Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:20 (GMT +7)
Ký ức của người lính già với những chuyến tàu không số
Thứ 7, 30/04/2022 | 14:18:58 [GMT +7] A A
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày con tàu không số đầu tiên rời bến vận chuyển hàng hóa, vũ khí cho chiến trường miền Nam, nhưng những câu chuyện huyền thoại về lòng dũng cảm, mưu trí, ý chí cách mạng của người lính hải quân trên đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn có sức thu hút mãnh liệt. Trong số CBCS đoàn tàu không số ngày ấy, có người con đất mỏ Nguyễn Tài Lộc.
Huyền thoại tàu không số
Ông Nguyễn Tài Lộc năm nay đã 78 tuổi, quê ở xã Cốc Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, thường trú tại phường Hà Khẩu, TP Hạ Long. Ông Lộc sinh ra trong gia đình có 6 anh em, bố mất khi ông được 3 tháng tuổi, mẹ phải gồng gánh nuôi 6 người con bằng nghề chài lưới, nên từ nhỏ ông đã gắn bó với biển, am hiểu từng con sóng, ngọn gió.
Năm 20 tuổi (1965) khi đang là xã viên HTX Khai thác thuỷ sản TX Hòn Gai, chàng thanh niên Nguyễn Tài Lộc lên đường nhập ngũ, sau đó được tuyển vào Đoàn 125 Hải quân, trở thành chiến sĩ của Đoàn tàu không số huyền thoại.
Ông Lộc nhớ lại: Đêm giữa năm 1966, tôi cùng 16 CBCS trong đơn vị được triệu tập làm Lễ truy điệu sống, nhận nhiệm vụ đặc biệt đi trên chuyến tàu mang mật danh số 54 chở 200 tấn vũ khí vào chiến trường miền Nam. Chuyến tàu có hành trình từ Đồ Sơn, Hải Phòng (Việt Nam) sang đảo Hải Nam (Trung Quốc) theo hải phận quốc tế tiến thẳng vào miền Nam.
Trên con đường biển ấy với muôn vàn khó khăn, hiểm nguy rình rập và sự đánh phá ác liệt của địch, nhưng CBCS tàu không số liên tục sáng tạo ra những phương thức vận chuyển mới, vượt qua sự bao vây, phong tỏa, ngăn chặn của kẻ thù. Tàu thường được cải trang thành tàu đánh cá cắm cờ của Nhật, rồi lựa trời dông bão khởi hành để qua mắt kẻ thù. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, song với tinh thần vì miền Nam ruột thịt, những người lính Bộ đội Cụ Hồ đã chiến đấu anh dũng bảo vệ vũ khí, đạn dược, hàng hóa, giữ bí mật về chủ trương, về con đường, con tàu, bến bãi...
“Mỗi lần chuẩn bị cho chuyến đi là mỗi lần sẵn sàng tâm thế có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Mỗi chuyến tàu ra khơi, các thủy thủ đoàn không chỉ đối phó với địch, mà phải đối mặt với cả những cuộc chiến với sóng to, gió lớn, khắc nghiệt của thời tiết, bệnh tật, thiếu thốn nhiều thứ... Nhưng khi ấy, chỉ cần nghĩ về quê hương miền Bắc còn đói khổ, miền Nam vẫn chìm trong khói lửa chiến tranh, những người lính luôn giữ vững niềm tin, ý chí sắt đá, chiến đấu đến cùng với mục tiêu cao nhất là hoàn thành nhiệm vụ.”- Ông Nguyễn Tài Lộc tâm sự.
Những chuyến tàu cứ lần lượt cập bến an toàn đem vũ khí chi viện cho miền Nam chiến đấu, nhưng cũng có chuyến tàu và những người chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại dưới biển sâu. “Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ với 3 chuyến đi đầu tiên trong năm 1966, mỗi chuyến chở 200 tấn vũ khí cho chiến trường miền Nam. Đến chuyến thứ tư thì bị địch phát hiện - chuyến tàu đó đã trở thành ký ức không thể nào quên!” - ông Lộc hồi tưởng.
