Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:04 (GMT +7)
Kỷ niệm 57 năm Chiến thắng trận đầu 5/8 (1964-2021) Vẹn nguyên ký ức của một CCB
Thứ 5, 05/08/2021 | 13:04:30 [GMT +7] A A
Đã gần 60 năm, chiến thắng trận đầu ngày 5/8/1964 vẫn vẹn nguyên trong ký ức của cựu chiến binh (CCB) Đỗ Xuân Cát, 80 tuổi, ở khu 1, phường Hồng Gai (TP Hạ Long).
Sinh năm 1941 tại huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình), tròn 21 tuổi, Đỗ Xuân Cát lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Cục Hải quân Nhân dân Việt Nam. Sau nhiều tháng tham gia huấn luyện, Đỗ Xuân Cát được cử học lớp kỹ thuật ra đa của Cục Hải quân, tốt nghiệp cuối năm 1963, sau đó được điều động về Tiểu đoàn 135, Cục Hải quân.
CCB Đỗ Xuân Cát nhớ lại: Tôi được biên chế vào tàu số hiệu 326, thuộc Phân đội tàu phóng lôi 2. Đầu năm 1964, Phân đội của tôi được điều động vào khu 4, đóng quân tại cảng Sông Gianh (tỉnh Quảng Bình), để đón lõng các tàu bo bo (tàu đệm khí) của địch vào đổ bộ tập kích. Lúc đó Phân đội được biên chế 3 tàu phóng lôi vỏ nhôm do Liên Xô sản xuất; tàu có chiều dài 25m, rộng 3m, được trang bị 2 ống phóng ngư lôi, tàu chạy đạt vận tốc 100 hải lý/giờ. Đây là tàu hiện đại nhất của Hải quân Nhân dân Việt Nam thời điểm đó.
Trưa ngày 5/8/1964, một tốp máy bay các loại (khoảng 10 chiếc) bất ngờ tập kích vào cảng Sông Gianh để trả đũa cho việc tàu khu trục Ma-đốc bị quân ta đánh đuổi ở Vịnh Bắc Bộ ngày 2/8/1964. Lúc đó tôi đang trực gác điện đài trên tàu, còn anh em cán bộ, chiến sĩ đang ăn cơm trên lán trại. Bất ngờ có tốp máy bay Mỹ tốc độ nhanh đến bắn phá tàu đang đỗ tại bến. Khi tốp máy bay vụt qua là một loạt rốc két bắn xuống khu vực tàu neo đậu. Tôi kéo còi báo động, đồng thời chạy ra mũi tàu dùng súng 14.5 ly đánh trả. Chiến sĩ ta ở các lán trại và lực lượng phòng không bảo vệ khu vực vận động về các vị trí chiến đấu đánh trả quyết liệt, bắn bị thương 1 máy bay địch, buộc phải bay vội ra biển.
Tàu của ông có nhiệm vụ đánh tàu địch trên biển, nên không trang bị các loại vũ khí phòng không cỡ lớn, chỉ có khẩu 14.5 ly đặt ở mũi tàu. Tốp máy bay đến đánh phá tốc độ rất nhanh, chỉ lượn phóng rốc két 2 vòng rồi quay ra biển. Trong quá trình chiến đấu, một quả đạn rốc két của địch bắn ngay gần mũi tàu làm ông bị thương ở đầu gối. Các tàu phóng lôi rất may không bị thiệt hại. Phân đội tàu được cơ động di chuyển ngược Sông Gianh, neo đậu tại khu vực xã Đức Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) để đảm bảo an toàn bí mật. Sau trận tập kích đó, ông được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến đấu.
Mặc dù trận chiến đấu chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng nó thể hiện quyết tâm chiến đấu quả cảm không sợ hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam trước kẻ thù xâm lược với vũ khí tối tân hơn nhiều lần. Sau đó Phân đội tàu phóng lôi của ông tham gia đánh hàng chục trận tập kích của các tàu địch vào các vùng biển của ta, phá hủy và làm hỏng nhiều tàu địch.
Giữa năm 1965, ông được cấp trên cử đi học sĩ quan hải quân. Tốt nghiệp, ông được điều động về Đoàn 126 Đặc công Hải quân và tham gia huấn luyện lực lượng đặc công hải quân. Giữa năm 1969, ông là Chính trị viên phó Đoàn 126 phụ trách 3 đại đội đặc công vào chiến trường B2 (Đông Nam Bộ).
Sau khi bàn giao 2 đại đội về chiến đấu tại chiến trường Quân khu 9 - Đồng bằng sông Cửu Long, ông phụ trách 1 đại đội về Đoàn 10 (Đặc công rừng Sác) đóng ven Sài Gòn. Ông đã trải qua nhiều trận chiến đấu gian khổ, ác liệt, chứng kiến nhiều tấm gương hy sinh anh dũng của đồng đội trước kẻ thù, đóng góp vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975 của dân tộc.
Đất nước thống nhất, năm 1977 ông chuyển ngành về công tác tại Công ty Thi công và Cấp nước Quảng Ninh (nay là Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh), đến năm 2003 nghỉ hưu. Trở về với cuộc sống đời thường, CCB Đỗ Xuân Cát luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương. Ông là Chủ tịch Hội CCB phường Hồng Gai hai khóa, triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”, góp phần xây dựng tổ chức đảng, chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Dương Trường
Liên kết website
Ý kiến ()