Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:05 (GMT +7)
Kỹ sư mê hoa và hành trình xây dựng thương hiệu cho lan hồ điệp
Chủ nhật, 08/01/2023 | 08:54:20 [GMT +7] A A
Thấy anh Hải đi mua nhiều máy điều hòa để trồng hoa lan, nhiều người bảo anh là gàn, là dở. Thế nhưng anh đã nỗ lực nghiên cứu thành công hoa lan công nghệ. Sau tất cả, anh cũng đã quyết định về vùng nông thôn cùng đồng nghiệp làm chủ trang trại hoa lan hồ điệp lớn, mang thương hiệu riêng.
Gian truân với lan hồ điệp
Còn nhớ, hơn chục năm trước, chơi hoa lan còn là thú chơi xa xỉ với nhiều người. Người chơi lan hồ điệp chủ yếu phải mua hoa lan nhập khẩu với giá cao. Nhưng ít ai biết rằng, Trung tâm Khoa học và Sản xuất lâm nông nghiệp Quảng Ninh (Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đã nuôi trồng thành công lan hồ điệp trong nhà màng kín. Một trong số những người đi tiên phong nghiên cứu và lan tỏa kỹ thuật trồng hoa lan công nghệ là kỹ sư Bùi Trọng Hải.
Bẵng đi một thời gian rất dài, khi hoa lan công nghệ không còn hiếm trên thị trường, tôi bất ngờ được gặp lại anh khi một người bạn sành chơi lan giới thiệu về trang trại lan hồ điệp Trường Thành ở Đè E (xã Lê Lợi, TP Hạ Long). Lan ở đây bền đẹp, hoa dày và cành dài không kém các loại hoa nhập khẩu và quan trọng là được sản xuất tại chỗ. Thật bất ngờ, tác giả của vườn lan này chính là kỹ sư Bùi Trọng Hải.
Chúng tôi nhận ra anh ngay bởi kỹ sư Hải không khác xưa mấy, thậm chí còn trẻ hơn độ tuổi 46 khá nhiều. Nhiệt tình dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, anh Hải cười bảo: Tôi trẻ có lẽ do cơ duyên suốt ngày gắn bó với hoa lan, loài hoa đẹp được coi là hoa quý tộc, đầu bảng trong các loại hoa chơi tết. Nghe thì nhàn nhã nhưng gắn với lan rồi... cũng gian truân, vất vả lắm!
Dạo quanh trang trại hoa rộng chừng 3.000m2, chúng tôi trầm trồ trước vẻ đẹp của giống hoa lan hồ điệp "made in Quảng Ninh" này và cũng thêm hiểu hành trình vất vả của người kỹ sư đam mê hoa. Anh Hải bắt đầu nghiên cứu hoa lan từ trước 2011 khi còn công tác tại Trung tâm Khoa học và Sản xuất lâm nông nghiệp tỉnh. Khi đó lan hồ điệp còn là loài hoa quý tộc, xa xỉ, chỉ những người thực sự có điều kiện mới dám chơi.
Nhận thấy giá trị kinh tế của loài hoa này, lãnh đạo Trung tâm giao anh nghiên cứu, trồng, sản xuất giống hoa này ở Quảng Ninh. Học tập mô hình ở Côn Minh (Trung Quốc), rồi đi Đài Loan, qua nhiều rủi ro, thất bại, anh Hải đúc kết, quyết định trồng hoa lan tại chỗ sử dụng các công nghệ chăm bón, điều khiển hoa nở theo ý muốn.
Thế nhưng, khoa học thời đó đang phổ biến cách làm đưa lan hồ điệp lên núi cao, các vùng lạnh như: Mộc Châu, Sơn La, Đà Lạt..., nơi có điều kiện sống tương đồng của lan hồ điệp trong tự nhiên để kích nở hoa. Kiên trì với cách làm của mình, anh Hải mua điều hòa, làm nhà màng, tận dụng các phế liệu mút, xốp để làm vách giữ nhiệt, bảo ôn. Thấy anh mua điều hòa về trồng lan, nhiều người cũng bàn tán, bảo anh gàn dở.
Điều khó khăn là thời điểm đó, cơ chế chưa ủng hộ chủ trương dự án làm nhà lạnh nuôi lan của anh và đồng nghiệp. Trong khi đó, để làm nhà màng, mở rộng diện nuôi trồng cần số vốn lớn. Đang ở thế bí về nguồn vốn thì được “tiếp sức” bởi tập thể cơ quan, từ lãnh đạo tới anh em cán bộ nhân viên ở Trung tâm. Ai cũng góp 5 -10 triệu đồng cho dự án vay. Nhờ đó, việc xây nhà màng với hệ thống điều hòa, bảo ôn khép kín rộng cả 1.000m2 cũng hoàn thành.
