Tất cả chuyên mục

Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ 2024 và Nghị định số 158, năm 2024 của Chính phủ, quy định về hoạt động vận tải đường bộ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, công dân có giấy phép lái xe (GPLX), để được lái xe kinh doanh vận tải thì phải tập huấn và được cấp chứng nhận nghiệp vụ vận tải. Tại Quảng Ninh, nhằm đưa các quy định mới của pháp luật vào đời sống, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, cơ quan chức năng đã mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ vận tải phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.
Ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Trung tâm Sát hạch lái xe và Giám sát giao thông (Sở Xây dựng) cho biết, công dân khi tốt nghiệp các khóa đào tạo lái xe và sát hạch được cấp GPLX, đã được trang bị về những quy định của pháp luật đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ và đủ khả năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải, do đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên ngoài các quy định chung của pháp luật về TTATGT đường bộ thì còn có những quy định chuyên sâu về vận tải. Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện cũng cần có những kỹ năng, kiến thức về xếp dỡ hàng hóa, giao tiếp ứng xử với hành khách, để có thể ứng phó, xử lý các tình huống đột xuất trên đường. Việc yêu cầu lái xe kinh doanh vận tải phải được tập huấn và cấp chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ vận tải không chỉ giúp nâng cao năng lực nghề nghiệp cho chính lái xe mà còn là bảo vệ an toàn tính mạng sức khỏe cho người lái và cộng đồng, bảo vệ tài sản cho doanh nghiệp.
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.181 đơn vị đăng ký kinh doanh vận tải đường bộ với trên 6.200 phương tiện. Ngay khi các quy định mới có hiệu lực, để tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh vận tải và người dân có nhu cầu bồi dưỡng nghiệp vụ kinh doanh vận tải, Sở Xây dựng chỉ đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái hướng dẫn các cơ sở đào tạo lái xe, các đơn vị kinh doanh vận tải mở lớp tập huấn nghiệp vụ cho lái xe kinh doanh vận tải. Khung chương trình tập huấn, ngoài việc bám sát chương trình của Cục Đường bộ Việt Nam còn được cập nhật một số nội dung đặc thù theo tình hình thực tiễn hoạt động vận tải tại địa phương.
Theo đó, ngoài các kiến thức chuyên sâu về ngành vận tải ô tô ở nước ta hiện nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng người lái xe kinh doanh vận tải; để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và bảo đảm ATGT, các học viên còn được bồi dưỡng kỹ năng điều khiển phương tiện tiết kiệm nhiên liệu, kỹ năng xếp hàng hóa trên xe ô tô; kỹ năng quản lý hành khách, ứng xử với các tình huống phát sinh, nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người lái xe kinh doanh vận tải.
Ông Mạc Đức Sơn, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Xây dựng) cho biết, để bảo đảm việc dạy và học được tổ chức chặt chẽ, đúng quy định, ngoài việc ứng dụng khoa học công nghệ giám sát việc dạy và học từ xa, quản lý chặt chẽ thời gian học, đơn vị còn phân công cán bộ trực tiếp kiểm tra các học viên, trước khi cấp chứng nhận đào tạo nghiệp vụ vận tải. Các học viên không tham gia đầy đủ thời gian học sẽ không được cấp chứng nhận.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, ở nước ta, tai nạn giao thông do xe ô tô kinh doanh vận tải thường chiếm khoảng 40% tổng số vụ tai nạn giao thông đường bộ, ngoài những nguyên nhân khách quan còn có không ít vụ việc liên quan đến kỹ năng xếp, dỡ hàng hóa, xử lý tình huống của người lái. Việc quy định lái xe kinh doanh vận tải phải được bồi dưỡng nghiệp vụ vận tải không chỉ nhằm phòng ngừa kéo giảm tai nạn giao thông, mà còn nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải trong quản lý chất lượng dịch vụ vận tải.
Ý kiến ()