Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 01:30 (GMT +7)
Kỳ quan trong thi ca
Chủ nhật, 15/12/2024 | 12:41:00 [GMT +7] A A
Vịnh Hạ Long từ xa xưa đã trở thành niềm yêu dấu của rất nhiều đấng quân vương, bậc trí giả, thi sĩ say mê lãng du và sáng tác nhiều tác phẩm có sức sống với thời gian.
Bài thơ sớm nhất về Vịnh Hạ Long được cho là Hạnh Yên Bang phủ của vua Trần Thánh Tông (1240-1290). Căn cứ vào các chuyến vi hành của nhà vua, có thể ước đoán bài thơ được viết khoảng từ năm 1265-1275. Yên Bang là tên tỉnh Quảng Ninh ở thời Lê. Tên bài thơ đức vua dùng chữ "hạnh" chứ không phải chữ "hành" (đi), vậy phải dịch là "Lấy làm hân hoan khi đến phủ Yên Bang". Bài thơ chặt chẽ về cấu tứ, ngôn ngữ chọn lọc, hai câu đầu ứng đối vô cùng tài hoa, nói được hai điều cơ bản nhất về Vịnh Hạ Long. Thứ nhất là cảnh đẹp huyền diệu của thiên nhiên, với mây và trăng, đá và nước. Và thứ hai là cảnh đẹp ấy bỗng nhiên tràn ngập cảm xúc làm hàng vạn hình tượng đẹp hiện ra qua ngòi bút của các nhà sáng tạo cái đẹp.
Nguyễn Trãi là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao kiệt xuất đồng thời là nhà thơ lớn của dân tộc. Ông đã dành hai chương của cuốn Dư địa chí để ghi chép chi tiết về An Bang (Quảng Ninh ngày nay), có cả một chùm thơ chữ Hán viết về những thắng cảnh An Bang như một vùng giang sơn hùng vĩ. Trong bài Vân Đồn, đại thi hào Nguyễn Trãi gọi Vịnh Hạ Long là kỳ quan.
Nhưng Nguyễn Trãi cũng chưa phải người đầu tiên nhận ra Hạ Long là kỳ quan. Trước đó năm 1369, Nhập nội Hành khiển Phạm Sư Mạnh, một nhà thơ lớn đời Trần, đã đề thơ ở Hang Son (nay thuộc phường Phương Nam, TP Uông Bí), trong đó có 2 câu thơ miêu tả phía mặt trời mọc ở vùng biển Hạ Long là kỳ quan. Như vậy, từ thời trung đại, Vịnh Hạ Long đã được các nhà thơ lớn tôn vinh là kỳ quan vũ trụ.
Bên Vịnh Hạ Long xinh đẹp, núi Bài Thơ gắn với việc vua Lê Thánh Tông đề thơ vách đá Đề Truyền Đăng sơn (Đề vách núi Truyền Đăng) được coi là một bản tuyên ngôn độc lập bằng thơ. Mùa xuân năm 1729, chúa Trịnh Cương đi tuần thú và duyệt thủy quân ở vùng biển Đông Bắc, đã làm bài thơ họa lại bài thơ khắc trên vách đá núi Truyền Đăng của vua Lê Thánh Tông. Ngoài tác phẩm họa thơ Lê Thánh Tông, chúa Trịnh Cương còn có tập Lê triều ngự chế quốc thi (bản chép tay gồm 36 trang bằng chữ Nôm) và tập Tuần tỉnh ký trình khúc (Khúc ca ghi việc đi tuần tỉnh) gồm 27 khổ thơ cũng nhắc đến phong cảnh biển trời vùng duyên hải Đông Bắc, hội thi bơi chải ở làng chài trên Vịnh Hạ Long xưa.
Đến Hồ Xuân Hương, Vịnh Hạ Long lại được thẩm bình bởi con mắt sắc sảo và tài thơ hiếm thấy. Vịnh Hạ Long tên cũ là vũng Hoa Phong đã gây cho bà những ấn tượng đặc biệt, chùm thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương viết về Vịnh Hạ Long là cảm nhận riêng về cảnh vật, con người và những hoạt động trên vùng quê non nước Hạ Long như một bức tranh thuỷ mặc.
Đến đầu thế kỉ XIX, Vịnh Hạ Long lại xuất hiện trong tập sách Lan Trì kiến văn lục của tác giả Vũ Trinh, trong các sáng tác của Nguyễn Cẩn, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến. Sau Cách mạng Tháng Tám, tiếp tục có thêm những sáng tác hay về Vịnh Hạ Long của các nhà thơ được coi là tiêu biểu của nền thi ca Việt Nam hiện đại như Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận (1958), Chào Hạ Long của Xuân Diệu (6/1959), Giấc mộng diệu huyền của Tế Hanh (1957), Qua Hạ Long của Chế Lan Viên (1960), Thăm vịnh Hạ Long của Sóng Hồng (8/1961), Thu Hạ Long của Lưu Trọng Lư (1970), Chơi thuyền trên vịnh Hạ Long của Trần Nhuận Minh (1985). Không chỉ các nhà thơ của Việt Nam, Vịnh Hạ Long còn tạo cảm xúc mạnh với các nhà thơ nước ngoài như: Tiêu Tam, Quách Mạt Nhược (Trung Quốc), A.M. Gurơxanốp (Liên bang Nga), Mireile Gansel (nữ thi sĩ người Pháp).
Qua các tác phẩm văn chương thuộc nhiều thể loại khác nhau, có thể thấy, Vịnh Hạ Long chính là nơi gặp gỡ, tụ hội giữa những bậc trí giả trong dòng chảy lịch sử. Tuy chưa có thật nhiều tác phẩm nổi tiếng do chính con người Quảng Ninh viết lên, nhưng ta vẫn nhìn thấy dấu ấn con người Quảng Ninh đậm nét trong các sáng tác.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()