Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:51 (GMT +7)
Làm cách nào để doanh nghiệp tàu du lịch vượt khó?
Chủ nhật, 03/04/2022 | 14:14:58 [GMT +7] A A
Sau 2 năm gánh ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, tàu du lịch đưa khách tham quan Vịnh Hạ Long cũng như các tàu vận tải khách đi tuyến đảo trải qua cơn khủng hoảng lớn. Chủ trương mở cửa toàn diện du lịch (ngày 15/3) đã đem lại tín hiệu lạc quan, tuy nhiên cũng chỉ ra nhiều khó khăn không dễ khắc phục với tàu du lịch.
Linh hoạt thích nghi, đổi mới khi mở cửa
Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, trong vòng hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động du lịch. Nhiều hoạt động gần như bị "đóng băng", đặc biệt các tàu du lịch, các dịch vụ vận tải khách du lịch trên Vịnh Hạ Long và tuyến biển đảo chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Không chỉ bị “đóng băng”, không có nguồn thu, các sản phẩm đầu tư lớn này phải chịu thêm chi phí bảo vệ, bảo dưỡng tàu...
Dù vậy, chủ trương mở cửa du lịch từ 15/3 khiến nhiều doanh nghiệp phấn chấn, nỗ lực vượt khó, đón đầu xu hướng để chuẩn bị cho một mùa du lịch mới trên đà phục hồi. Qua khảo sát cho thấy, những ngày cuối tuần đầu tiên sau mở cửa đã có những chuyến tàu đưa khách du lịch thăm và ngủ đêm trên Vịnh. Cùng với các dịch vụ, nhà hàng, khách sạn rục rịch sửa sang, du lịch tham quan vịnh và các đảo bắt đầu khởi động trở lại. Đó là tín hiệu vui, cũng là động lực để các doanh nghiệp lạc quan hơn.
Theo thống kê sơ bộ của Chi hội Tàu du lịch Hạ Long thì hiện có trên 30% tàu hoạt động trở lại, trong đó phần nhiều là tàu du lịch 5 sao to đẹp, quy mô lớn, khởi động đón khách nghỉ đêm và số ít tàu nhỏ phục vụ khách tham quan theo tiếng. Đồng thời với chủ trương mở cửa, nhiều đơn vị nỗ lực bắt nhịp hoạt động, đổi mới và thậm chí có nhiều sản phẩm, dịch vụ mới. “Tôi đồng thuận và đánh giá cao việc mở cửa kịp thời đón khách du lịch để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, khởi động lại sau một thời gian dài nghỉ, để kịp hồi phục đón khách hè hoặc dịp cuối năm” - ông Đào Mạnh Lượng, chủ tàu du lịch Hạ Long Biển Ngọc chia sẻ.
Thực tế, các doanh nghiệp dựa trên nguồn lực sẵn có cũng đưa ra các gói dịch vụ, sản phẩm kích cầu với giá dịch vụ linh hoạt, uyển chuyển hơn. Hiện tại, giá tour cho khách Việt ngủ đêm tàu sang trọng giảm gần nửa, chỉ còn khoảng 2 triệu đồng/đêm, bao gồm ăn uống, nghỉ đêm, vé tham quan…
Theo lý giải của các chủ tàu thì đây là mức giá đã mềm, linh hoạt rất nhiều bởi trước đây các dịch vụ nghỉ đêm như trên hoặc tiêu chuẩn 5 sao phải từ 3,5-4 triệu đồng/khách (150-180USD/khách). Đây là nỗ lực của các đơn vị tàu thuyền, bởi đa phần mức giá đó chỉ đủ chi phí vận hành, trả lương nhân sự.
Không chỉ vậy, sau chủ trương mới, nhiều dịch vụ vận chuyển khách du lịch trên biển cũng khởi động trở lại khá mạnh mẽ. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, không ít doanh nghiệp đã có những sản phẩm kích cầu mới. Đơn cử như sản phẩm tàu nhà hàng của Công ty TNHH Hương Hải Hạ Long với hành trình tham quan Vịnh Hạ Long, TP Hạ Long về đêm, nghe nhạc, ăn uống trên tàu... Tàu có tiêu chuẩn cao với giá trị trên 80 tỷ đồng/chiếc, sức chứa 280 khách. Tàu có 2 hành trình quanh Vịnh Hạ Long và TP Hạ Long sáng (9-15h) và tối (18-22h).
"Thế mạnh của sản phẩm này là các tuyến tham quan Vịnh Hạ Long, các cảnh điểm đẹp, hoang sơ là xu hướng du khách ưa thích sau dịch. Hiện tại, đơn vị cũng đưa sản phẩm vào vận hành với gói kích cầu tới cuối tháng 4 giảm hơn 40% về giá cho du khách" - ông Bùi Đức Long, Giám đốc Công ty TNHH Hương Hải Hạ Long cho biết.
