Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:43 (GMT +7)
Để phát huy tối đa sức mạnh bóng chuyền nữ Than Quảng Ninh
Thứ 7, 23/07/2022 | 08:57:24 [GMT +7] A A
Mùa giải bóng chuyền nữ Vô địch quốc gia (VĐQG) 2022 vừa kết thúc, chứng kiến một bất ngờ khi Geleximco Thái Bình trở thành nhà vô địch. Nữ Than Quảng Ninh văng khỏi top 4, xếp thứ 6 mùa giải này.
Câu chuyện thành công của Geleximco Thái Bình với sự quan tâm đầu tư lớn, nhìn nhận kỹ cũng không mới mẻ gì ở bóng chuyền Việt Nam. Mùa giải 2022 có sự thay đổi ở thể thức thi đấu, thay vì thi đấu 2 vòng như trước, mùa giải năm nay chỉ thi đấu vòng bảng theo thể thức vòng tròn 1 lượt. Kết thúc vòng bảng, các đội sẽ bước vào vòng xếp hạng. Với thể thức mới, mỗi trận đấu sẽ vô cùng quan trọng với các đội. Số đội xuống hạng tăng lên thành 2, điều này khiến cuộc chiến trụ hạng khốc liệt không kém gì cuộc đua vô địch.
Có lẽ vì thế, các đội đều có sự chuẩn bị và đầu tư mạnh mẽ. Ở mùa giải 2022, các đội nằm trong top 6 có sự đầu tư, gia tăng lực lượng mạnh mẽ. Đơn cử như Hóa chất Đức Giang ký hợp đồng với Laetitia Moma Bassoko là tuyển thủ quốc gia Cameroon, từng thi đấu tại Giải vô địch bóng chuyền nữ thế giới (FIVB) 2014 ở Ý và tại Thế vận hội Olympic 2016 ở Rio de Janeiro (Brazil). Mức lương tháng có giải đấu của cô chừng hơn 1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đội VTV Bình Điền Long An gọi trở lại tuyển thủ quốc gia Trần Thị Thanh Thúy đang đi thi đấu ở nước ngoài. Ninh Bình có cách làm khác khi chiêu mộ dàn VĐV nội chất lượng là các tuyển thủ quốc gia như: Nguyễn Thị Bích Tuyền, Nguyễn Thị Chinh, Đinh Thị Thúy, Lưu Thị Huệ... Đội Kinh Bắc Bắc Ninh, ViettinBank cũng đều thuê các tuyển thủ Thái Lan có tiếng.
Đặc biệt, Geleximco Thái Bình sau khi rơi vào bảng "tử thần" với các đội: VTV Bình Điền Long An, Ninh Bình Doveco, Hóa chất Đức Giang... đã quyết định mạnh tay, thuê VĐV Polina Rahimova, cựu tuyển thủ Azerbaijan từng khẳng định đẳng cấp qua nhiều giải đấu lớn. Mức lương Polina Rahimova nhận được chừng 1 tỷ đồng trong vòng 2 tuần diễn ra giải đấu.
Qua thực tế giải cho thấy, hầu hết sự đầu tư đó đều phát huy tác dụng. Đặc biệt, ngoại binh của Geleximco Thái Bình Polina đã chứng minh giá trị của mình khi ghi tới 53 điểm, giúp Thái Bình chiến thắng đương kim vô địch Bộ tư lệnh Thông tin, giúp đội bóng này lần đầu tiên lọt vào bán kết sau 5 năm, rồi tiến tới chức vô địch.
Phân tích thành công của Geleximco Thái Bình cũng như các đội khác để thấy rằng, thành công của bóng chuyền hiện đại không thể thiếu được yếu tố đầu tư. Tại giải, nữ Than Quảng Ninh có lẽ cũng không thể đứng ngoài vòng quay này. Đội đã thuê ngoại binh người Venezuela Maria Jose Perez, ký hợp đồng 1 năm với libero xuất sắc Kim Liên. Tuy nhiên, sự đầu tư của Than Quảng Ninh chỉ ở mức độ vừa phải.
Câu chuyện trên cho thấy, bóng chuyền hiện đại đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ vấn đề kim tiền. Không đứng ngoài cuộc, nhưng Than Quảng Ninh chọn lựa cách làm bền vững. Đội đã thành công trong việc mời được nguyên HLV trưởng Đội tuyển quốc gia Nguyễn Tuấn Kiệt, người rất “mát tay” trong đào tạo trẻ, phù hợp với mục tiêu, cách làm là xây dựng đội từ những tài năng trẻ, “cây nhà lá vườn”.
Thế nhưng, bóng chuyền hiện đại đang bị tác động lớn từ yếu tố tài chính, nguồn lực đầu tư. Thực tế hiện nay, việc thu hút tài năng, đào tạo trẻ cũng không hề đơn giản. Bởi đa phần các phụ huynh đều mong gửi con cho những đội bóng có đầu tư lớn, đầu ra rõ ràng, tức là lo công việc được cho VĐV sau khi giải nghệ. Với Quảng Ninh, việc này đang thua kém so với nhiều đội có nhà tài trợ, hoặc doanh nghiệp đỡ đầu.
Trong khó khăn đó, HLV Nguyễn Tuấn Kiệt đã kịp đào tạo một số gương mặt trẻ, tuy rằng chưa thể đáp ứng chuyên môn như những ngoại binh. 2-3 năm gần đây, Quảng Ninh có cây chuyền 2 Thu Trang có thể gánh vác được trọng trách Ban huấn luyện giao; trình làng 2 nhân tố trẻ mới phát hiện là Yến Như (SN 2004), Mai Thanh (SN 2003).
Cũng theo đánh giá chuyên môn thì ký các bản hợp đồng chất lượng hay ngoại binh cũng đem lại những tác động khá tích cực. Đó là việc các VĐV trẻ được tiếp cận, thi đấu, học hỏi với các đàn chị tài năng, các ngoại binh cũng là yếu tố giúp họ mau "lớn", nhanh trưởng thành hơn. Tuy nhiên, với các VĐV trẻ Than Quảng Ninh, cơ hội này dường như hạn chế hơn nhiều đội khác.
Có thể khẳng định, trong một mùa giải nhiều biến động lớn, cuộc chạy đua mạnh mẽ của các đội mạnh, nữ Than Quảng Ninh với sự đầu tư khiêm tốn và lực lượng trẻ thì kết quả thứ 6 chung cuộc là nỗ lực, thành công của toàn đội. Và điều đáng mừng là bóng chuyền nữ Than Quảng Ninh cũng dần nhận được sự quan tâm, khích lệ của các đơn vị doanh nghiệp trong dịp gặp mặt khen thưởng cho thành tích vừa qua.
Hiện hầu hết đội bóng chuyền đều có nguồn kinh phí hoạt động là tương đồng theo Nghị quyết HĐND cấp tỉnh ở các địa phương. Điều mấu chốt làm nên sự khác biệt chính là nguồn động viên kịp thời, nguồn kinh phí đến từ sự hỗ trợ của doanh nghiệp, nhà tài trợ như trên. Bởi bóng chuyền nữ Than Quảng Ninh hiện là một trong số ít đội ở giải VĐQG chưa có nhà tài trợ, không nhiều thuận lợi như các đội khác. Vì thế, sự đồng hành, khen thưởng đó là nguồn lực đáng kể, động viên các nữ tuyển thủ thi đấu. Mong rằng sẽ có nhiều hơn nữa sự quan tâm như vậy để bóng chuyền nữ Than Quảng Ninh có thể phát huy hết sức mạnh và hỗ trợ đắc lực cách làm bền vững hiện tại của đội.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()