Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:45 (GMT +7)
Làm chủ thuật vi phẫu nối chi thể đứt lìa
Thứ 5, 02/05/2024 | 09:55:00 [GMT +7] A A
Trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, vi phẫu nối chi thể đứt rời là kỹ thuật cao, đòi hỏi chuyên môn sâu. Trước đây thường chỉ tuyến trung ương thực hiện kỹ thuật này, nhưng những năm gần đây các bệnh viện của Quảng Ninh đã làm chủ được kỹ thuật vi phẫu nối chi thể đứt rời, giúp người bệnh được cấp cứu và điều trị tại chỗ mà không phải chuyển tuyến.
Mới gần đây, người bệnh T.V.K. 63 tuổi (phường Vàng Danh, TP Uông Bí) bị máy cắt cỏ chém vào vùng cổ chân. Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau nhiều vùng cổ chân trái, da xanh niêm mạc nhợt. Khi kiểm tra đánh giá tình trạng vết thương nhận thấy đứt gần rời cổ chân trái, bàn chân tím lạnh, tê bì, mất cảm giác.
Ngay lập tức các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã tiến hành cấp cứu và cố định xương, nối các dây thần kinh, mạch máu… cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật diễn ra trong hơn 3 giờ đồng với sự tham gia của nhiều bác sĩ ở các chuyên khoa khác nhau. Sau phẫu thuật và điều trị tại Bệnh viện, sức khỏe người bệnh ổn định, đã được xuất viện, vết mổ khô, đầu chi hồng ấm, các đầu ngón chân cử động nhẹ nhàng. Người bệnh sau khi ra viện được tái khám theo hẹn và tập phục hồi chức năng để phục hồi khả năng đi lại.
Bác sĩ CKII Nguyễn Đức Hoành, Trưởng khoa Phẫu thuật Can thiệp tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, cho biết: Việc phẫu thuật nối liền các chi đứt rời là một kỹ thuật phức tạp, phải phối hợp giữa rất nhiều chuyên khoa như thần kinh, mạch máu, gây mê hồi sức… và đòi hỏi các bác sĩ có chuyên môn, kỹ thuật cao, nhiều kinh nghiệm. Tại Bệnh viện, các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật nối chi cho rất nhiều trường hợp, có cả những trường hợp chi đã đứt rời. Các trường hợp sau phẫu thuật được kết hợp phục hồi chức năng và có thể đi lại, vận động hoàn toàn bình thường.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, kỹ thuật vi phẫu nối chi thể đứt rời nay đã được thực hiện thường quy, với kết quả điều trị khả quan, góp phần mang lại cơ hội phục hồi chức năng vận động cho nhiều trường hợp bệnh nhân bị tai nạn nghiêm trọng.
Từ năm 2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã quyết tâm ứng dụng triển khai kỹ thuật vi phẫu nối thể chi đứt rời. Đến nay đơn vị đã làm chủ kỹ thuật này, thực hiện các ca nối ghép gân cơ, mạch máu, thần kinh với kết quả điều trị khả quan, giúp phục hồi chức năng vận động cho hàng chục ca tai nạn từ đơn giản đến phức tạp, tạo bước tiến trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình của đơn vị y tế tuyến cuối tỉnh.
Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Năng, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Kết quả của chức năng sau các ca phẫu thuật nối chi thể là khác nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguyên nhân, cơ chế tổn thương, bảo quản lạnh, thời gian thiếu máu cục bộ, phục hồi chức năng… Trong trường hợp gặp nạn nhân tai nạn bị đứt rời chi cần gọi ngay cấp cứu, nếu có thể hãy nhanh chóng sơ cứu cầm máu, kết hợp nâng cao vùng chi bị tổn thương để hạn chế máu chảy, bảo vệ tính mạng người bệnh. Đồng thời bảo quản bộ phận đứt rời đúng cách và lập tức chuyển bệnh nhân đến bệnh viện để được bác sĩ cấp cứu và thực hiện phẫu thuật nối chi kịp thời.
Để đáp ứng các điều kiện cho kỹ thuật vi phẫu nối chi thể đứt rời, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đầu tư hệ thống trang thiết bị, máy móc đồng bộ, công nghệ cao, các dụng cụ tối tân trong phục vụ phẫu thuật, đặc biệt là kính vi phẫu hiện đại với độ phóng đại gấp 10-20 lần, mang lại hình ảnh có độ phân giải cao, chiều sâu chân thực, hỗ trợ đắc lực cho các phẫu thuật viên thực hiện các thao tác phẫu tích, khâu nối yêu cầu độ chính xác và tỉ mỉ cao, như: Những mạch máu, thần kinh có kích thước chỉ khoảng 1mm, đường kính chỉ từ 15-42 micron (tương đương 1/10 đường kính của sợi tóc).
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()