Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:22 (GMT +7)
Làm giàu từ chăn nuôi an toàn sinh học
Thứ 4, 16/06/2021 | 11:52:06 [GMT +7] A A
Nhiều năm lăn lộn trồng cây ăn quả, nuôi tôm, gà, cá, lợn… đã giúp anh Trần Văn Lợi (thôn 11, xã Hải Xuân, TP Móng Cái) tích lũy được bài học kinh nghiệm về quy trình chăn nuôi trồng trọt an toàn sinh học. Đây cũng là bí quyết để anh Lợi thu lại hiệu quả kinh tế từ đàn vật nuôi, cây trồng của mình.
Thời điểm này, anh Trần Văn Lợi chủ yếu tập trung vào chăn nuôi lợn. Đàn lợn của anh thường trực có khoảng 100 lợn thịt và 10 con lợn nái. Với định hướng chăn nuôi an toàn, anh Lợi chọn quy trình nuôi bán công nghiệp. Theo đó, chuồng nuôi làm bằng khung sắt có không gian thiết kế mở, hệ thống thoáng khí tự động; thức ăn cho lợn đều được nấu chín, đun sôi...
Anh Lợi cho biết: Qua nhiều năm chăn nuôi, tôi cho rằng nguyên nhân phát sinh bệnh dịch chủ yếu qua đường ăn uống và môi trường sinh sống. Nếu thức ăn đã được nấu chín, chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng, coi như mầm bệnh đã được xử lý cơ bản, đàn vật nuôi có thể đảm bảo an toàn...
Nhằm đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho đàn lợn, gia đình anh Lợi kết hợp với nghề làm đậu và nấu rượu thủ công. Sản phẩm chính anh cất bán cho các đầu mối tại chợ dân sinh trên địa bàn, còn phụ phẩm sử dụng làm thức ăn cho đàn lợn. Lợn nuôi theo cách truyền thống hợp với nguồn thức ăn bã đậu, bỗng rượu rất khỏe mạnh, nhanh lớn, thịt thơm. Nhờ vậy, lợn của gia đình anh luôn đắt khách và được giá.
Hiện anh Lợi áp dụng các thiết kế lồng, chuồng riêng biệt dành cho lợn nái và lợn con, qua đó hạn chế tối đa tình trạng lợn mẹ mất sức vì di chuyển, góp phần nhanh phục hồi sức lực sau đẻ, đồng thời tránh được việc lợn mẹ dẫm đạp lên lợn con. Còn lợn con thì có không gian để di chuyển, trở nên chủ động, thích ứng với môi trường nhanh hơn. Bởi vậy, mỗi lứa lợn đẻ của anh Lợi đều bảo toàn được số lượng lợn con và lợn con được cung cấp đủ sữa từ lợn mẹ, nên nhanh lớn, khỏe mạnh, dễ dàng tách đàn.
Cũng nhờ áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, nguồn dinh dưỡng của đàn lợn được đảm bảo, nên sức đề kháng của đàn lợn nhà anh Lợi tốt. Nhiều năm qua đàn lợn nhà anh Lợi ít khi bị dịch bệnh. Ngay cả đợt cao điểm bùng phát dịch tả lợn châu Phi năm 2019, hoặc các đợt dịch bệnh này gần đây đều không ảnh hưởng đến đàn lợn của gia đình anh.
Theo tính toán, hiện giá trị lợi nhuận mô hình chăn nuôi lợn của anh Trần Văn Lợi là khoảng 50% doanh thu. Năm 2020, anh Lợi xuất bán 15 tấn lợn, doanh thu khoảng 1 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 500 triệu đồng. Theo anh Lợi, đây là nguồn thu chưa hẳn cao so với nhiều ngành nghề công nghiệp dịch vụ khác, tuy nhiên, so với các mô hình kinh tế nông nghiệp là khá bền vững.
Có thể thấy, trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp, việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, các mô hình nông nghiệp truyền thống, an toàn sinh học như của gia đình anh Trần Văn Lợi nếu biết cách vận dụng vẫn sẽ đem lại hiệu quả như mong muốn. Theo các chuyên gia, mô hình này phù hợp với kinh tế hộ gia đình, vốn tiềm lực đầu tư, cũng như trình độ khoa học kỹ thuật chưa cao.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()