Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:53 (GMT +7)
Băn khoăn thi hay không thi vào lớp 10 trường công lập?
Thứ 5, 08/06/2023 | 11:07:37 [GMT +7] A A
Nhiều phụ huynh bất lực khi nhìn con trượt lớp 10 trường công, nhiều gia đình cũng như các em học sinh đều trăn trở liệu có nên chọn các trường tư để gửi gắm tương lai?
Sức ép tứ bề
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập không chuyên năm học 2022-2023 là 69.020 học sinh, trên tổng số hơn 106.000 học sinh đăng ký dự thi. Như vậy, tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường THPT công lập là 64,7%. So với năm học 2021-2022 (tổng chỉ tiêu chỉ là 67.446/93.362 thí sinh dự thi), số lượng thí sinh tăng lên 12%.
Bên cạnh đó, TP Hà Nội có 4 trường chuyên và trường có lớp chuyên tại Hà Nội gồm: THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam, THPT Chu Văn An, THPT chuyên Nguyễn Huệ và THPT Sơn Tây sẽ tuyển sinh tổng 2.380 học sinh vào lớp 10 với 64 lớp.
Thực tế, không chỉ ở Hà Nội mà ở các tỉnh, thành khác, tỷ lệ cạnh tranh khi thi vào những trường trung học phổ thông hệ không chuyên đã rất khốc liệt nên việc thi vào lớp 10 chuyên càng khó khăn hơn. Các bạn học sinh vừa phải cân bằng thời gian để ôn luyện các môn thi chung, vừa phải học tăng cường các môn thi chuyên. Áp lực lại nhân đôi áp lực.
Em Lưu Hà Anh (sinh năm 2008, thí sinh trường THPT Chuyên Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ về khoảng thời gian áp lực trong những ngày ôn thi vào lớp 10: “Áp lực của kỳ thi giờ đây không chỉ đến từ sự kỳ vọng của bố mẹ, thầy cô mà bản thân em cũng tự gây ra. Trước kỳ thi, em sắp xếp kín thời gian trong tuần để học chính, học thêm. Buổi tối lắm hôm cũng thức đến 1-2 giờ sáng để có thể làm hết đống đề luyện thi được giao. Do đó thiếu ngủ và mệt mỏi là không tránh khỏi nhưng sát kỳ thi nên em biết mình cần cố gắng hơn”.
Áp lực trong mùa thi là yếu tố không thể thiếu trong quá trình học tập. Nhờ có áp lực, học sinh sẽ có động lực và hoàn thành tốt hơn các kỳ thi. Tuy nhiên, áp lực học tập chỉ mang đến tác động tích cực nếu chỉ diễn ra trong thời gian ngắn với mức độ vừa phải.
Tuy nhiên, nhà trường và gia đình luôn đặt áp lực lên học sinh về vấn đề phải đạt thành tích cao. Đặc biệt với một số gia đình, điểm số luôn là vấn đề được đề cập để đánh giá năng lực và sự ngoan ngoãn của con cái. Bên cạnh đó, áp lực đồng trang lứa cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra áp lực và mệt mỏi vì học sinh luôn phải cố gắng chạy đua theo thành tích, thứ hạng của các bạn trong lớp.
Chính vì những nguyên do đó, các bạn học sinh vô tình mang trên vai một “gánh nặng” danh dự của chính mình.
Nhiều phụ huynh còn cho rằng, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập hiện nay còn căng thẳng và gây sức ép hơn cả kỳ thi đại học.
Không đỗ công lập - Sức nặng về kinh tế
Ngày 9/7/2022 có lẽ là ngày chị Nguyễn Thu Anh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) không bao giờ quên. Đó là ngày Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố điểm chuẩn trường THPT công lập và con gái chị thiếu 1 điểm để có “tấm vé” vào lớp 10 như mong ước của cả gia đình. Thế nhưng, mỗi khi nhắc lại chị vẫn không giấu được nỗi buồn. "Hai vợ chồng tôi đều làm công nhân trong cụm công nghiệp Từ Liêm với tổng thu nhập cả hai khoảng hơn 10 triệu/tháng. Toàn bộ số tiền lương phải chi cho 3 con đang tuổi ăn, tuổi học, sinh hoạt phí và trích ra một phần nhỏ để dự phòng khi ốm đau. Mơ ước duy nhất của hai vợ chồng là các con được học trong trường công lập để giảm bớt gánh nặng về tài chính”, chị kể. Trong hai tuần liên tục gần như chị thức trắng, vì thương nên chị không nỡ để con học trường nghề. Trường hợp của con gái chị Thu Anh chỉ là một trong nhiều gia đình làm công nhân và lao động tự do khác không đủ tài chính cho con học trường tư.
Nếu như không đỗ vào trường công lập, những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn như chị Thu Anh sẽ không thể xoay sở để có thể vừa duy trì việc học cho con và vừa duy trì cuộc sống hằng ngày ở đất thủ đô.
Thi hay không thi
Gần đây, dư luận xôn xao với thông tin một số cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố có hiện tượng giáo viên định hướng cho học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không nên đăng ký dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường trung học phổ thông năm học 2023-2024.
Theo đó, một nhóm phụ huynh lớp 9A4, Trường THCS Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) phản ánh việc cô giáo chủ nhiệm khuyên không nên cho con đăng ký thi vào lớp 10 THPT công lập vì lực học kém, khó đáp ứng được yêu cầu. Cô giáo gợi ý cho các gia đình này một số trường trung cấp, trường nghề trên địa bàn thành phố. Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên xuất hiện hiện tượng này. Hầu như năm nào vào mùa tuyển sinh cũng đều có phản ánh khiến dư luận bức xúc.
Ý kiến về việc các trường "ép" học sinh kém không thi lớp 10 nhằm chạy đua thành tích, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định, cơ quan này không đưa kết quả thi tuyển lớp 10 THPT công lập vào tiêu chí xếp loại thi đua với các đơn vị, trường học. Sở sẽ tiếp tục rà soát, xác minh các phản ánh của phụ huynh, học sinh về tình trạng này. Nếu phát hiện đơn vị, trường học vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi học tập, Sở sẽ nghiêm khắc xử lý, ông nói.
Tường Linh (Báo Truyền hình CLC K41 - Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Liên kết website
Ý kiến ()