Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:25 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Thảo luận tại tổ về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố và tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT
Thứ 6, 22/10/2021 | 19:21:14 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 22/10, các đại biểu trong đoàn ĐBQH tỉnh đã thảo luận tại tổ để cho ý kiến vào các dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố; tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH, quỹ BHYT năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68 của Quốc hội khóa XIII về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.
Các báo cáo, tờ trình được trình bày trong sáng ngày làm việc thứ 3 gồm: Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế; Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.
Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao tính cần thiết của việc ban hành các Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương. Tuy nhiên, các đại biểu nhấn mạnh, cơ chế đặc thù phải được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương; có tác động lan tỏa vùng miền, gắn với đề cao tính tự lực, tự cường, phát huy tính năng động, sáng tạo. Đồng thời, cơ chế đặc thù phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng lớn đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương theo quy định của Hiến pháp; không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định.
Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng cách đặt vấn đề về cơ chế đặc thù đối với 4 địa phương là phù hợp, nhưng một số nội dung phải cân nhắc rất kỹ. Ví dụ như phần trăm để lại của số tăng thu ngân sách của địa phương, thì số tăng thu này phải dựa trên sự phân tích tình hình phát triển KT-XH và dự đoán mức tăng ngân sách hàng năm của các địa phương như thế nào, mới xác định điều tiết giữa trung ương với địa phương.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, việc xây dựng các nghị quyết cần quán triệt quan điểm tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền của địa phương; đồng thời đảm bảo nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp của các địa phương.
Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại hội trường và thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2020 và đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân trong 2 năm 2019-2020.
Về Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020, các đại biểu cơ bản đồng tình với nội dung báo cáo. Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị xác định một số nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp trốn, nợ đọng BHXH kéo dài và có giải pháp để chống việc lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH; phân tích làm rõ những thách thức về BHXH trong thời gian tới; cần tính toán kết dư quỹ BHXH trên thực tế, không nên tính kết dư trên lý thuyết.
Đối với Báo cáo về việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68 của Quốc hội được ban hành năm 2013 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019 - 2020, các đại biểu đề nghị hệ thống y tế cần phải đánh giá thực chất việc người dân tiếp cận dịch vụ y tế; công khai, minh bạch các quyền lợi mà người bệnh đã được hưởng kể cả trong thời gian điều trị hoặc sau khi ra viện; chú ý mở rộng đối tượng có thu nhập cao.
Ngày mai, 23/10, Quốc hội tiếp tục nghe báo cáo, thảo luận tại tổ và thảo luận trực tiếp để cho ý kiến vào một số báo cáo và dự án luật.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()