Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 05/01/2025 14:15 (GMT +7)
Lễ hội Tiên Công - Lễ hội "rước người" độc đáo ở Hà Nam
Thứ 3, 21/01/2020 | 10:02:58 [GMT +7] A A
Lễ hội Tiên Công vùng đảo Hà Nam (TX Quảng Yên) đã được nhân dân bảo tồn và phát huy giá trị hơn 300 năm nay. Năm 2017, Lễ hội Tiên Công được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc tổ chức lễ hội hằng năm đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của Quảng Yên.
Miếu Tiên Công - nơi diễn ra lễ hội Tiên Công. |
Một mùa xuân nữa lại về trên quê hương Hà Nam, Quảng Yên. Lễ hội Tiên Công được tổ chức bắt đầu từ mùng 4 đến mùng 7 tháng giêng.
Không gian lễ hội diễn ra ở các phường Phong Cốc, Phong Hải, Yên Hải và xã Cẩm La. Trung tâm lễ hội tại di tích miếu Tiên Công (xã Cẩm La) và ở các từ đường dòng họ tiên công, đã được xếp hạng di tích quốc gia. Gắn với lịch sử hình thành khu đảo Hà Nam là lịch sử các tiên công - những người có công đầu tiên quai đê lấn biển, lập làng.
Một cụ thượng được con cháu rước kiệu võng đào lên miếu Tiên Công. |
Theo bia ký, gia phả, khoảng từ năm 1434 đến 1500, có 17 tiên công quê ở phường Kim Hoa (nay là phường Kim Liên), huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, thành Thăng Long (Hà Nội) cùng gia đình xuôi theo dòng sông Hồng ra cửa sông Bạch Đằng tìm kế mưu sinh. Lúc đầu họ sinh sống trên thuyền bằng nghề đánh bắt tôm cá, dãi chài. Vào một đêm, họ lên trú ở một gò nổi của bãi triều, nghe thấy tiếng ếch nhái kêu, biết nơi này có nước ngọt, các tiên công đã cùng gia đình bèn quyết định dừng lại ở bãi triều này khẩn hoang đất đai, cải tạo thành ruộng lúa, lập làng. Ban đầu lập nên phường Bồng Lưu, sau đổi thành xã Phong Lưu gồm ba thôn: Phong Cốc, Cẩm La, Yên Đông. Hiện nay, cách di tích miếu Tiên Công chừng 1.000m về phía Tây vẫn còn dấu tích của hồ nước ngọt xưa, nhân dân gọi là “Hồ Mạch”…
Để tưởng nhớ công ơn các tiên công, nhân dân toàn xã Phong Lưu, đảo Hà Nam đã lập miếu ở thôn Cẩm La để thờ 17 tiên công gồm: Vũ Song, Vũ Hồng Tiệm, Bùi Huy Ngoạn, Ngô Bách Đoan, Nguyễn Phúc Cốc, Nguyễn Phúc Thắng, Nguyễn Phúc Vinh, Lê Khép, Lê Mở, Vũ Tam Tỉnh, Vũ Giai, Nguyễn Nghệ, Nguyễn Thực, Bùi Bách Niên, Phạm Việt, Dương Quang Tín, Dương Quang Tấn là những người đầu tiên quai đê lấn biển lập nên ba thôn: Phong Cốc, Cẩm La, Yên Đông và hai tiên công Hoàng Nông, Hoàng Nênh quê ở Trà Lý (Nam Định) là những tiên công đã khai canh lập nên làng Trung Bản, sau sáp nhập vào xã Phong Lưu thành nhất xã, tứ thôn. Miếu Thập cửu Tiên Công từ đó đến nay, trở thành điểm du lịch tâm linh và là trung tâm tổ chức lễ hội.
Hình tượng con Long Mã – biểu trưng sức mạnh thần biển trong Lễ hội Tiên Công. |
Mở đầu Lễ hội Tiên Công là lễ “Ra cỗ họ” hay còn gọi là “Lễ tế Tổ” được các dòng họ Tiên Công tổ chức vào ngày mùng 4 tháng giêng âm lịch hằng năm, đây là nghi lễ lớn nhất ở các từ đường thờ tiên công trong năm. Ngày mùng 4 tháng giêng, gia đình cụ thượng có lễ vật đến từ đường họ nội và họ ngoại để kính cáo với tiên công và tổ tiên đã ban phúc ấm cho cụ thượng được lên chiếu thọ. Đồng thời, kính báo cho hội đồng gia tộc năm nay cụ được thượng thọ và mời hội đồng gia tộc đến nhà dự lễ mừng thọ. Lễ “Ra cỗ họ” là lễ cầu mong tiên công và tổ tiên phù hộ cho cháu, con một năm mới an khang thịnh vượng; vừa là lễ cúng tiễn tiên công, tổ tiên ở từ đường họ theo thuần phong mỹ tục của người dân địa phương và cũng là ngày hội của dòng họ.
