Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 03:28 (GMT +7)
Làm rõ và khắc phục những bất cập về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Thứ 4, 25/09/2024 | 22:20:55 [GMT +7] A A
Chiều 25/9, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo và biểu quyết thông qua về mặt nguyên tắc đối với dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.
Nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, trong những năm qua hệ thống chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ngày càng hoàn thiện, nhất là lĩnh vực giao thông đường bộ.
Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ bản đầy đủ, kịp thời. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tiếp tục nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định của pháp luật trên các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không dân dụng và hàng hải đã được triển khai tích cực, đồng bộ.
Theo đó, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ có những chuyển biến tích cực, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người tham gia giao thông được nâng cao; số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục giảm, nhất là số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải được kiềm chế.
Đặc biệt, Chính phủ đã chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008, trình Quốc hội thông qua Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ với quá trình chuẩn bị công phu, chu đáo, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập cũng như định hướng phát triển đường bộ, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong thời gian tới.
Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; rà soát, thống kê, phân loại lối đi tự mở và quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt. Từ năm 2019 đến năm 2023 đã thực hiện xóa bỏ 924/4.100 lối đi tự mở nguy hiểm (đạt 22,5%) trên địa bàn khu vực đông dân cư có mật độ chạy tàu cao và tại các vị trí tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông đường sắt; không để phát sinh lối đi tự mở trên các tuyến đường sắt...
Công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường thủy ngày càng được tăng cường. Tình hình tai nạn giao thông đường thủy nội địa đã được kiềm chế cả 3 tiêu chí, giảm sâu so với giai đoạn trước (2004-2014). Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn xảy ra một số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người. Giai đoạn 2015-2023 xảy ra 662 vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa, làm chết 418 người, bị thương 78 người.
Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập như công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch chưa sát với yêu cầu thực tiễn, áp dụng trong thời gian ngắn đã phải điều chỉnh hoặc thay thế.
Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông mặc dù đã được tăng cường, tuy nhiên kết quả kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông chưa vững chắc, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ vẫn còn ở mức cao.
Trên cơ sở phân tích nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, Đoàn giám sát đã đưa ra các nhóm giải pháp trọng tâm và nhiều kiến nghị cụ thể. Trong đó, nhấn mạnh, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông..
Khắc phục bất cập về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, kết quả giám sát cho thấy, việc lựa chọn chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là “trúng“ và “đúng“ đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra. Đoàn Giám sát làm việc nghiêm túc, đi sâu vào 5 lĩnh vực, gồm: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không dân dụng, hàng hải.
Đánh giá báo cáo được xây dựng công phu, nhiều thông tin, số liệu tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần thể hiện cô đọng, sắc nét; nội dung có trọng tâm, trọng điểm hơn. Trong đó, cần làm rõ công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật an toàn giao thông được triển khai kết quả cụ thể ra sao? Ý thức chấp hành giao thông của người tham gia giao thông chuyển biến như thế nào? Vấn đề kỷ cương trong thực hiện pháp luật? Đánh giá kỹ lưỡng, đậm nét đối với lĩnh vực giao thông đường bộ...
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, đánh giá cụ thể những chuyển biến trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ sau khi Quốc hội ban hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ... Ngoài ra, cần rà soát một số nội dung trong báo cáo còn trùng lắp; các kiến nghị, giải pháp đưa ra tại Nghị quyết cần phải rõ ràng, gắn với chủ thể thực hiện và thời gian hoàn thành...
Để tăng cường hiệu quả, các cơ quan báo chí thông qua kết quả giám sát, chắt lọc, tiếp tục thông tin tuyên truyền về trật tự, an toàn giao thông nói chung trên cả 5 lĩnh vực và đặc biệt nhấn mạnh về an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, tập trung, chú trọng tuyên truyền về hai luật Quốc hội vừa ban hành là Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Chính phủ đồng tình cao việc lựa chọn nội dung chuyên đề giám sát cũng như quá trình triển khai giám sát. Thông qua giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giúp Chính phủ tổng kết, đánh giá công tác thực hiện cũng như tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Thống nhất cao những ý kiến tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, bối cảnh năm 2023 Quốc hội vừa ban hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Do đó, việc đánh giá việc thực hiện trật tự, an toàn giao thông đối với lĩnh vực đường bộ cần rất cụ thể; làm rõ những kết quả đạt được, những vấn đề bất cập đã được khắc phục, điều chỉnh ngay trong quá trình tiến hành giám sát.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, việc lựa chọn chuyên đề giám sát là đúng, dư luận đồng tình ủng hộ và được tiến hành song song với việc tổng kết, trình Quốc hội thông qua 2 luật về lĩnh vực đường bộ và các luật khác có liên quan đến đầu tư, nguồn lực, tài chính, kinh tế.
Cơ bản nhất trí với bố cục, nội dung của báo cáo, tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần tập trung làm rõ hơn trên một số lĩnh vực cũng như các kiến nghị phải sát với kết quả của báo cáo. Trong đó, lưu ý rà soát số liệu bảo đảm đầy đủ, chính xác, xác định rõ trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, các giải pháp kiến nghị đề xuất cần khái quát nhưng cũng phải cụ thể, bám sát thực tiễn, gắn trách nhiệm của từng chủ thể theo quy định của pháp luật và bảo đảm tính khả thi...
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành thông qua về nguyên tắc dự thảo Nghị quyết Giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()