Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:29 (GMT +7)
Ký ức ngày bầu cử đầu tiên
Thứ 7, 22/05/2021 | 12:08:31 [GMT +7] A A
Cùng với cả nước, ngày 6/1/1946, cử tri cả nước nô nức đi bỏ phiếu bầu ra Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa để giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước. Dù 3/4 thế kỷ đã qua đi nhưng ký ức về “Ngày hội non sông” vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của những người đã trực tiếp thực hiện quyền công dân của mình.
Ngày vui trọng đại
Dù bước qua tuổi 96 nhưng với cụ Nghiêm Văn Min hiện đang sinh sống tại tổ 14B, khu 2A, phường Cao Xanh, TP Hạ Long, những ký ức về ngày Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 vẫn như mới diễn ra. Cụ Min kể lại. Năm 1946 tôi mới 21 tuổi làm tự vệ thành ở Hà Nội lúc bấy giờ. Dù nhận thức chính trị về cuộc bầu cử khi đó còn rất hạn chế nhưng hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ, bằng cả ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được, và bằng cả niềm vui sướng cao độ háo hức chuẩn bị chờ đợi bấy lâu nay, chúng tôi cùng đông đảo nhân dân ở Hà Nội vẫn náo nức tự tay cầm lá phiếu bầu ra những người thay mặt nhân dân điều hành đất nước. "Ngay từ sáng sớm, tại khu vực Nhà hát lớn Hà Nội, nơi đặt hòm phiếu đã đông chật người. Thanh niên, thiếu nhi xếp hàng, kéo cờ giong trống hát Tiến quân ca", cụ Min kể.
Cụ Min cho rằng: Cách mạng Tháng Tám thành công đã giải phóng nhân dân ta khỏi ách lầm than “một cổ hai tròng” của chế độ thực dân và phong kiến. Đồng thời cũng giúp người dân hiểu rõ và gắn trách nhiệm của bản thân, gia đình với vận mệnh của dân tộc, Đảng và cách mạng một cách sâu đậm, toàn diện hơn. Và cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đã cụ thể hóa tinh thần, trách nhiệm ấy với cách mạng thông qua việc đi bỏ phiếu lựa chọn đại biểu vào Quốc hội.
Đối với cụ Vương Hồng ở tổ 6, khu 6, phường Cẩm Thành, TP Cẩm Phả, thì ký ức về ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên năm 1946 gắn liền với quãng thời gian cụ sinh sống, công tác tại Nghệ An. Nhớ lại ngày đặc biệt ấy, cụ Hồng xúc động: Những ngày còn sách bút tôi nghe kể ở phương Tây, công dân được đi bầu cử văn minh, tiến bộ lắm. Hôm ấy được tự tay mình cầm lá phiếu bầu đại biểu Quốc hội dù đất nước còn chiến tranh nhưng vẫn đầy tự hào, xúc động.
Sáng 6/1/1946, trời còn tờ mờ, thanh niên, thiếu nhi đã xếp hàng, kéo cờ giong trống hát "Tiến quân ca" khắp làng. Nơi tổ chức bầu cử của xã trang trí rất đơn sơ, chỉ gồm một dãy nong tre viết các khẩu hiệu tuyên truyền bằng vôi trắng. Ở gian giữa đình làng có trang trí cờ Tổ quốc, chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên tấm bảng đen có ghi họ tên những người để bầu cử vào Quốc hội. “Đi trong đoàn người bỏ phiếu mà rưng rưng nước mắt vì tin tưởng rằng từ nay sẽ hết đói rét, lầm than” cụ Hồng bồi hồi nhớ lại. Trong trí nhớ của cụ Hồng, ngày Tổng tuyển cử đầu tiên ấy, đông đảo nhân dân vốn lam lũ, đói nghèo không khỏi ngỡ ngàng, bối rối xếp hàng để đi bỏ phiếu.
Kể từ sau lần bỏ phiếu đầu tiên ấy đến nay, cụ Hồng đã có thêm 14 lần bỏ phiếu nữa, mỗi lần như vậy đều mang lại những cảm xúc riêng. Cụ luôn căn dặn con cháu phải tham gia đầy đủ, trách nhiệm trong mỗi cuộc bầu cử, bởi đó niềm vinh dự, tự hào và là bổn phận của công dân nước Việt Nam.
Có thể nói, ngày 6/1/1946, một sự kiện quan trọng trong lịch sử nước ta khi lần đầu tiên người dân Việt Nam thông qua lá phiếu của mình được quyền trực tiếp lựa chọn những người có đức, có tài vào Quốc hội để gánh vác công việc nước nhà. Nhưng đối với người dân Ba Chẽ ngày đó thì họ chưa được thực hiện quyền thiêng liêng này, bởi vì lúc đó ở đây vẫn còn là vùng địch hậu. Phải 10 năm sau đó, vào ngày 8/5/1960 - ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II, người dân nơi đây mới được cầm lá phiếu trên tay thực hiện quyền bầu cử của mình.
