Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:27 (GMT +7)
Kỷ niệm không quên
Thứ 4, 10/01/2024 | 16:01:01 [GMT +7] A A
Đây là Đài Truyền thanh Khu Hồng Quảng. Lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này tôi đã nghe âm thanh ấy. Và sự nghiệp làm báo của tôi đã gắn liền với những âm thanh ấy.
Đầu năm 1961 tôi tốt nghiệp lớp Báo chí 1 (Phân hiệu II trường Nguyễn Ái Quốc) tiền thân của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Bế giảng lớp nhiều người tỏa về Hà Nội và các tỉnh khác. Đồng chí Huy Trợ, Tổng biên tập báo Vùng Mỏ được Khu ủy Hồng Quảng giao nhiệm vụ trực tiếp lên trường xin đích danh từng người về Quảng Ninh. Tôi trong tốp 11 anh chị em được phân công về Khu Hồng Quảng công tác tại Báo Vùng Mỏ và Đài truyền thanh Khu Hồng Quảng. Các anh Hồng Hải, Lý Biên Cương, Tử Nên, Hoàng Quốc Hải, Công Nông Tiến và anh Công Vượng (người của báo cử đi học) về công tác ở Báo Vùng Mỏ. Tôi cùng Trinh Nữ, Trần Ngọc Bản, Tô Hà và anh Dương Vĩnh (người của Đài cử đi học) về công tác tại Đài truyền thanh khu Hồng Quảng.
Ăn tết ở quê xong, tôi khăn gói đi tàu hỏa từ Thanh Hóa ra Hà Nội rồi từ Hà Nội đi tàu về Hải Phòng và hẹn nhau xuống tàu thủy về Hòn Gai. Người đầu tiên đón chúng tôi ở Đài là anh Hồ Phong, Trưởng Đài; bác Phụng Kỳ, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính và các anh chị ở Đài đón tiếp chúng tôi như người thân trong gia đình.
Đài Hòn Gai đặt tại Bến Đoan. Sau những giờ làm việc bận rộn chúng tôi thường ra ngồi ở lan can Bát giác trước cửa phòng Bá Âm của Đài nhìn ra biển ngắm Vịnh Hạ Long. Chiều chiều khi hoàng hôn xuống chúng tôi bắt gặp các con tàu chiến của Hải quân từ quân cảng Cửa Lục Bãi Cháy rẽ sóng nối đuôi nhau ra khơi làm nhiệm vụ. Những lính trẻ Hải quân đứng trên con tàu vẫy tay tươi cười hướng vào đất liền hiền hậu, dễ thương. Chính các anh và những con tàu này đã làm nên sự kiện lịch sử chiến thắng trận đầu ngày 5/8/1964 cùng quân dân Miền Bắc chống chiến tranh phá hoại đế quốc Mỹ leo thang bắn phá Miền Bắc, bắn rơi 3 máy bay Mỹ, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống tên giặc lái máy bay Mỹ đầu tiên E-vơ-rét An Va-Rét. Đó cũng là lần đầu tiên người Hòn Gai nghe tiếng còi ú vang báo động trên loa truyền thanh và tiếng phát thanh viên của Đài thông báo liên tục: "Nhiều máy bay địch đã xâm phạm bầu trời thị xã...”.
Khi tiếng loa của Đài thông báo máy bay địch đã đi xa, rồi bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam loan báo bắn rơi 3 máy bay Mỹ bắt sống tên giặc lái máy bay Mỹ vang lên. Các ngả đường thị xã Hòn Gai người ào ra, tràn đầy niềm vui sướng, hân hoan, tự hào. Tiếng loa truyền thanh gắn bó với người dân trong các bản tin thời sự các chương trình văn nghệ đem lại niềm vui sau ngày làm việc, còn là chiếc đồng hồ “sống” của nhiều gia đình đánh thức người dân mỗi buổi sáng tập thể dục, đi làm thì nay tiếng loa ú còi báo động phòng không của Đài lại càng gắn bó với người dân. Nhân dân đi sơ tán đến đâu, hệ thống loa truyền thanh nối dài đến đó. Những chiếc loa sắt, mắc trên cột gỗ, cột tre, cột sắt đến từng ngõ xóm, chiếc loa kim mắc đến từng gia đình. Nơi nào chưa có loa truyền thanh người dân cảm thấy thiếu vắng điều gì trong cuộc sống.
Cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ngày càng quyết liệt, Đài đi sơ tán nhiều nơi. Ban đầu là núi Hạm Cột 8 rồi đến hang Đèo Bụt, Km15, thị xã Cẩm Phả, đồi đất gần Bãi Muối phường Cao Thắng, cánh Đồng Dinh xã Dân Chủ, huyện Hoành Bồ và cả hang Nguyễn Thọ Chân, dốc Bồ Hòn, núi Bài Thơ. Nhưng dù đi đâu Đài vẫn có bộ phận bám trụ tại Hòn Gai. Các thiết bị của Đài từ Bến Đoan chuyển lên hang núi Bài Thơ. Nơi đây hàng ngày xây dựng chương trình và phát các bản tin trên mạng lưới truyền thanh và làm nhiệm vụ báo động phòng không trên loa truyền thanh. Bộ phận nội dung ở nơi sơ tán chia làm 2 tổ công tác. Tổ miền Đông do anh Trần Chiểu làm tổ trưởng, tổ miền Tây do anh Dương Vĩnh làm tổ trưởng. Tôi được phân công làm nhiệm vụ thường trực biên tập của Đài hàng ngày biên tập các bản tin, lên chương trình phát sóng. Anh Ngọc Vân bám trụ tại Đài ở Bến Đoan, ăn ngủ trong hầm cũ của bọn chủ mỏ xây dựng trong chiến tranh thế giới thứ hai tránh máy bay của Mỹ. Hàng ngày buổi sáng sớm anh Ngọc Vân đạp xe vào nơi sơ tán của bộ phận biên tập của Núi Hạm, về sau là Đèo Bụt, ăn cơm, nghỉ trưa trong nhà sàn cạnh cửa hang. 2h chiều lấy bản tin đạp xe về Hòn Gai lên núi Bài Thơ thu thanh chương trình sáng hôm sau và đọc trực tiếp bản tin chiều lúc 18h30.
Hòa bình lập lại, từ nơi sơ tán trở lại Hòn Gai nhưng trụ sở Đài ở Bến Đoan đã bị giặc Mỹ ném bom san bằng ngày 9/6/1972. Đài được bố trí về trụ sở Tỉnh ủy cũ gần bến phà Bãi Cháy.
Gần 40 năm công tác ở Đài từ đầu năm 1961 cho đến khi nghỉ chế độ 1998 tôi luôn nhớ một điều trong Lễ bế giảng Lớp Báo chí Trung ương đồng chí Tố Hữu, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đến dự và căn dặn anh chị em lớp học chúng tôi nhiều điều, trong đó tôi nhớ mãi lời chúc mừng của đồng chí Tố Hữu: “Chúc các đồng chí lên đường và tới đích”. Lời chúc đó tôi coi như hành trang suốt cuộc đời làm báo của mình không sang ngang, bỏ nghề và đã về tới đích, đến hôm nay tuy tuổi đã cao nhưng vẫn tiếp tục viết báo. Nghỉ hưu chứ không bỏ nghề và ngày hôm nay trưởng thành trong ngôi nhà chung của người làm báo cách mạng được hưởng hạnh phúc trong độc lập, hòa bình của đất nước, trong tâm niệm luôn ghi nhớ biết ơn các anh, các chị vì sự nghiệp báo chí cách mạng, vì nền độc lập của Tổ quốc đã ra đi.
Không ít nhà báo khi nằm xuống tại mặt trận cây bút cuốn sổ tay vẫn trong tay, chiếc máy ảnh, máy quay phim vẫn hướng về phía các chiến sĩ xông trận. Những tấm gương kiên cường ấy nối dài mãi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương và hôm nay luôn ở tuyến đầu chống tiêu cực, phản ánh thực tế sinh động của xã hội, góp phần vào công cuộc đổi mới của đất nước. Những người làm báo Quảng Ninh chúng tôi nhớ tới nhà báo liệt sĩ Nguyễn Phụng Kỳ, ủy viên Ban biên tập Đài truyền thanh khu Hồng Quảng, một cán bộ miền Nam tập kết, cùng 3 cán bộ của Đài đã bị bom Mỹ giết hại trong lúc trực chiến vào buổi chiều ngày 9/6/1972, bốn quả bom hơi của máy bay giặc Mỹ ném trúng phá hủy, san bằng trụ sở Đài tại Bến Đoan, thành phố Hạ Long, đã để lại bao tiếc thương, là sự hy sinh, cống hiến xương máu của đội ngũ những người làm báo cách mạng vì nền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Sơn Hải (Nguyên phóng viên Đài phát thanh Truyền hình Quảng Ninh)
Liên kết website
Ý kiến ()