Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 13/12/2024 20:35 (GMT +7)
Nhiều kỳ vọng vào kết quả sản xuất nông nghiệp vụ Đông
Thứ 6, 13/12/2024 | 14:14:08 [GMT +7] A A
Tranh thủ điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, các địa phương trong tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ sản xuất nông nghiệp vụ Đông, đảm bảo kế hoạch cung cấp đủ các loại sản phẩm trước và sau Tết Nguyên đán 2025.
Thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra vào tháng 9/2024 đã ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả sản xuất nông nghiệp của toàn tỉnh. Để đạt được mục tiêu đề ra cho vụ Đông năm nay, các địa phương đã rất khẩn trương bám sát định hướng của Sở NN&PTNT để tái sản xuất, đảm bảo cung ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng. Cụ thể, ngành trồng trọt chú trọng vào việc tăng diện tích, sản xuất các cây trồng thâm canh để tăng năng suất, ưu tiên tập trung sản xuất các loại cây trồng có liên kết, bao tiêu sản phẩm... Các doanh nghiệp, hộ gia đình chăn nuôi cũng đang được định hướng về việc khẩn trương cải tạo chuồng trại, vệ sinh môi trường để nhanh chóng tái đàn, tăng đàn đảm bảo cung ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm. Đồng hành cùng với người nông dân là các chương trình hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ cây giống, con giống... mà các đoàn thể CT-XH và các tổ chức tín dụng phối hợp triển khai.
Vụ Đông năm nay, TX Quảng Yên phấn đấu gieo trồng trên 1.600ha cây rau màu. Các giải pháp đảm bảo kế hoạch sản xuất được địa phương triển khai đồng bộ, thực hiện tốt công tác điều tra, dự báo tình hình, hướng dẫn nông dân tổ chức phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu, bệnh hại trên cây trồng vụ Đông; tăng cường công tác kiểm tra đối với lĩnh vực kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật... Còn tại TP Đông Triều, tổng số cây trồng vụ Đông năm nay của địa phương là 1.500ha và tập trung phát triển, mở rộng những cây trồng có giá trị kinh tế cao. Sau khi hoàn thành kế hoạch gieo trồng, các phòng chuyên môn của thành phố đều cử cán bộ chuyên môn theo sát đồng ruộng để nắm bắt tình hình và phối hợp với các xã, phường chỉ đạo nhân dân công tác chăm sóc cũng như phòng trừ sâu bệnh để cây trồng sinh trưởng, phát triển ổn định.
Tại huyện Đầm Hà, trên cơ sở điều chỉnh kịch bản phát triển KT-XH phù hợp với tình hình thực tiễn sau cơn bão số 3, địa phương đã tập trung phát huy thế mạnh đối với một số hoạt động sản xuất nông, lâm, thủy sản. Nhờ đó đến nay, huyện đã hoàn thành việc rà soát để tăng diện tích trồng trọt vụ Đông, tăng đàn chăn nuôi... đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng phục vụ ổn định nhu cầu thị trường. Huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp cùng chính quyền địa phương tạo điều kiện khích lệ các cơ sở, các tổ hợp tác, HTX sản xuất, kinh doanh phát huy thế mạnh trong việc chế biến nguyên liệu thô, nhằm nâng cao giá trị hàng hóa. Dự kiến, tổng doanh thu cả năm trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản gần 3.700 tỷ đồng.
Theo Kế hoạch số 227/KH-UBND (ngày 7/10/2024) của UBND tỉnh, tổng diện tích gieo trồng cây vụ Đông năm nay của tỉnh là trên 8.000ha, tăng 343ha so với vụ Đông năm 2023. Dự kiến tổng sản lượng lương thực cây có hạt của vụ Đông 2024 khoảng trên 4.400 tấn. Đến đầu tháng 12/2024, kế hoạch gieo trồng cơ bản đã được hoàn thành, chủ yếu là cây rau các loại, đều cho thấy sức sinh trưởng và phát triển tốt. Có khoảng 2.500ha rau các loại với sản lượng khoảng 60.000 tấn đã được thu hoạch bán ra thị trường. Các địa phương đang chỉ đạo tốt khâu chăm sóc và quản lý sinh vật gây hại.
Vụ Đông là vụ sản xuất hàng hóa quan trọng với sản phẩm đa dạng, thị trường rộng, mang lại thu nhập cao cho người dân. Kết quả trong sản xuất vụ Đông có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung ngành nông nghiệp của tỉnh, bảo đảm sinh kế cho người dân và nguồn cung lương thực, thực phẩm. Do đó, các cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương và nhân dân đều kỳ vọng và nỗ lực trong phục hồi sản xuất, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch đã đề ra cho vụ Đông năm nay.
Thời gian qua các ban, ngành của Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, khích lệ nông dân, chủ cơ sở sản xuất, HTX đổi mới, đầu tư công nghệ, bắt nhịp với kỷ nguyên số. Các địa phương trong tỉnh cũng chủ động hỗ trợ phát triển sản phẩm có lợi thế. Toàn tỉnh hiện có hơn 7.000 máy làm đất các loại, đáp ứng 90% diện tích canh tác, hơn 2.500 máy tuốt đập, 3.000 máy xay xát, đáp ứng trên 95% nhu cầu sản xuất; hơn 700 máy gieo sạ, đáp ứng khoảng 40% diện tích cấy lúa... Ngành nông nghiệp Quảng Ninh đang đặt mục tiêu phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()