Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 07/11/2024 20:27 (GMT +7)
Kỳ vọng lớn vào chương trình phục hồi kinh tế-xã hội
Thứ 5, 13/01/2022 | 15:09:26 [GMT +7] A A
Ngày 11/1 vừa qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong hai năm 2022 và 2023. Mục tiêu chính của chương trình là tiếp tục chia sẻ khó khăn với người dân, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo thêm dư địa cho phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn.
Ðây là gói hỗ trợ đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Theo tính toán, nếu không có chương trình hỗ trợ, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 chỉ có thể đạt từ 4,5 đến 5% với đặc điểm phục hồi khó khăn trong một thế giới có nhiều bất định trước tác động của đại dịch Covid-19.
Tạo lập nền tảng tăng trưởng trong dài hạn
Về chính sách tài khóa, Quốc hội thống nhất giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ gồm viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản... Tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước cao nhất 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong hai năm 2022 và 2023, trong đó bố trí cao nhất 14 nghìn tỷ đồng để đầu tư cho y tế. Hỗ trợ lãi suất (2%/năm), cao nhất 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi. Về chính sách tiền tệ, tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. Quốc hội cũng đồng ý sử dụng cao nhất 46 nghìn tỷ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vắc-xin, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong trường hợp cần thiết…
Ðánh giá cao nghị quyết của Quốc hội và dự thảo chương trình phục hồi kinh tế Chính phủ xây dựng, TS Cấn Văn Lực, kinh tế trưởng Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng, quy mô chính sách hỗ trợ không lớn như mức đề xuất của giới nghiên cứu và doanh nghiệp, song đây là con số được Quốc hội và Chính phủ cân đối mọi mặt, từ năng lực ngân sách, khả năng hấp thụ đến hệ lụy rủi ro có thể phát sinh. Hơn nữa, chương trình lần này có nhiều điểm tích cực. Ðó là xác định tương đối rõ nét về mục tiêu, đối tượng, quy mô, không dàn trải hay chung chung như chương trình hỗ trợ trước đây. Tập trung vào những nội dung thiết yếu như đầu tư cho y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch; đầu tư cơ sở hạ tầng đem lại tác động cả trước mắt và lâu dài; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, bao gồm cả giảm thuế giá trị gia tăng, giảm tiền thuê đất thay vì giãn, hoãn nhiều như trước và có cấu phần tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp rõ nét hơn thông qua giảm lãi suất. Quan tâm nhiều hơn đến đối tượng chịu tác động mạnh trước đại dịch như hoạt động vận tải, du lịch, người lao động... và có đánh giá tương đối cụ thể về tác động của chương trình đối với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như tăng trưởng, nợ công, thâm hụt ngân sách.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tin tưởng, nếu thực hiện tốt các định hướng chính sách tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước cùng với chương trình phục hồi kinh tế-xã hội, nền kinh tế Việt Nam có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%. Nếu không có chương trình hỗ trợ, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ có thể đạt từ 4,5 - 5%.
Quan trọng là tổ chức triển khai thực hiện
Sau nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cần thêm thời gian để ban hành chương trình phục hồi kinh tế-xã hội thực hiện trong hai năm 2022, 2023 và cộng đồng sản xuất, kinh doanh rất kỳ vọng vào "lực đẩy" từ các chính sách hỗ trợ này. Ông Trần Ðức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, khó khăn thường trực của doanh nghiệp logistics hai năm qua là dòng tiền, vì chi phí đầu vào tăng cao nhưng doanh thu liên tục suy giảm. Nghị quyết 128/NQ-CP được triển khai thực hiện, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã được "cởi trói" nhưng chưa thể trở về trạng thái bình thường. Chính sách hỗ trợ lãi suất chưa đủ mạnh để "thấm" đến doanh nghiệp, trong khi việc cơ cấu lại nợ chưa đủ dài đến khi thị trường khởi sắc trở lại. Các vấn đề này đã được đặt ra trong dự thảo chương trình và doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều điểm tích cực khi chính sách được ban hành. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ cần đúng và trúng đối tượng, công khai, minh bạch và giám sát thực hiện tốt để nguồn lực đến đúng địa chỉ, không gây rủi ro lớn cho mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Từ góc độ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chịu thiệt hại lớn nhất từ đại dịch là hàng không và du lịch, Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần Vietravel Holdings Nguyễn Quốc Kỳ đặc biệt quan tâm đến hiệu quả thực thi của Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội. Theo ông Kỳ, sau khủng hoảng, tất cả doanh nghiệp không phân biệt quy mô, lịch sử hình thành, đều phải xếp hàng trên một vạch xuất phát, doanh nghiệp nào bật lên nhanh thì lấy được thị trường. Muốn xuất phát nhanh, phải chuẩn bị từ sớm, từ xa và cần có động năng mạnh từ các gói hỗ trợ của Chính phủ. "Cứu doanh nghiệp cũng như cứu người bệnh. Nếu như hiệu quả công tác phòng, chống dịch phụ thuộc vào mức độ bao phủ vắc-xin và năng lực chữa bệnh của hệ thống y tế thì hiệu quả của chương trình phục hồi kinh tế phụ thuộc vào quy mô gói hỗ trợ và tốc độ triển khai để kịp cứu doanh nghiệp trước khi phá sản. Doanh nghiệp mong muốn chính sách hỗ trợ cũng phải nhanh và hiệu quả như chiến lược ngoại giao vắc-xin. Bên cạnh đó, mở cửa và duy trì hoạt động kinh tế một cách liên tục, nhất quán chính là chính sách hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp trong thời gian tới", ông Kỳ chia sẻ.
Theo TS Nguyễn Ðình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chương trình phục hồi kinh tế cần có giải pháp mạnh mẽ, khác biệt, quyết liệt hơn, hướng đến hoàn thiện thể chế và cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề, mô hình kinh doanh mới, chuyển đổi số, kinh tế số và đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, Chính phủ cần có thông điệp rõ ràng về mở cửa dứt khoát nền kinh tế một cách linh hoạt để tạo niềm tin cho toàn xã hội. Có như vậy mới tạo ra động năng tăng trưởng để vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, đạt mục tiêu và khát vọng trở thành quốc gia phát triển.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()