nội dung lớn, chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội. Các đại biểu cũng đánh giá cao nội dung của dự thảo luật, thống nhất với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý; đồng thời tham gia nhiều ý kiến đối với các quy định về chuyển tiếp, điều khoản thi hành, tổ chức, quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng, dự phòng rủi ro, lãi dự thu, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, xử lý trường hợp các tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, vay và cho vay đặc biệt, các quy định để minh bạch thông tin, ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng các tổ chức tín dụng, đảm bảo an ninh hệ thống, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
Ngày mai (15/1), Quốc hội tập trung thảo luận ở hội trường về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và một số nội dung quan trọng, cấp thiết về tài chính, ngân sách.
Để tham gia có hiệu quả vào Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã chuẩn bị chu đáo các nội dung, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ĐBQH, đồng thời sẵn sàng thực hiện tốt các nhiệm vụ khác do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phân công trong quá trình diễn ra kỳ họp.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()