Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 21:10 (GMT +7)
Làm thế nào để quản lý phim trên mạng internet?
Thứ 3, 18/07/2023 | 14:14:30 [GMT +7] A A
Việc xuất hiện các trường hợp phim trên mạng internet bị gỡ bỏ vì có “đường lưỡi bò” phi pháp đặt ra vấn đề quản lý chặt chẽ hơn từ các cơ quan chức năng.
Đây không phải lần đầu tiên các nền tảng phim trực tuyến như FPT Play, Netflix và VieOn để lọt lộ các phim về “đường lưỡi bò” phi pháp trên nền tảng của mình, mới nhất là trường hợp phim “Hướng gió mà đi”.
Tại sao phim chiếu trên mạng internet dễ lọt lộ chi tiết nhạy cảm?
Để hiểu tại sao các phim trên mạng dễ lọt lộ các chi tiết nhạy cảm hơn phim chiếu rạp, chúng ta cần hiểu bản chất làm sao các phim đó xuất hiện trên các nền tảng mạng ở Việt Nam.
Khác với phim chiếu rạp chịu chế tài tiền kiểm khá chặt chẽ, phim trên mạng internet- do một số đặc thù - chỉ có thể kiểm duyệt bằng công tác hậu kiểm (điều này được quy định trong Luật Điện ảnh 2022 có hiệu lực từ ngày 1.1.2023).
Hiện nay, ở Việt Nam có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ phim trực tuyến có nguồn gốc cả trong nước lẫn nước ngoài. Các dịch vụ quốc tế gồm 3 “ông lớn” trong lĩnh vực phim trực tuyến: Netflix, HBO Go và Apple TV +. Các dịch vụ trong nước gồm FPT Play, Galaxy Play, VieOn, K+.
Trong đó, Netflix là công ty có những hoạt động kinh doanh nổi bật. Hồi tháng 3.2023, Netflix tham gia đoàn 50 công ty lớn nhất Mỹ sang thăm, làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh hợp tác ở nước ta.
Theo một chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bản quyền nội dung số, bản chất của các nền tảng phim trực tuyến là mua phim từ nhiều nguồn khác nhau để chiếu trên nền tảng của mình (Netflix ban đầu là dịch vụ cho thuê DVD vật lý ở Mỹ).
Họ không hoàn toàn tự sản xuất các nội dung. Trong đó có nhiều các công ty, mà các các sản phẩm của họ mặc định cài cắm hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp.
Đi tìm giải pháp
Trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để tăng cường chế tài kiểm tra, giám sát phim trên mạng.
Tháng 4.2023, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã thành lập Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng, phối hợp với Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông trực tiếp xử lý ngay các sai phạm phim trên không gian mạng.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, nếu như kiểm duyệt phim chiếu rạp phức tạp một thì quản lý phim trên mạng phức tạp gấp 10 lần.
Trong thời kỳ hội nhập, các sản phẩm chứa nội dung không phù hợp với luật pháp và văn hóa Việt Nam vào nước ta theo nhiều hình thức khác nhau. Nguyên nhân phần vì quản lý chưa chặt chẽ, phần khác vì số lượng và cách thức các sản phẩm đó xâm nhập vào nước ta ngày càng tinh vi.
“Chúng ta cần hiểu và thông cảm với các cơ quan chức năng rằng, với sự phát triển của công nghệ, việc kiểm soát nội dung trở nên khó khăn hơn rất nhiều không chỉ ở Việt Nam mà với tất cả các nước. Số lượng ấn phẩm cần kiểm duyệt nhiều gấp nhiều lần nhân sự và công nghệ của cơ quan kiểm soát.
Cần nhiều nỗ lực hơn nữa từ cả các cơ quan quản lý và toàn xã hội, nhất là cộng đồng mạng, để tình trạng này sớm chấm dứt” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn: “Các cơ quan quản lý đặt trách nhiệm chính trong việc duyệt và kiểm duyệt các sản phẩm văn hóa ở Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông, có trách nhiệm đảm bảo rằng các nội dung được phát sóng hoặc trình chiếu là phù hợp với quy định và pháp luật”.
Đồng thời, cần tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào công tác hậu kiểm.
Theo các chuyên gia công nghệ, hiện nay đã có các công cụ chặn tên miền, chặn IP để ngăn một bộ phim nào đó chiếu ở Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nên kêu gọi sự tự giác của các đơn vị cung cấp phim trực tuyến tự tiến hành kiểm duyệt, đề ra các chế tài xử phạt, cam kết tránh vi phạm. Có như thế mới giảm thiểu được các sai phạm trong lĩnh vực phim chiếu mạng.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()