Đó là ngày đầu tháng 7/1967, sau lễ truy điệu sống, đoàn nhận nhiệm vụ chở 200 tấn vũ khí vào huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Hành trình xuất phát và di chuyển cũng như các chuyến tàu trước đó. Nửa đêm, khi tàu cách bờ vài chục hải lý thì máy bay, tàu chiến của địch ập đến bắn pháo sáng rực cả một vùng biển. Khi ấy, chỉ huy tàu buộc phải ra lệnh cho từng nhóm chiến sĩ lặng lẽ rời tàu để bảo toàn lực lượng.
“Đêm đó sóng biển dữ dội, bom đạn nổ vây quanh, tôi và anh Tạc rời tàu ở tốp thứ 2. Bơi được hơn 1 tiếng đồng hồ thì chúng tôi thấy đất liền thấp thoáng. Đúng giây phút ấy một tiếng nổ lớn làm rung chuyển cả biển trời. Nhìn ra đại dương, tôi biết đồng đội của mình đã hy sinh. Trên con tàu ấy, 2 người cuối cùng ở lại đã điều khiển tàu đánh lừa địch cho đồng đội thoát và bấm nút huỷ tàu, quyết không cho địch thu giữ được gì. Các anh đã anh dũng hy sinh”.
Chuyến đi đó, con tàu không hoàn thành sứ mệnh đưa vũ khí an toàn đến chiến trường miền Nam, nhưng những người chiến sĩ quả cảm của Quân đội nhân dân Việt Nam đã nêu cao tinh thần kỷ luật thép, hoàn thành mệnh lệnh chiến đấu đến cùng, quyết không để đồng đội và vũ khí lọt vào tay địch.
“Trong đêm đó, tôi cùng anh Tạc bị thương nặng. Chúng tôi cố gắng dùng hết sức lực còn lại để dìu nhau vào bờ rồi ngất đi, sau đó được dân quân du kích địa phương cứu sống. Khi ấy, tôi bị vỡ quai hàm, còn anh Tạc bị mù 2 mắt” - ông Lộc nói.
Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Kết thúc đợt điều trị, ông Nguyễn Tài Lộc được đưa ra Bắc. Trở về sau chiến tranh ông tiếp tục làm nhiệm vụ tới năm 1974 thì phục viên về địa phương sinh sống ở làng chài trên Vịnh Hạ Long. Ông lập gia đình và sinh được 2 người con.
Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, người lính già Nguyễn Tài Lộc dù sức khoẻ không tốt, nhưng ông luôn vững vàng đóng góp vào công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh. Thời gian công tác tại địa phương, ông tham gia tích cực thành lập đội dân quân tự vệ bảo vệ vùng biển quê hương. Ông được bà con, đồng chí tín nhiệm giao trọng trách trung đội phó rồi trung đội trưởng đội dân quân tự vệ biển của làng chài Cửa Vạn.
Trong cuộc sống đời thường, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn sáng mãi. Ông Lộc luôn động viên, giáo dục con cháu phát huy truyền thống gia đình cách mạng, phấn đấu lao động sản xuất, tích cực học tập, cống hiến để xây dựng quê hương, đất nước.
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày con tàu không số đầu tiên rời bến, vận chuyển hàng hóa, vũ khí cho chiến trường miền Nam, song những câu chuyện về lòng dũng cảm, sự mưu trí, ý chí cách mạng của những người lính hải quân trên đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn còn trường tồn theo thời gian. Những CBCS trên những con tàu không số ngày ấy luôn là tấm gương sáng, là động lực thúc đẩy các thế hệ trẻ tiếp bước cha anh, góp công sức trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đoàn tàu không số với đường Hồ Chí Minh trên biển là một kỳ tích của quân và dân ta, trở thành huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc, góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trải qua 14 năm (1961-1975) vận chuyển, chi viện cho chiến trường miền Nam, đoàn tàu không số đã thực hiện gần 2.000 chuyến đi; vận chuyển 152.876 tấn vũ khí, đạn dược; 80.026 lượt người, với gần 4 triệu hải lý... Tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()