Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 05/01/2025 00:09 (GMT +7)
Bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động
Thứ 3, 25/08/2015 | 09:42:02 [GMT +7] A A
Theo Luật Công đoàn Việt Nam và Quyết định số 217 của Bộ Chính trị thì giám sát, phản biện là một trong những chức năng của tổ chức công đoàn, qua đó để công đoàn có cơ sở pháp lý thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người lao động (NLĐ).
Các cán bộ công đoàn tham gia góp ý kiến tại hội thảo nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế giám sát, phản biện xã hội các cấp công đoàn Quảng Ninh ngày 29-6, tại LĐLĐ tỉnh. |
Vẫn còn nhiều hạn chế
Thực hiện Luật Công đoàn và Quyết định 217 của Bộ Chính trị, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng chương trình giám sát, phản biện và chỉ đạo các cấp công đoàn xây dựng chương trình giám sát, phản biện ở cấp mình. Hàng năm LĐLĐ tỉnh đã tham gia từ 12-25 văn bản góp ý kiến bổ sung, sửa đổi về các văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Đặc biệt là việc tham gia góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH; phối hợp với UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn về thực hiện QCDC cơ sở; phối hợp giải quyết và tham gia giải quyết nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền lợi NLĐ; phối hợp từ 30-45 đoàn giám sát và đoàn tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về lao động, công đoàn, BHXH và QCDC ở cơ sở nhằm phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ, bước đầu đạt kết quả tốt. Hoạt động giám sát của ban thanh tra nhân dân tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước ngày càng phát huy tác dụng; số lượng và chất lượng các hội nghị CBCC, hội nghị NLĐ ngày càng tăng, tránh hình thức… Các kết quả đó đã góp phần giúp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, phát triển sản xuất kinh doanh, chăm lo tốt hơn đời sống CNVC-LĐ, phát huy quyền làm chủ của CNVC-LĐ, xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ, không xảy ra những “điểm nóng” tranh chấp lao động, đơn thư phức tạp kéo dài, đồng thời khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn trong xã hội.
Điều 1 Luật Công đoàn Việt Nam đã quy định: “... Công đoàn cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp...”. Ngày 12-12-2013, Bộ Chính trị cũng có quyết định số 217 về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đây chính là những cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình đã được pháp luật quy định, từ đó giám sát, có ý kiến các chủ trương, chính sách chưa hoàn thiện từ cấp Trung ương, địa phương đến các đơn vị, doanh nghiệp nhằm thực hiện các chế độ chính sách liên quan đến NLĐ... |
Mặc dù đạt một số kết quả, nhưng công tác giám sát của công đoàn vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Vấn đề phản biện xã hội đã có chủ trương của Đảng, hướng dẫn triển khai của Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhưng vẫn chưa có cơ chế rõ ràng, cụ thể, phân định rõ trách nhiệm của các cấp, đặc biệt là kế hoạch phản biện và nguồn kinh phí dành cho hoạt động này, do vậy việc tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn. Nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền và cơ quan nhà nước các cấp về vai trò, tác dụng giám sát và phản biện xã hội của Công đoàn chưa đầy đủ, đúng đắn. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội thời gian qua mới chỉ dừng lại ở việc động viên công đoàn thực hiện quyền kiểm tra, giám sát, tham gia hoạt động kiểm tra, giám sát với các cơ quan có thẩm quyền, tổng hợp ý kiến CNVC-LĐ kiến nghị với cơ quan Nhà nước xử lý. Cho nên cũng có nhiều ý kiến, kiến nghị không được trả lời và áp dụng, không có quy định rõ ràng về xử lý vấn đề này như thế nào. Như các vi phạm pháp luật về lao động, vấn đề nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN lên hàng trăm tỷ đồng, không trích nộp kinh phí công đoàn… đã được nhiều lần nhắc đến, nhưng việc sửa đổi bổ sung, và đưa ra các giải pháp thực thi pháp luật về vấn đề này còn rất hạn chế.
Ông Đỗ Văn Khánh, Giám đốc Trung tâm TVPL và Huấn luyện ATLĐ Công đoàn dẫn chứng: “Điển hình là Chi nhánh Công ty TNHH Sao Vàng Uông Bí nhiều năm xảy ra đình công, nhưng gần như không thực hiện việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cho NLĐ, không trích nộp kinh phí công đoàn theo quy định… nhưng vẫn không bị xử lý và vẫn hoạt động bình thường, quyền lợi NLĐ bị vi phạm. Rất nhiều ý kiến tham gia từ cơ sở còn sơ sài, chung chung, thậm chí tham gia cho xong việc”.
Hơn nữa, việc thực hiện QCDC cơ sở ở một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn hình thức, chưa đúng trình tự nội dung quy định pháp luật và phát huy vai trò dân chủ trong CNVC-LĐ; việc chỉ đạo, hướng dẫn của công đoàn các cấp với hoạt động của các ban thanh tra nhân dân nhiều nơi còn hình thức. Việc tiếp nhận và xử lý đơn thư kiến nghị, KNTC của NLĐ một số nơi còn bị đùn đẩy, chỉ giải quyết phần ngọn mà chưa làm rõ và giải quyết từ gốc của vấn đề... Vì lẽ đó, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của các cấp công đoàn mới chỉ dừng ở mức độ giao việc cho cán bộ phụ trách hoặc nhóm cán bộ nghiên cứu tham gia.
Đâu là giải pháp?
Để nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội của công đoàn, theo ông Đỗ Văn Khánh, Giám đốc Trung tâm TVPL và Huấn luyện ATLĐ, các cấp công đoàn cần quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, để cán bộ, CNVC-LĐ hiểu đúng về vai trò, ý nghĩa, mục đích, tính chất của giám sát và phản biện xã hội của công đoàn. Làm rõ thế nào là giám sát, thế nào là phản biện xã hội của công đoàn trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng đơn vị cơ sở…
Bên cạnh đó, công đoàn các cấp cần phát huy tốt các hình thức tham gia phản biện xã hội đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phát triển đơn vị, doanh nghiệp. Công đoàn cấp trên cơ sở chủ động phối hợp với chính quyền, ngành chức năng đồng cấp tổ chức các hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội, quan tâm hướng về cơ sở, đổi mới phương thức hoạt động của ban thanh tra nhân dân và BCH công đoàn các cấp.
Đặc biệt, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, khảo sát có sự tham gia của công đoàn đến các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về lao động, công đoàn, BHXH và QCDC cơ sở; có chế tài, biện pháp hành chính kiên quyết để tránh các hiện tượng cố tình vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực thi pháp luật. Các cấp công đoàn cần xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch cụ thể về giám sát và phản biện xã hội, dự toán rõ nguồn kinh phí thực hiện và phân công trách nhiệm cho cá nhân phụ trách làm đầu mối có tính chất chuyên nghiệp. Định kỳ hằng năm, LĐLĐ tỉnh phải tổ chức kiểm tra công đoàn cấp dưới việc tổ chức thực hiện Quy chế theo 217- QĐ/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 726 của Tổng LĐLĐ Việt Nam, cũng như kế hoạch giám sát phản biện xã hội của LĐLĐ tỉnh.
Cũng trên cơ sở đó, ông Đặng Văn Chính, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra (LĐLĐ tỉnh) cho rằng: Cần nâng cao trình độ cán bộ CĐCS, các cán bộ CĐCS cần thường xuyên cập nhật các chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước, chính sách của địa phương, doanh nghiệp để có cơ sở giám sát. Đồng thời, đưa nội dung giám sát, phản biện trở thành hoạt động chính của công đoàn để đánh giá thi đua.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()