Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 02:58 (GMT +7)
Lao động tự do sẽ được hỗ trợ như thế nào từ gói 26.000 tỷ đồng?
Thứ 5, 15/07/2021 | 14:54:24 [GMT +7] A A
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 về hỗ trợ lao động, doanh nghiệp khó khăn do đại dịch COVID-19, nhóm đối tượng lao động tự do đang được các tỉnh, thành lập kế hoạch hỗ trợ tùy theo tình hình thực tế địa phương.
Trong gói hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ có 12 chính sách. Trong đó chính sách thứ 12 của Nghị quyết 68 xác định: “Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác: Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương”.
Như vậy, nhóm đối tượng lao động tự do sẽ do các tỉnh thành căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương để có chính sách hỗ trợ cụ thể.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho rằng: “Đây là nhóm bị ảnh hưởng nhất do dịch COVID-19 bởi công việc không ổn định, thiếu tích lũy nên cần hỗ trợ nhất. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm đối tượng khó triển khai nhất khi di chuyển thường xuyên”.
“Có lần tôi đi kiểm tra thực tế tại Hà Đông (Hà Nội), theo phản ánh, có những đối tượng lao động tự do, cán bộ dân phố phải đi xác minh đến gần 10 lần mới xong vì đến không có nhà”, ông Đào Ngọc Dung cho biết.
Do đó, với nhóm đối tượng lao động tự do, rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng năm 2020, việc xin xác nhận thủ tục hành chính tại địa phương rất phức tạp. Vì vậy, gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 với nhóm lao động tự do, việc hỗ trợ giao cho địa phương căn cứ vào thực tế địa bàn xác định đối tượng hỗ trợ. Bộ LĐTBXH chỉ ra mức sàn hỗ trợ tối thiểu,
Theo các chuyên gia về an sinh xã hội, với nhóm lao động tự do thì khó nhất với các địa phương là xác định được tiêu chí hỗ trợ và thông tin về người được hỗ trợ chính xác. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ này từ ngân sách địa phương nên theo quy trình, Sở LĐTBXH địa phương tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND để bố trí nguồn ngân sách.
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu cả nước trong công tác hỗ trợ lao động tự do. Chủ yếu là xe ôm truyền thống, bán vé số dạo, buôn gánh bán bưng, thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa...
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTBXH TP Hồ Chí Minh cho biết: HĐND Thành phố ngày 25/6 đã thông qua gói an sinh hỗ trợ người dân gặp khó vì đại dịch COVID-19 với tổng kinh phí 886 tỷ đồng để hỗ trợ 6 nhóm đối tượng, trong đó có 230.000 lao động tự do. Đến ngày 13/7, đã có 46% lao động tự do được nhận mức hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày trong thời gian 30 ngày trong thời gian từ 31/5 đến 29/6. TP Hồ Chí Minh cũng tiếp tục có chính sách hỗ trợ lao động tự do trong 2 tuần thành phố thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19 với mức 50.000 đồng/người/ngày, trong 15 ngày. TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành công tác hỗ trợ lao động tự do trong ngày 15/7.
Trong khi đó, bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết: Sở đã lập các tổ công tác tham mưu cho thành phố; các cấp nghiên cứu hướng dẫn thủ tục; lập đường dây nóng tiếp nhận ý kiến phản ánh của người lao động. Sở LĐTBXH đã hoàn thiện dự thảo lần đầu, đang xin ý kiến để hoàn thiện và trình UBND thành phố ban hành. Trong tháng 7, Sở LĐTBXH Hà Nội sẽ hoàn thiện quy trình để triển khai chính sách hỗ trợ các nhóm thụ hưởng.
Tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành quyết định hỗ trợ, trong đó có nhiều chính sách cụ thể cho lao động tự do. Tỉnh Đồng Nai dự kiến dành khoảng 45 tỷ đồng hỗ trợ 30.000 lao động tự do, với mức 1,5 triệu đồng/người và thực hiện chi trả một lần. Theo đó, diện lao động tự do được hỗ trợ gồm: Người thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa; xe ôm, xe công nghệ hai bánh; người bán lẻ vé số lưu động, bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; lao động giúp việc gia đình…
Còn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến trên 125.000 nguời được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 345 tỷ đồng. Với nhóm lao động tự do, tỉnh xác định mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/ngườii, nếu tiếp tục mất việc được thêm 1 triệu, song không quá 3,5 triệu đồng. Tỉnh cũng hỗ trợ cho 3.500 người bán vé số với mức 750.000 đồng mỗi người, tổng kinh phí 3,2 tỷ đồng từ nguồn của công ty xổ số kiến thiết tỉnh. Ngày 15/7, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai chính sách hỗ trợ này trên toàn địa bàn.
Một số tỉnh thành khác như Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Đà Nẵng cũng đã có kế hoạch hỗ trợ nhóm đối tượng lao động tự do.
Từ thống kê, báo cáo của các tỉnh thành về triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68, Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đánh giá nỗ lực của TP Hồ Chí Minh khi khẩn trương hỗ trợ kịp thời người lao động, doanh nghiệp. Trong khi đó, Hà Nội triển khai chậm khi đề nghị có hướng dẫn chi tiết hơn.
"Tinh thần không ban hành thêm thủ tục văn bản nữa, Hà Nội cần chủ động triển khai luôn, nhất là cho nhóm lao động tự do. Ngành LĐTBXH Hà Nội cần bám sát thực tế và quyết liệt hơn, trong bối cảnh Hà Nội đã hai lần tạm dừng nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong vòng một tháng qua”, ông Đào Ngọc Dung chỉ đạo.
Gói an sinh xã hội triển khai năm 2020 với 62.000 tỷ đồng đã hỗ trợ được hơn 1 triệu lao động tự do với hơn 1.000 tỷ đồng. Nhóm này chủ yếu là bán hàng rong, xe ôm truyền thống, bán vé số, lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ, đặc trưng không có hợp đồng, không hưởng lương cố định, không tham gia BHXH bắt buộc. Theo ước tính, tao động phi chính thức tại Việt Nam khoảng 20 triệu người, chiếm khoảng 58% lực lượng lao động.
Theo Báo Tin tức
Liên kết website
Ý kiến ()