Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:36 (GMT +7)
Kỳ vĩ ruộng bậc thang Hoàng Su Phì
Chủ nhật, 29/01/2023 | 16:11:30 [GMT +7] A A
Những thửa ruộng bậc thang giữa lưng chừng núi ở Hoàng Su Phì (Hà Giang) không chỉ tạo nên một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ giữa đại ngàn mà còn cho thấy sự sáng tạo, khát vọng chinh phục và sống hài hoà với thiên nhiên của con người.
Ở Hoàng Su Phì, những thửa ruộng bậc thang là minh chứng cho khát vọng chinh phục thiên nhiên bằng sự cần mẫn, siêng năng cùng đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của đồng bào người La Chí, Dao, Tày, Nùng, Mông.
Đã là thế hệ thứ 4 trong gia đình trồng lúa trên ruộng bậc thang, anh Triệu Văn Tình (xã Nậm Ty, Hoàng Su Phì) cho biết, không rõ những thửa ruộng này có từ bao giờ chỉ nghe bố mẹ kể lại do ngày xưa ông bà khai phá tạo nên. Đời này nối tiếp đời kia mà sinh sống.
"Mấy năm nay, mình cũng làm thêm vài bậc nữa để được thêm đất trồng lúa. Ở đây thiếu đất sản xuất nên phải lên trên núi tìm chỗ có đất màu mà đắp bờ mà làm ruộng, gian nan lắm mới được hạt thóc" - anh Tình chia sẻ.
Còn theo lời kể của những cụ cao niên ở xã Sán Sả Hồ, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì có tuổi đời lên tới hơn 300 năm tuổi. Bởi từ nhiều thế hệ trước vùng này vốn chỉ là núi cao và rừng rậm không có đất để trồng lúa.
Từ những khoanh đất nhỏ, đồng bào cứ thế khai phá, đào đắp năm này qua năm khác để tạo ra những thửa ruộng vắt ngang lưng chừng núi. Gian nan, vất vả nên việc chọn nơi làm ruộng được đồng bào đặc biệt chú trọng.
Khu vực đáp ứng đủ yêu cầu làm ruộng bậc thang phải là nơi đất đai tơi xốp, màu mỡ, không có đá to. Độ dốc của đất không quá lớn, có khả năng tạo được mặt bằng ruộng có độ rộng, dài đủ để con trâu có thể đi cày.
Một điều vô cùng quan trọng khi đồng bào chọn nơi để làm ruộng bậc thang là khu vực đó phải có nguồn nước và có thể dễ dàng đưa nước về ruộng. Bởi nước yếu tố sống còn đối với việc trồng lúa.
Thông thường, nếu khu đồi của năm trước khai phá còn đất đồng bào sẽ làm nối tiếp theo đó, nếu hết đất mới đi tìm khu đồi khác để khai phá. Mỗi năm người ta chỉ mở thêm 2 - 3 thửa ruộng mới và tập trung vào cải tạo ruộng cho màu mỡ.
Để có được những thửa ruộng bậc thang như ngày nay, đồng bào phải bỏ nhiều rất công sức, tích luỹ nhiều kinh nghiệm, hoàn thiện và nâng cao kỹ thuật trong các khâu khai phá, tạo mặt bằng, đắp bờ, ngăn giữ nước.
Người Dao ở Hoàng Su Phì vẫn truyền nhau về cách thức làm ruộng bậc thang. Họ sẽ đợi đến mùa xuân mới bắt đầu khai phá ruộng, thường là ngay sau khi ăn Tết xong bởi lúc này thời tiết ấm áp, mưa xuân làm cho đất mềm và dễ làm hơn.
Ông Thèn Ngọc Minh - Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết, ruộng bậc thang là niềm tự hào của đồng bào trên địa bàn. Nó không đơn thuần chỉ nơi trồng cấy mà còn như kỳ quan thiên nhiên qua đôi bàn tay con người tạo dựng.
Cũng theo ông Minh, với vẻ đẹp hiếm có, ruộng bậc thang còn có giá trị về du lịch rất lớn. Vào mùa nước đổ và mùa thu hoạch, Hoàng Su Phì đón hàng chục nghìn lượt du khách về chiêm ngưỡng.
"Ngoài việc tuyên truyền bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị thắng cảnh ruộng bậc thang, địa phương hỗ trợ nông dân làm giàu trên những thửa ruộng như nuôi cá chép ruộng, trồng màu vụ Đông.
Những năm gần đây, huyện chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn liền với di sản ruộng bậc thang, điển hình là chương trình “Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì” đã qua 7 mùa tổ chức" - ông Minh thông tin.
Hoàng Su Phì có tổng số 3.720,6 ha ruộng bậc thang trải đều khắp 24/24 xã, thị trấn. Trong đó 1.380 ha ruộng bậc thang tại 11 xã: Bản Phùng, Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Hồ Thầu, Thông Nguyên, Nậm Ty, Tả Sử Choóng, Bản Nhùng, Pố Lồ, Thàng Tín, Nậm Khòa được công nhận Di tích danh thắng cấp Quốc gia.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()