Ngoài ra, tàu vận tải khách đi các tuyến đảo cũng khởi động trở lại. Cùng với các hãng tàu khác, tàu cao tốc Tuần Châu Express đang tích cực chuẩn bị, dự kiến khởi động trở lại đón du lịch hè vào tháng 4. Theo đó, Havaco tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, sức hấp dẫn của tuyến du lịch Cô Tô: Hành trình kết nối 2 di sản, qua Vịnh Hạ Long - Bái Tử Long tới Cô Tô; rút ngắn thời gian hành trình, bố trí phương tiện đảm bảo hoạt động trong điều kiện sóng, gió to…
“Đơn vị đang nghiên cứu nâng cao chất lượng phục vụ, sẽ đưa ra các chương trình kích cầu, thúc đẩy nhiều dịch vụ mới… nhằm hấp dẫn khách. Dù chịu áp lực nguyên, nhiên liệu tăng, đơn vị vẫn giữ nguyên giá vé, đồng thời tăng chính sách chiết khấu lên từ 15-20% với các công ty lữ hành, đoàn khách lớn... Đồng thời, đơn vị cũng đổi mới mở thêm tuyến Cái Rồng - Minh Châu, thiết kế và bán vé qua app, website... tiện lợi cho du khách” - ông Phạm Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Havaco, chia sẻ.
Làm sao để vượt khó thành công?
Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên các đơn vị trên còn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Qua tìm hiểu của chúng tôi cho thấy, hiện số tàu bị bán, hao hụt do ảnh hưởng của dịch không nhiều, cơ bản vẫn giữ nguyên số lượng, nhưng trong 500 con tàu ấy tàu nào có thể tái khởi động thành công sau 2 năm chủ yếu nằm im, “đóng băng” là cả một vấn đề.
Thực tế, tất cả doanh nghiệp tồn tại đến hôm nay đều có tâm thế đón đầu sự mở cửa. Tuy nhiên, để hoạt động trở lại cần nhiều nỗ lực, trước hết là cần một nguồn vốn lưu động để đầu tư trang thiết bị, đồ đạc thay thế sau thời gian dài để không.
Ước tính để tái hoạt động trở lại đối với 1 tàu vận tải khách thăm Vịnh Hạ Long loại nhỏ cần chừng 50 triệu đồng để sửa chữa, lên đà, kiểm tra đường sản… đảm bảo vận hành an toàn. Còn đối với các tàu nghỉ đêm quy mô lớn, 5 sao, chi phí ban đầu này trung bình khoảng 500 triệu đồng/tàu, chưa kể các yếu tố khác như đầu tư trang thiết bị, dầu mỡ, thực phẩm... để phục vụ hoạt động. Trong khi, hiện tại lượng khách chưa đủ lớn để đầu tư tái khởi động, thu chưa đủ bù chi…
Một vấn đề nan giải không kém mà chủ tàu lo lắng thực sự chính là nhân sự phục vụ tàu. Theo tìm hiểu, khá nhiều tàu hoạt động trở lại đón khách đều là tận dụng số ít nhân sự được giữ lại để trông coi, bảo dưỡng đội tàu trước đây. Khi có khách, chủ doanh nghiệp gom số nhân sự đó để vận hành các tàu đón khách. Điều này vừa giúp giảm chi phí vừa giúp lao động khởi động trở lại, làm quen với việc đón khách.
Trên thực tế, tái khởi động du lịch, các tàu không thể thiếu nhân sự phục vụ. Phức tạp nhất là với các tàu ngủ đêm quy mô lớn, tiêu chuẩn 5 sao cần ít nhất 15-20 người/tàu, cá biệt có tàu cần tới 30-40 người/tàu mới đủ sức đáp ứng các hoạt động. Như vậy, ước tính sẽ cần tới 2.500-3.000 lao động cho 500 tàu du lịch khi hoạt động trở lại.
Đây là một vấn đề không hề đơn giản với doanh nghiệp. Bởi trong 2 năm qua, phần lớn nhân sự phục vụ trên các tàu không có việc, đều đã chuyển đổi công việc để kiếm sống. Vì thế, điều quan trọng là phải gọi lại được nhân viên cũ đã được đào tạo quen việc. Thế nhưng, phần nhiều đã có công việc, thu nhập ổn định, tâm lý ngại công việc bất ổn do dịch vẫn còn...
Nếu tính phương án tuyển mới thì còn khó khăn hơn nhiều. Bởi để có một nhân viên đạt tiêu chuẩn phục vụ trên tàu, ngoài chứng chỉ chuyên môn, còn chừng 10 loại giấy tờ, chứng chỉ chuyên môn cần được đào tạo và cấp, chi phí hàng chục triệu đồng/người…
Đó là chưa kể đào tạo để quen việc. Trong đó, đặc thù đội ngũ buồng bàn, bar, bếp… đào tạo nhanh nhất cũng mất 3 tháng. Chính vì thế, người lao động có tha thiết quay trở lại hay tuyển mới nhân sự trong khi chủ tàu cũng chưa dám chắc về lượng khách sau phục hồi, nguồn thu để chi phí, trả lương. Với nguồn lực cạn kiệt trong thời gian qua, đây là cái vòng luẩn quẩn, bài toán khó cho các doanh nghiệp.
Có lẽ vì thế, nhiều đơn vị tính toán cho việc khởi động từ từ, từng bước sau khi mở cửa, khi lượng khách có sự phục hồi nhất định thì doanh nghiệp mới đầu tư mạnh. Như vậy, cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp, rất cần sự hỗ trợ về nguồn lực để tiếp sức, góp phần đưa hoạt động du lịch bình thường trở lại.
Vân Anh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Liên kết website
Ý kiến ()