Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 05/01/2025 16:38 (GMT +7)
Thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp
Thứ 4, 27/11/2024 | 13:22:10 [GMT +7] A A
Tháng 9, cơn bão số 3 (Yagi) gây hậu quả nghiêm trọng đã tác động mạnh đến kết quả thực hiện chỉ tiêu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh, làm sụt giảm tăng trưởng GRDP toàn ngành (tăng trưởng GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản 9 tháng chỉ tăng 0,6%, thấp hơn kịch bản tăng trưởng 3,88 điểm %, trong đó lâm nghiệp, thủy sản là các ngành bị thiệt hại nặng nề). Ngay sau cơn bão, các địa phương đã nhanh chóng phục hồi sản xuất, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra trong năm 2024.
Năm 2024, mục tiêu phấn đấu diện tích sản xuất cây vụ đông toàn tỉnh đạt trên 8.000ha, tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt trên 4.400 tấn. Xác định đây là vụ sản xuất hàng hóa quan trọng đối với sự tăng trưởng của ngành, Sở NN&PTNT đã ban hành kế hoạch sản xuất cây vụ Đông theo hướng tăng diện tích, trong đó, tập trung sản xuất các cây trồng theo hướng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng nông sản và ưu tiên tập trung sản xuất các loại cây trồng có liên kết, bao tiêu sản phẩm.
Phường Bình Dương là địa phương thực hiện gieo trồng cây vụ đông nhiều nhất của TP Đông Triều với diện tích 226ha, trong đó khoai tây Atlantic là cây trồng chủ lực chiếm tới 155ha. Hàng chục năm nay, cây trồng này được phường duy trì và phát triển ổn định ở vụ Đông do có sự liên kết, bao tiêu sản phẩm ổn định và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ để giảm chi phí sản xuất đầu vào. Ngay từ cuối tháng 10/2024, nông dân Bình Dương đã tích cực làm đất để trồng khoai tây Atlantic. Những diện tích khác người dân cũng trồng các loại cây vụ đông khác để đa dạng hóa sản phẩm, bù vào thiệt hại do bão số 3 gây ra. Cùng với phường Bình Dương, những xã, phường còn lại của TP Đông Triều cũng tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện cho sản xuất ngay từ sớm, đảm bảo diện tích vụ Đông vượt kế hoạch đặt ra.
Bà Hoàng Thị Xinh, Phó phòng Kinh tế TP Đông Triều cho biết: Đông Triều là một trong 4 địa phương của tỉnh bị thiệt hại nặng nề do bão số 3. Do đó, triển khai cây vụ đông năm 2024, TP Đông Triều đã tăng gần 120ha cây trồng, nâng tổng số cây trồng vụ Đông lên 1.500ha và tập trung phát triển, mở rộng những cây trồng có giá trị kinh tế cao. Sau khi hoàn thành kế hoạch gieo trồng, phòng cũng sẽ cử cán bộ chuyên môn theo sát đồng ruộng để nắm bắt tình hình và phối hợp với các xã, phường chỉ đạo nhân dân công tác chăm sóc cũng như phòng trừ sâu bệnh để cây trồng sinh trưởng, phát triển ổn định.
Với sự chủ động của các địa phương, tính đến ngày 15/11, toàn tỉnh đã gieo trồng cây vụ Đông đạt trên 6.100ha (đạt trên 76% kế hoạch). Tận dụng điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, ngành nông nghiệp và các địa phương đang tiếp tục chỉ đạo tổ chức đẩy nhanh tiến độ gieo trồng cây vụ Đông theo hướng tăng cường thâm canh tăng vụ, rải vụ bằng cách trồng các loại cây trồng ưa lạnh, ngắn ngày nhằm đảm bảo diện tích theo kế hoạch, cung cấp đủ các loại sản phẩm trước và sau Tết Nguyên đán 2025.
Thủy sản là lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao trong ngành nông nghiệp của tỉnh với 55% giá trị tăng trưởng toàn ngành nhưng cũng là ngành chịu thiệt hại nặng nề của cơn bão số 3, dẫn đến tổng sản lượng bị giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Thống kê trong 10 tháng năm 2024, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 143.000 tấn (bằng 96% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó khai thác thủy sản đạt trên 65.000 tấn (bằng 100% so với cùng kỳ năm 2023); nuôi trồng thủy sản đạt gần 79.000 tấn (bằng 93% so với cùng kỳ năm 2023).
Trước thiệt hại của người dân, tỉnh và các tổ chức tín dụng cũng đã nhanh chóng hỗ trợ vay vốn ưu đãi, con giống để đảm bảo tái sản xuất. Tại Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên… nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản đã nhanh chóng bắt tay vào khôi phục sản xuất. Đến nay đã có khoảng 50% cơ sở trên địa bàn tỉnh xuống giống nuôi hàu. Các hộ nuôi tôm cũng đã khôi phục lại một phần diện tích để nuôi tôm vụ Đông. Qua rà soát của Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), hiện toàn tỉnh đã có khoảng 30% cơ sở nuôi tôm đủ điều kiện nuôi tôm vụ Đông và đây cũng sẽ là cứu cánh cho ngành thủy sản trong những tháng cuối năm.
Ở các lĩnh vực còn lại như: Chăn nuôi, lâm nghiệp, ngành NN&PTNT cũng đã và đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi, doanh nghiệp chăn nuôi tích cực cải tạo sửa chữa chuồng trại, vệ sinh môi trường, khắc phục thiệt hại sau mưa bão để nhanh chóng tái đàn, tăng đàn đảm bảo cung ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm. Đồng thời hướng dẫn người dân triển khai những biện pháp xử lý, khai thác rừng bị thiệt hại và phục hồi, trồng lại rừng sau thiên tai.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Mặc dù toàn ngành đã tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng, tuy nhiên hậu quả của bão số 3 khả năng kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của thời gian tiếp theo. Do đó, dự báo mức tăng trưởng GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2024 chỉ tăng 0,04% (gần như không có tăng trưởng so với năm 2023) và dự kiến năm 2025 chỉ tăng 0,07% (gần như không có tăng trưởng so với năm 2024 và chỉ tăng khoảng 0,11% so với năm 2023) cho thấy tình hình khó khăn trong thời gian tới. Vì vậy, trong lĩnh vực lâm nghiệp, ngành cũng sẽ rà soát lại các nguồn giống, khả năng cung ứng cây giống và nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh để lập phương án sản xuất, trồng lại rừng. Về thủy sản, trọng tâm là khẩn trương cụ thể hóa các quy hoạch quan trọng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt gồm: Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh, Quy hoạch không gian biển, Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, Quy hoạch cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()