Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 01:21 (GMT +7)
Lan tỏa phong trào phòng chống rác thải nhựa trong các trường học
Thứ 6, 25/11/2022 | 10:14:36 [GMT +7] A A
Nhằm hình thành thói quen hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, túi nilon…, bảo vệ môi trường, từ đầu năm học 2022-2023, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, kêu gọi học sinh, giáo viên, phụ huynh thực hiện phong trào chống rác thải nhựa bằng nhiều hoạt động thiết thực, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chung tay hạn chế rác thải nhựa.
Để lan tỏa phong trào phòng, chống rác thải nhựa trong trường học, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP Hạ Long) đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa tới tất cả giáo viên và toàn thể học sinh thông qua các buổi chào cờ, các tiết học. Nâng cao ý thức cho các em trong việc biến rác thải nhựa thành những vật dụng có ích phục vụ nhu cầu học tập.
Em Phạm Thái Hiền, lớp 4A2 Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, cho biết: Sau các buổi chào cờ hoặc sinh hoạt ngoại khóa, chúng em được hiểu rõ hơn về tác hại lớn của rác thải nhựa đối với môi trường và cuộc sống hằng ngày của con người. Em đã biết cách xử lý đối với các đồ dụng nhựa, đồ dùng một lần trong sinh hoạt hằng ngày. Sau khi tham gia các chương trình em sẽ tuyên truyền cho mọi người thân làm các đồ dùng trong gia đình bằng các loại rác thải nhựa để môi trường xanh - sạch - đẹp hơn”.
Rất nhiều trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã và đang hướng tới xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp bằng cách tận dụng những rác thải nhựa có thể tái sử dụng. Những vật dụng như lốp ô tô, chai nhựa, lon bia hay lon sữa… đều được cô trò tận dụng làm đồ chơi, đồ dùng học tập. Điều này không chỉ tiết kiệm về kinh tế mà còn bảo vệ môi trường xanh.
Cô giáo Lê Thị Liên, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Cao Xanh (TP Hạ Long) cho biết: “80% đồ dùng, đồ chơi của nhà trường được các giáo viên làm từ sản phẩm nhựa có thể tái chế, điều này tiết kiệm rất nhiều về kinh phí mua sắm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, thêm nữa hạn chế nhiều các rác thải nhựa ra môi trường. Không chỉ đồ dùng, đồ chơi, mà các bồn hoa xung quanh nhà trường cũng được tạo ra bằng những lốp xe đã bỏ đi... Tập thể cán bộ giáo viên của nhà trường luôn nêu cao tinh thần “Nói không với rác thải nhựa” để bảo vệ môi trường”.
Cùng với các trường trong toàn tỉnh, tại vùng cao Ba Chẽ, phong trào “Nói không với rác thải nhựa” cũng được giáo viên và học sinh hưởng ứng nhiệt tình, với cách làm đầy sáng tạo. Tại Trường PTDT bán trú TH&THCS Đồn Đạc 2, phong trào chống rác thải nhựa được quan tâm thực hiện. Ngoài nói không với việc sử dụng chai nhựa, ly nhựa, nhà trường tích cực tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa vào các buổi chào cờ, ngoại khóa, các buổi sinh hoạt lớp, các tiết học. Đồng thời, tổ chức phong trào “Vườn hoa em chăm” để hình thành cho các em ý thức tham gia gìn giữ vệ sinh, bảo vệ môi trường.
Cuối năm học 2021-2022, nhà trường đặt thùng rác 3 ngăn trong sân trường để các em tự phân loại rác thải nhựa, rác thải tái chế và giấy, báo cũ. Các loại rác thải tái chế được thu gom bán gây quỹ mua quà tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường. Cô giáo Tô Thị Huyền, Phó hiệu trưởng Trường PTDT bán trú TH&THCS Đồn Đạc 2, cho biết: “Dẫu biết rằng việc thay đổi tư duy, cách nhìn nhận của người dân vùng cao là không thể thực hiện trong một sớm một chiều, tuy nhiên, với việc nhà trường quy định thực hiện bảo vệ môi trường hàng ngày đối với tất cả học sinh và giáo viên, đã dần hình thành thói quen tốt, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, phân loại rác trước khi vứt, trồng cây xanh bảo vệ môi trường".
Qua nhiều năm triển khai phong trào chống rác thải nhựa, nhiều hoạt động thiết thực đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, các trường học trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều mô hình hay hơn nữa, từ đó nhân rộng các mô hình chống rác thải nhựa hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên và học sinh về tác hại của rác thải nhựa, cũng như dần hình thành thói quen sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()