Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 16:36 (GMT +7)
Lãng phí nguy hiểm không kém tham nhũng
Thứ 4, 19/06/2013 | 04:47:52 [GMT +7] A A
Hôm qua 18-6, Quốc hội thảo luận Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Thực tế hiện nay tình hình lãng phí nguy hiểm không kém gì tham nhũng.
Theo luật hiện hành thì “lãng phí” được giải thích là việc quản lý, sử dụng tiền, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên thiên nhiên không hiệu quả. Đối với lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì lãng phí là việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tiền, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên thiên nhiên vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã định.
Lượng tài sản mất đi do lãng phí không hề kém lượng tài sản bị biển thủ do tham nhũng. Thế nhưng việc xử lý đối với lãng phí còn chưa quyết liệt so với tham nhũng, tâm lý trong xã hội vẫn cho lãng phí có gì đó “vô tư”.
Khi nói đến vụ tham nhũng, có thể đặt ngay câu hỏi kẻ nào tham nhũng? Còn khi xảy ra lãng phí thì trước hết chỉ đặt câu hỏi như sao lại để xảy ra lãng phí, nguyên nhân do đâu? Việc xem xét trách nhiệm người đứng đầu chưa “xứng tầm” với hậu quả do lãng phí gây ra.
Phát biểu thảo luận, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị “lãng phí đến mức nghiêm trọng thì phải được xem là chiếm đoạt tài sản công, vì mục đích tư lợi, là tham nhũng và phải truy cứu trách nhiệm hình sự”.
ĐBQH Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) cho rằng: “Lãng phí hiện nay ở nước ta không kém gì với tham nhũng nhưng chế tài, quy trách nhiệm cho người đứng đầu trong luật không chặt chẽ”.
ĐBQH Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cũng chỉ ra những lãng phí có trách nhiệm người đứng đầu: “Các dự án nhà máy, bến cảng, đại học, cao đẳng... đang phát triển theo phong trào, quy mô không gắn với chất lượng, không cân đối cung cầu xã hội và nguồn nhân lực”.
Lãng phí làm hao tổn nguồn lực xã hội, làm chậm sự phát triển của đất nước. Những chính sách ban hành không khả thi, những dự án treo... không chỉ gây lãng phí mà kéo theo nhiều hệ lụy khác. Lãng phí lớn ngân sách từ những công trình vừa làm xong đã phải phá bỏ vì không đúng quy hoạch, từ những công trình vừa làm xong đã hỏng, từ những công trình làm xong nhưng không sử dụng...
Chúng ta dễ dàng kể ra những hình thức lãng phí, vì lãng phí không khó nhận biết. Không chỉ lãng phí tài sản nhà nước, tài nguyên quốc gia mới bị lên án, mà chúng ta phải đấu tranh với tất cả các hành vi lãng phí trong xã hội.
Nguyên Đan
Liên kết website
Ý kiến ()