Ngày mùng 5 tháng giêng, con cháu trong gia đình có cha mẹ thượng thọ chuẩn bị trang trí khuôn viên gia đình theo nghi lễ truyền thống mừng thọ; chuẩn bị trang phục áo gấm, khăn thêu chữ thọ, gậy thọ cho cha mẹ, chuẩn bị bàn ghế, cỗ bàn để ngày hôm sau, mùng 6 tháng giêng làm lễ mừng thọ cho cụ thượng tại gia đình như một ngày hội đoàn tụ.
Ngày mùng 6 tháng giêng, các gia đình không tổ chức đoàn rước cụ thượng về miếu Tiên Công lễ tổ thì tổ chức đoàn chỉ đội lễ đưa cụ thượng lên miếu lễ tổ, truy ơn tiên công. Những gia đình có cha mẹ thượng thọ có điều kiện sẽ cùng dòng họ và làng xóm tổ chức đoàn rước cụ thượng bằng võng đào về miếu Tiên Công lễ tổ, gọi là nghi lễ “Rước thọ” “Rước người” cùng với công tác chuẩn bị lễ vật và các đồ nghi trượng, trang phục, đội nhạc lễ, kiệu võng đào cho đoàn rước được chuẩn bị từ hàng tháng trước khi diễn ra lễ hội.
Lễ hội Tiên Công đông vui và rực rỡ nhất là ngày chính hội (mùng 7 tháng giêng) với nghi lễ “Rước người” độc đáo nhất trong cả nước, thể hiện sự ngưỡng vọng, tôn vinh các tiên công, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng cửa biển Bạch Đằng.
Quang cảnh một đoàn rước cụ thượng lên miếu Tiên Công. |
Ngoài phần lễ độc đáo, phần hội cũng vô cùng phong phú và đặc sắc với nhiều hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian: Chơi đu, chọi gà, cờ người, tổ tôm điếm, hát đúm, đấu vật, đắp đê… Trong đó, đặc biệt là nghi thức cụ thượng đắp đê và đấu vật mở đầu cho lễ hội. Ngày xưa, khi các cụ thượng lễ tiên công xong, hàng xã mời hai cụ thượng còn khoẻ ra trước cửa miếu tiên công làm nghi lễ đắp đê. Dân làng đã đắp sẵn một con đê nhỏ tượng trưng ở trước cửa miếu Tiên Công. Chuẩn bị những hòn đất đã được xẻ vuông vắn để các cụ thượng đắp lên con đê. Nghi lễ này còn gọi là lễ động thổ. Sau nghi lễ này, các gia đình, làng xã mới được đào mương, bồi trúc đê điều, cày cấy. Trước đây, những gia đình có người mất vào những ngày Tết cũng phải chờ qua lễ động thổ này mới được tổ chức lễ tang và đào huyệt. Nếu ai vi phạm, trong năm đó các làng, xã xảy ra việc gì, thì hàng tổng sẽ bắt phạt vạ.
Sau nghi lễ động thổ, các cụ thượng tiếp tục thực hiện nghi thức đấu vật. Hai cụ thượng chỉ làm động tác quấn chỉ đi mấy vòng rồi ôm nhau quay một hai vòng, cụ nào khoẻ nhấc bổng cụ thượng kia lên khỏi mặt đất là cụ ấy thắng cuộc. Nghi lễ đắp đê và đấu vật của cụ thượng mang ý nghĩa nhắc nhở, giáo dục con cháu rèn luyện sức khỏe, đắp đê, làm thủy lợi, chống chọi với mưa bão, triều dâng bảo vệ xóm làng và từ đường hương hỏa của tổ tiên.
Đến giờ ngọ ngày chính hội, đoàn tế đại diện Tứ xã tổ chức “Tế giã”, kết thúc lễ hội. Mọi người ra về, hẹn mùa hội năm sau...
Lễ hội Tiên Công với những nét đặc sắc, độc đáo trong cả phần lễ và phần hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng động, sinh hoạt tâm linh, giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân dịp đầu xuân, đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể có sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng nhân dân và du khách.
Ngô Đình Dũng (Phòng Văn hóa - Thông tin Quảng Yên)
Liên kết website
Ý kiến ()