“Để không phụ lòng tin, sự kỳ vọng của đồng nghiệp, chúng tôi càng thêm quyết tâm. Ăn ngủ với hoa lan với niềm tin: nếu đi đúng hướng, nhà màng sẽ tạo được các yếu tố tương đồng với điều kiện tự nhiên để canh hoa, điều khiển lan nở theo ý muốn. Cách làm này ưu việt hơn việc đưa lan lên vùng núi cao vốn chịu nhiều rủi ro thời tiết, quá trình vận chuyển đi về làm yếu, hỏng hoa lan. Và cuối cùng thành công đã mỉm cười với chúng tôi” - kỹ sư Hải nhớ lại.
Những chậu lan hồ điệp đầu tiên nở đúng dịp Tết Nguyên đán đánh dấu thành công. Và nhờ đó, đề tài trên của nhóm kỹ sư Bùi Trọng Hải, Nguyễn Duy Toán... đã đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh năm 2012 và được đồng nghiệp, những kỹ sư, nhà khoa học khác công nhận. Sau đó, dự án còn khẳng định được hướng đi đúng đắn minh chứng bằng các đơn hàng hoa lan thương phẩm, việc nhân rộng ứng dụng ở Hoành Bồ (nay là TP Hạ Long) và nhiều tỉnh như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội.
Xây dựng thương hiệu, kéo lan hồ điệp gần với người chơi
Sau một thời gian dài nghiên cứu, ứng dụng, anh Hải quyết định lập trang trại nghiên cứu, sản xuất lan hồ điệp với người đồng nghiệp cùng chí hướng. Với mong muốn tạo ra các sản phẩm nội địa ưu việt, giá thành thấp hơn hàng ngoại nhập, năm 2018, trang trại của anh và đồng nghiệp đã chính thức đi vào hoạt động ở thôn Đè E (xã Lê Lợi, TP Hạ Long) với quy mô 2.800m2, có thể sản xuất ra khoảng 8.000 cây hoa thương phẩm/vụ.
Dẫn chúng tôi tham quan các nhà màng kín, cầm chậu lan hồ điệp đang nở rộ, anh Hải tự hào bảo: Tất cả thành quả bao năm đúc kết, kinh nghiệm làm hoa lan hồ điệp đã được "gửi gắm" vào những giống hoa lan hồ điệp tại đây. Nay người chơi lan đã không phải phụ thuộc vào lan ngoại nhập. Giá thành, chất lượng không hề thua kém, thậm chí có mặt còn nhỉnh hơn hoa ngoại nhập.
Kết hợp kinh nghiệm dày dặn và công nghệ, anh Hải không chỉ canh, điều khiển hoa nở đúng dịp tết, mà chú trọng việc chăm bón khoa học để hoa dày, màu sắc thắm hơn... Lan hồ điệp cũng được nghiên cứu, nuôi trồng, chăm sóc để có bông to hơn, cần hoa dài hơn, thể ra tới 12 - 13 bông/cành. Đây cũng là điểm khác biệt của lan hồ điệp so với trước đây.
Dẫn chúng tôi qua hệ thống 3 nhà màng với nhiệt độ cao thấp khác nhau, anh Hải chỉ cho chúng tôi quá trình dưỡng hoa, giúp hoa bền đẹp. Bởi thông thường, lan hồ điệp nuôi trong nhà màng, kích điều khiển hoa nở ở nhiệt độ 27-28 độ. Sau đó, hoa được đưa ra ngoài bán nên dễ bị "sốc" bởi nhiệt độ thay đổi. Vì thế, thay vì xuất bán ngay, lan hồ điệp ở đây tiếp tục được chuyển qua các nhà màng ở nhiệt độ thấp cao khác nhau để hoa dần thích nghi.
Vì thế các giống lan hồ điệp này có thể sống ở môi trường bên ngoài, ở các điều kiện thời tiết khác nhau và bền hoa đến hơn 3 tháng sau tết, hơn hẳn các loại lan ngoại nhập khác vốn chịu nhiều tác động quá trình vận chuyển, bảo quản lạnh... khiến lan dễ bị hỏng, héo sớm.
Trò chuyện với anh Hải, chúng tôi thêm hiểu nhiệt huyết của một kỹ sư, một người nghiên cứu ứng dụng công nghệ. Anh chia sẻ: Không chỉ có nhiều thay đổi trong kỹ thuật chăm sóc, nuôi trồng, chúng tôi còn có nhiều đúc kết, thay đổi về kỹ thuật xây dựng nhà màng, điều chỉnh nhiệt độ, bảo ôn tạo điều kiện lý tưởng cho lan hồ điệp sinh trưởng.
Ngoài giống, nhờ chủ động kỹ thuật, mỗi năm chúng tôi đạt sản lượng 8 -10 vạn cây, doanh thu từ 12 - 15 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 8 -10 người, thậm chí lên tới 30 người khi vào vụ hoa tết. Ngoài sản xuất ra các sản phẩm tốt cho người tiêu dùng, chúng tôi cũng mong muốn chuyển giao công nghệ, chia sẻ, trao đổi kỹ thuật xây dựng nhà màng cho các đối tác, khách hàng mong muốn để kỹ thuật đó được lan tỏa.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()