Đã 61 năm kể từ lần được cầm lá phiếu đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam và 13 lần tham gia bầu đại biểu Quốc hội, ông Vi Đình Sơn, người đảng viên 60 năm tuổi Đảng ở thị trấn Ba Chẽ, tâm sự: “Lần đầu tiên tôi được cầm lá phiếu đi bầu cử Quốc hội là lúc tôi vừa tròn 19 tuổi. Ngày ấy không chỉ háo hức mà tôi thấy thực sự sung sướng và hạnh phúc khi lần đầu tiên trong đời mình được thể hiện quyền dân chủ thông qua lá phiếu và tự mình được chọn lựa những người xứng đáng bầu vào Quốc hội ”.
Ông Sơn nhớ lại: Huyện Ba Chẽ lúc bấy giờ khó khăn lắm, trình độ dân trí của người dân ở đây còn thấp, phần đông người dân chưa biết chữ nên tôi được phân công giúp cử tri đọc tên những người ứng cử để cử tri tự lựa chọn bầu người xứng đáng trở thành ĐBQH… Lần đầu tiên trong đời người dân Ba Chẽ được tự do thảo luận, bàn bạc và chọn lựa những người xứng đáng đại diện cho mình để gánh vác trọng trách lo cho nước, cho dân. Vì vậy, ngày bầu cử đó thật sự là một ngày hội đối với người dân Ba Chẽ thời ấy.
Cũng tự hào, phấn khởi khi lần đầu tiên được cầm lá phiếu trên tay khi ở tuổi 20, đối với đảng viên 60 năm tuổi Đảng, 82 tuổi đời Trần Lộc ở thị trấn Ba Chẽ bồi hồi nhớ lại: Cuộc sống người dân Ba Chẽ khi đó còn nhiều khó khăn nhưng người nào cũng cố gắng lựa cho mình bộ quần áo tươm tất nhất, đẹp nhất để đi bầu cử. Tại các địa điểm bỏ phiếu có rất đông người dân nhưng mọi người đều trật tự, xếp hàng chờ đến lượt để bỏ phiếu. Đối với những người đọc chưa thông, viết chưa thạo được bố trí vào một phòng riêng. Tại đó, thanh niên chúng tôi được giao nhiệm vụ giúp người dân đọc tên các ứng cử viên và viết tên những người được cử tri đó lựa chọn lên phiếu bầu, sau đó cẩn thận đọc lại cho người đó nghe và trao lại phiếu bầu cho cử tri để họ tự tay bỏ vào hòm phiếu.
Bản thân tôi đã trải qua 13 lần đi bỏ phiếu bầu cử tại nhiều thời điểm, nhiều bối cảnh lịch sử khác nhau của đất nước nhưng cảm xúc của tôi về lần đi bầu cử đầu tiên không bao giờ phai trong tâm trí. Ngày 23/5 tới đây sẽ là lần thứ 14 trong đời, tôi được cầm phiếu bầu lựa chọn những người đủ đức, đủ tài vào Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây không chỉ là quyền dân chủ mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của cử tri đối với việc xây dựng, bảo vệ đất nước.
Mở ra trang sử mới
Từ thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, những đại biểu do Mặt trận Việt Minh giới thiệu đều nhận được sự tín nhiệm tuyệt đối của nhân dân. Ứng cử ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất là 98,4%. Nhân dân cả nước đã bầu 333 đại biểu vào Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng chiếm tới 87%. Có 10 đại biểu là phụ nữ. Qua 14 lần bầu cử ĐBQH, Quảng Ninh đã bầu được tổng số 98 đại biểu tham gia 14 nhiệm kỳ Quốc hội. Các ĐBQH tỉnh Quảng Ninh luôn là những người đã được tôi luyện trong thực tiễn, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, tiêu biểu cho phẩm chất và trí tuệ của giai cấp công nhân Vùng mỏ và đồng bào các dân tộc trong tỉnh, được dân tin yêu, tín nhiệm.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử thực sự đã đi vào lịch sử nước nhà như một mốc son chói lọi, khẳng định sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ra đời trong khói lửa của cuộc đấu tranh cách mạng, Quốc hội vừa là thành quả, vừa là biểu tượng cao quý nhất của độc lập dân tộc, của thống nhất đất nước, thể hiện ý chí và khát vọng ngàn đời của nhân dân. Qua 75 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện các quyền lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước...
Trải qua 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Với niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và những đóng góp của đại biểu dân cử, tin tưởng rằng cuộc bầu cử ngày 23/5 tới đây tiếp tục đánh dấu sự phát triển của cơ quan đại diện cho dân, quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, chăm lo tốt hơn đến đời sống của nhân dân để người dân đất Việt luôn được sống trong hòa bình, ấm no và hạnh phúc.
Thu Trang - Thanh Loan (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()