Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:19 (GMT +7)
Lan tỏa lối “sống xanh”
Chủ nhật, 01/10/2023 | 14:31:26 [GMT +7] A A
Đến nay, “sống xanh” không còn là một khái niệm mới mẻ mà đã lan tỏa mạnh mẽ, trở thành lối sống tích cực được rất nhiều người hưởng ứng, nhất là giới trẻ. Bằng nhiều cách làm khác nhau, gắn với chính đời sống, công việc hằng ngày, nhiều người dân ở các lứa tuổi, ngành nghề khác nhau đều mong muốn chung tay thực hiện, lan tỏa lối sống xanh, hướng đến tạo dựng những giá trị bền vững, có lợi cho thiên nhiên, môi trường.
Tháng 9 vừa qua, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) phối hợp với Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN TP Hạ Long, Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh tổ chức chương trình "Tuyên truyền thúc đẩy phân loại rác tại nguồn vì một môi trường xanh không có rác". Tại chương trình, đông đảo người dân TP Hạ Long đã được tuyên truyền, phổ biến về quyền và trách nhiệm tham gia công tác bảo vệ môi trường, thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt, thu hồi vật liệu thải bỏ, hạn chế sử dụng chất thải nhựa. Đặc biệt, người dân còn được giới thiệu về các mô hình tái chế phế thải, sản phẩm từ chất thải tái chế, như: Các sản phẩm chổi quét nhà, túi xách, làn đi chợ; sản phẩm phân bón được ủ từ rác thải hữu cơ thải bỏ thực hiện tại TX Đông Triều và huyện Bình Liêu; tham gia đổi pin lấy cây xanh…
Em Đặng Như Anh (phường Hà Lầm, TP Hạ Long), chia sẻ: Đến với chương trình, em thấy rất bổ ích, mọi người được biết nhiều cách tái chế những đồ dùng cũ, các loại rác ngay tại nhà để góp phần bảo vệ môi trường. Đặc biệt, em học cách cất gọn những viên pin qua sử dụng vào chai để gửi đến các đơn vị thu gom xử lý thay vì vứt đi bừa bãi như trước bởi pin là một trong các loại rác nguy hại.
Tham gia chương trình, người dân còn rất hào hứng với chương trình Vracbank - Gửi rác - Rút tiền do Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh triển khai. Ông Hoàng Kông, Trưởng Phòng Tổ chức hành chính của đơn vị, cho biết: Chương trình Vracbank là sáng kiến của Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh triển khai từ đầu năm 2022. Tới nay, chương trình đã lan tỏa, thu hút được đông đảo nhân dân tham gia tại TP Uông Bí và TP Hạ Long trong việc phân loại, thu gom, xử lý các loại rác tái chế.
Tại TP Uông Bí đã có 10/10 xã, phường, 28 điểm trường học đăng ký tham gia gửi rác về chương trình Vracbank, năm 2022 đạt 358 tấn; 9 tháng đầu năm 2023 đạt 130 tấn. Riêng ngày triển khai chương trình tại phường Hồng Hà (TP Hạ Long), Công ty đã thu gom được 6,6 tấn rác thải tái chế các loại của gần 500 người dân mang đến. Việc tham gia mô hình đã giúp các hộ gia đình có thêm một số tiền sau khi đổi rác, quan trọng hơn là từ đó dần hình thành ý thức phân loại, thu gom rác, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.
Không chỉ các tổ chức mà các cá nhân, dù có hoàn cảnh, công việc khác nhau song có chung mong muốn được chung tay, góp một phần nhỏ bé bảo vệ môi trường đã mạnh dạn triển khai những ý tưởng, từng bước tạo sự lan tỏa trong cộng đồng về lối “sống xanh”. Thành lập từ năm 2019, trang fanpage Trạm xanh - 5R Station Halong của chị Nguyễn Việt Hà (phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long) đã trở thành địa chỉ quen thuộc để chị và những người yêu môi trường, yêu lối “sống xanh” thường xuyên chia sẻ những bài viết, kiến thức, cách làm về tái chế rác. Đó có thể là vỏ hộp sữa, vỏ gói mì tôm, túi nilong… song nếu biết cách tái chế phù hợp thì hoàn toàn trở thành những vật dụng hữu ích phục vụ lại chính cuộc sống.
Chị Nguyễn Việt Hà chia sẻ: Song song với trang fanpage Trạm xanh - 5R Station Halong tôi còn tham gia nhóm Freecycle Quảng Ninh - Nơi cho tặng và nhận đồ miễn phí trên facebook. Thông qua hoạt động của các trang mạng, tôi nhận thu gom, ủng hộ quần áo, giày dép, ba lô… còn sử dụng tốt, thực hiện phân loại để gửi tặng các bạn nhỏ vùng sâu, vùng xa, biên giới còn khó khăn ở trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, chúng tôi cũng liên hệ với các cửa hàng bán quần áo và xin lại một số hàng tồn chưa bán hết để gửi tặng các em. Qua đó, vừa góp phần tái sử dụng, giảm thiểu rác thải ra môi trường vừa giúp đỡ được những người khó khăn.
Mô hình chuyên sản xuất đồ tái chế từ rác thải nhựa của chị Trần Thị Hương tại phường Hà Khẩu (TP Hạ Long) đã duy trì hiệu quả từ năm 2019 đến nay. Thay vì là phế phẩm bỏ đi, những tấm pano, áp phích, vải vụn, chai, lọ, nhựa, thùng sơn, lốp xe… đã được Hợp tác xã Green Life Hạ Long hồi sinh, có thêm một vòng đời ý nghĩa, trở thành những vật dụng hữu ích cho cuộc sống như túi xách, sổ tay, thùng rác phân loại rác thải, chậu hoa... Sau gần 5 năm hoạt động, Hợp tác xã Green Life Hạ Long đã tái chế được hàng chục tấn rác thải, sản xuất hàng trăm nghìn sản phẩm tái chế các loại. Cơ sở sản xuất của chị còn trở thành điểm đến trải nghiệm, học tập của học sinh, khách du lịch khi tìm hiểu về các hoạt động tái chế rác, bảo vệ môi trường.
Mỗi người một suy nghĩ, một ý tưởng và hành động song ngay từ hôm nay, hãy cùng nhau “sống xanh” theo cách của bạn. Có thể đó là những việc làm rất nhỏ, nhưng sự thay đổi nhận thức, hành vi sẽ không bao giờ là muộn, đó sẽ là khởi đầu vững chắc, ý nghĩa cho cuộc sống tốt đẹp hơn, giúp môi trường ngày càng xanh hơn.
Duy Khoa
Liên kết website
Ý kiến ()