Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:46 (GMT +7)
Lâm trường 156: Ấm tình quân - dân nơi biên giới
Thứ 4, 19/01/2022 | 07:20:11 [GMT +7] A A
Đứng chân tại bản Bắc Cương, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, Lâm trường 156 thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phóng 327, Quân khu 3, những năm qua luôn khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh; giúp người dân biên giới phát triển kinh tế.
Theo chân cán bộ, chiến sĩ Lâm trường 156 đến thăm bà con khu dân cư Trình Tường, bản Bắc Cương, xã Hoành Mô những ngày giáp Tết, chúng tôi thực sự bị thu hút bởi những khu vườn mận nép mình bên những cánh rừng. Thấp thoáng xa xa là những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi và vọng ra những tiếng cười đùa của trẻ nhỏ. Tất cả tạo nên một bức tranh yên bình về cuộc sống vùng biên cương.
Ít ai biết rằng, Trình Tường trước đây là "vùng trắng" dân cư. Năm 2002, thực hiện chủ trương di dãn dân của Đảng, Nhà nước, khu dân cư Trình Tường từ 7 hộ dân năm 2002 đến nay đã có 13 hộ dân sinh sống với 78 nhân khẩu. Con em của một số hộ đến tuổi trưởng thành đã tách ra lập gia đình riêng vẫn quyết tâm ở lại bám trụ, phát triển tại mảnh đất này. Chị Chìu Tài Múi, người dân khu Trình Tường tự hào kể: "Năm 2003, gia đình tôi chuyển đến bản này sinh sống. Những năm đầu rất khó khăn, con đường đất hẹp chỉ vừa đủ cho đôi bàn chân đi. Lâm trường 156 giúp dân làm đường bê tông từ đường lớn đến từng nhà, dựng nhà cùng dân bản, nhà ai có trâu bò thì bộ đội giúp làm chuồng, nhà vệ sinh. Cảm ơn bộ đội rất nhiều...".
Để tạo điểm tựa vững chắc cho người dân Trình Tường yên tâm định cư, ổn định đời sống, năm 2006, Lâm trường đã dành nguồn lực đưa điện lưới về đến tận bản. Tiếp đó, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã hỗ trợ ngày công làm trường học cho con em bản; nhờ vậy số người biết đọc, biết viết ngày càng nhiều hơn. Đơn vị cũng phân công cán bộ quân y định kỳ vào khám bệnh, cấp thuốc, kiểm tra sức khỏe cho bà con... Nhiệm vụ cũng được đơn vị luôn quan tâm đó là hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, bởi có kinh tế vững, bà con mới yên tâm định cư lâu dài.
Năm 2020, cán bộ, chiến sĩ Lâm trường về tận Hà Nội tìm hiểu để lấy giống 4.000 cây mận, 500 cây mít Thái về trồng thử nghiệm tại mảnh đất này, hy vọng giúp bà con làm giàu và xây dựng nơi đây thành điểm đến hấp dẫn của du lịch Bình Liêu. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ cũng hướng dẫn bà con phát triển mô hình nuôi dê, ngan đen... hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Khe O vốn là thôn đặc biệt khó khăn của huyện Bình Liêu, hiện có 37 hộ dân là đồng bào dân tộc Dao. Trước đây, 100% hộ dân không có nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi trâu bò ngay cạnh nhà. Thực hiện Nghị quyết số 12 ngày 12/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018-2022”, Lâm trường 156 đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Liêu hỗ trợ bà con di dời và xây dựng chuồng trại xa khu dân cư; xây nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu và tiến tới xây dựng nếp sống mới. Đầu năm 2020 thôn đã ra khỏi Chương trình 135.
Thượng tá Vũ Trung Hiếu, Chính trị viên Lâm trường 156, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 327, Quân khu 3, cho biết: Lâm trường 156 đảm nhiệm 3 xã biên giới (Hoành Mô, Đồng Tâm, Lục Hồn) với trên 38km đường biên tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc. Với phương châm “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, cán bộ, chiến sĩ thường xuyên về tận thôn, bản tìm hiểu phong tục tập quán, thực hiện “4 cùng” với nhân dân (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào). Cùng với đó, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, phối hợp với các lực lượng đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn... Thời gian tới, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, sử dụng mọi nguồn lực, nghiên cứu đưa các cây con giống khác phù hợp với địa phương để giúp bà con phát triển kinh tế, xây dựng thế trận lòng dân biên giới vững chắc, cùng huyện Bình Liêu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2022.
Nguyễn Hưng
Liên kết website
Ý kiến ()