Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:23 (GMT +7)
Khắc phục sự thiếu hụt nhân lực ngành du lịch
Thứ 6, 01/04/2022 | 07:58:14 [GMT +7] A A
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, từ ngày 15/3 vừa qua, cùng với các địa phương trong cả nước, Quảng Ninh đã mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch nhằm phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn, có nhiều lợi thế của tỉnh, sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng, tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Với mong muốn khôi phục nhanh, đảm bảo chất lượng, thu hút được nhiều du khách, thời điểm này Quảng Ninh đã đưa ra thông điệp "Điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn - Sẵn sàng đón bạn trở lại". Mục tiêu của tỉnh đặt ra là đón trên 10 triệu lượt khách trong năm 2022, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế.
So với trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra thì mục tiêu nói trên đối với du lịch Quảng Ninh là quá nhẹ nhàng, bởi thực tế đã có nhiều năm ngành du lịch của tỉnh cán đích hơn chục triệu lượt khách du lịch. Thế nhưng, khi dịch bệnh bùng phát và lan rộng trên toàn cầu thì ngành du lịch Quảng Ninh cũng chung tình trạng của ngành du lịch toàn thế giới, bị đóng băng, sụt giảm gần như chạm đáy.
Trong bối cảnh đó nhiều nhân lực ngành du lịch, trong đó bao gồm cả những nhân lực có chuyên môn cao, kỹ năng chuyên nghiệp đã buộc phải bỏ nghề hoặc chuyển sang các công việc khác để đảm bảo có thu nhập ổn định cuộc sống. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong hơn 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã khiến 18% doanh nghiệp du lịch phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc, 48% công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch cho từ 50-80% nhân viên nghỉ việc. Như vậy, một số lượng rất lớn lao động ngành du lịch đã buộc phải sang làm các nghề khác.
Với Quảng Ninh, trước khi bùng phát dịch - năm 2919, toàn tỉnh có khoảng 63.000 lao động thuộc ngành du lịch, trong đó có 26.000 lao động trực tiếp. Nhưng hiện nay, qua khảo sát số lao động trực tiếp chỉ còn khoảng 16.000 người. Như vậy, đã có gần 10.000 lao động đã bỏ việc trong hơn 2 năm qua. Và điều đáng nói là phần lớn số lao động bỏ việc đã được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ. Số này đến nay đa phần đã có việc làm ổn định tại các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp.
Do vậy, hiện nay khi thực hiện khôi phục, mở cửa hoàn toàn du lịch khi dịch bệnh đã được kiểm soát tốt thì ngành du lịch cả nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng đang đứng trước một thách thức, một bài toán lan giải đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu, chuyên nghiệp. Với số lao động còn trụ lại được với nghề thì tay nghề, trình độ cũng bị giảm sút, hạn chế, do trong một khoảng thời gian dài doanh nghiệp, đơn vị hoạt động cầm chừng hoặc không hoạt động, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản, nên ít được phục vụ khách cũng như bồi dưỡng, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo của một số cơ sở đào tạo nghề du lịch trên địa bàn tỉnh tuy có nhiều cố gắng nhưng sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo chưa được chặt chẽ, thường xuyên, nên số sinh viên ra trường chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch...
Do vậy, để phục hồi hiệu quả hoạt động du lịch, ngành du lịch Quảng Ninh đã và đang có nhiều giải pháp để khắc phục sự thiếu hụt nhân lực du lịch. Cụ thể, tiếp tục tuyển dụng, bổ sung lao động thông qua kết nối trực tuyến, ngày hội việc làm tại các địa phương, kết nối doanh nghiệp du lịch với các cơ sở đào tạo nghề để đặt hàng theo nhu cầu. Tiếp tục thu hút học sinh, sinh viên học nghề du lịch, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, đặc biệt là kỹ năng nghề; bố trí sinh viên tham gia phục vụ các hội nghị, hội thảo, sự kiện, thực tập tại các doanh nghiệp du lịch ở các thời điểm đông khách du lịch. Tổ chức các lớp, khóa đào tạo ngắn ngày để nhanh chóng bổ sung nhân lực cho các hoạt động du lịch khi mùa du lịch cao điểm đang đến gần. Bên cạnh đó, xây dựng các clip hướng dẫn kỹ năng phục vụ nghề buồng, bàn, bếp, bán hàng, lễ tân... để tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, đáp ứng các đối tượng có nhu cầu. Tổ chức các hội thi nghiệp vụ du lịch để vinh danh các doanh nghiệp, lao động tiêu biểu, tạo cơ hội cho người lao động học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, gắn bó với nghề.
Bên cạnh những giải pháp trước mắt, về lâu dài ngành du lịch sẽ đề xuất, tham mưu với UBND tỉnh về kế hoạch đào tạo nhân lực ngành du lịch, để đảm bảo cho ngành phát triển bền vững.
Những tín hiệu vui từ hoạt động du lịch những ngày qua, đặc biệt là vào những ngày nghỉ cuối tuần với số lượng khách đến Quảng Ninh đã tăng dần, dự báo ngành du lịch tỉnh sẽ sớm khởi sắc trở lại khi mùa du lịch biển đang đến gần với hàng loạt các sự kiện, giải pháp kích cầu du lịch đang được tỉnh cũng như các địa phương tích cực triển khai...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()