Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:36 (GMT +7)
Làm rõ khoản lỗ 36.294,15 tỷ đồng năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Thứ 6, 31/03/2023 | 19:48:06 [GMT +7] A A
Chiều 31/3, Bộ Công Thương tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Ông Trần Hồng Phương, Trưởng phòng giá điện và phí (Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương), thành viên Đoàn kiểm tra cho biết, căn cứ kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra, bao gồm đại diện của các Bộ, cơ quan, hiệp hội có liên quan (Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), Bộ Công Thương công bố nội dung về kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm căn cứ trên các tài liệu do EVN và các đơn vị thành viên cung cấp, gồm: Báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH Deloitte Việt Nam; báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán của EVN, báo cáo tài chính do đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán của Công ty mẹ EVN và các đơn vị thành viên; hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các đơn vị phát điện; Tách bạch chi phí các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, phụ trợ và quản lý ngành.
Theo kết quả báo cáo, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm 2021 là 419.031,80 tỷ đồng năm 2022 là 493.265,30 tỷ đồng bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành. Theo đó, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,90 đ/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020; giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021 (trong đó các khoản thu của EVN và các đơn vị thành viên từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được giảm trừ vào chi phí sản xuất kinh doanh của EVN và các đơn vị thành viên).
Năm 2022, tổng chi phí khâu phát điện là 412.243,53 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.698,45 đ/kWh. So với năm 2021, chi phí khâu phát điện năm 2022 tăng 72.855,58 tỷ đồng. Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 16.854,57 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 69,44 đ/kWh. Tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 62.543,78 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 257,68 đ/kWh. Tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là 1.623,41 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,69 đ/kWh. Tổng khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo chưa nối lưới điện quốc gia là 387,55 tỷ đồng.
Sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2022 là 242,72 tỷ kWh, tăng 7,73% so với năm 2021. Doanh thu bán điện thương phẩm năm 2022 là 456.971,15 tỷ đồng, tăng 9,31% so với năm 2021. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2022 là 1.882,73 đ/kWh, tăng 1,46% so với năm 2021.
“Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294,15 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058,36 tỷ đồng. Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện, bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng năm 2022 của EVN lỗ 26.235,78 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác”, ông Trần Hồng Phương cho biết.
Theo kết quả kiểm tra, các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 bao gồm phần còn lại khoản CLTG thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2019 với số tiền khoảng 3.015,80 tỷ đồng; khoản CLTG theo hợp đồng mua bán điện năm 2020 với số tiền khoảng 4.566,94 tỷ đồng; khoản CLTG theo hợp đồng mua bán điện năm 2021 khoảng 3.702,257 tỷ đồng; khoản CLTG theo hợp đồng mua bán điện phát sinh năm 2022 khoảng 3.440,83 tỷ đồng.
Lý giải về nguyên nhân lỗ 36.294,15 tỷ đồng năm 2022, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, khoản lỗ năm 2022 chủ yếu do chi phí điện đầu vào giá cao, phát sinh tăng lên.
“Nguyên liệu đầu vào như than, dầu, khí tăng cao gấp 3 lần, có thời điểm tăng 4- 5 lần. Trước khó khăn đó, EVN tiết kiệm chi phí, cắt giảm tới 30%, tiết kiệm 10 nghìn tỷ đồng và tối ưu vận hành. Nếu đúng ra, các yếu tố về đầu vào của nhiệt điện than lớn hơn rất nhiều lần, cho nên sau nỗ lực lớn như vậy thì lỗ hơn 36 nghìn tỷ đồng và trừ các khoản thu nhập khác thì lỗ hơn 26 nghìn tỷ đồng, đây là nỗ lực lớn của EVN mới có kết quả như vậy”, ông Nam cho biết.
Ông Trần Việt Hoà, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) trả lời báo chí chiều 31/3:
Ông Trần Việt Hoà, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, việc điều chỉnh giá điện 2023 theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quyết định này thì cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân căn cứ vào thông số đầu vào, nếu tăng từ 3% trở lên thì tăng, còn chi phí đầu vào giảm thì giảm.
“Giá điện tác động đến kinh tế vĩ mô và đời sống người dân nên cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và tuỳ vào mức điều chỉnh, dưới 5% thuộc điều chỉnh EVN, 5-10% thuộc thẩm quyền Bộ Công Thương, từ 10% trở lên thì thuộc thẩm quyền Chính phủ. EVN đã xây dựng phương án điều chỉnh giá điện và báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Bộ Công Thương và Tài Chính kiểm tra phương án của EVN và đang báo cáo Thủ tướng theo quy định”, ông Trần Việt Hoà cho hay.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()