Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:53 (GMT +7)
Lễ trừ tịch và chuyện bàn giao cũ, mới trong đêm Giao thừa
Thứ 7, 21/01/2023 | 19:28:20 [GMT +7] A A
Theo Phan Kế Bính, tục ta tin rằng mỗi năm có một ông Hành khiển, coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao cho thần kia, cho nên cúng tế để đưa tiễn ông cũ đón ông mới.
Tết là một chuỗi nghi lễ, bao gồm các nghi lễ kết thúc năm cũ gọi là chung niên (hết năm, cuối năm) và các lễ đón mừng tân niên. Một trong những nghi thức quan trọng thực hiện đồng thời cả hai nghi lễ trên chính là lễ trừ tịch được cử hành đúng vào đêm Giao thừa.
Lễ trừ tịch, đêm giao thừa
Theo cuốn Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, tục ta tin rằng mỗi năm có một ông Hành khiển, coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao cho thần kia, cho nên cúng tế để đưa tiễn ông cũ đón ông mới.
Còn trong cuốn Đất lề quê thói, tác giả Nhất Thanh cho biết, trừ là trao lại chức quan, tịch là ban đêm. Lễ trừ tịch được cử hành vào đêm Giao thừa, là lúc cũ mới giao tiếp. Hết giờ Hợi sang giờ Tý vào lúc nửa đêm, là bắt đầu sang ngày khác âm lịch. Người ta làm làm lễ trừ tịch tiễn vị thần năm cũ, đón vị thần năm mới, cũ giao lại công việc.
Cũng giống như Phan Kế Bính, tác giả Nhất Thanh cho rằng tục ta tin rằng mỗi năm có một vị thần Hành khiển coi việc nhân gian, mỗi vị có một tên riêng với vương hiệu, và cũng gọi là Đương niên chi thần. Mỗi vị Hành khiển có một vị phụ tá là Phán quan. Có 12 vị Hành khiển luân phiên kể từ năm Tý đến năm Hợi, hết một lượt 12 năm lại trở về năm Tý với vị trí Hành khiển của năm ấy.
Tác giả cũng cho biết, Hành khiển có ông thiện ông ác. Có năm trời ra tai hạn hán lụt lội mất mùa đói kém, hay dịch tễ chết hại là do sớ tấu của hành khiển, trừng phạt vua quan không có nhân chính hay ăn ở càn rỡ.
Trong cuốn Khảo luận về Tết, bên cạnh cách giải thích về lễ trừ tịch giống hai tác giả trên trên, tác giả Huỳnh Ngọc Trảng cho rằng trừ tịch còn là trừ tiệt cái cũ với hoạt động trừ khử điều xấu, tà mà quỷ mị. Nói cách khác trừ tịch còn được hiểu là trừ khử cái xấu cũ đón cái mới tốt.
Về 12 vị thần cai quản 12 năm, tác giả Huỳnh Ngọc Trảng gọi tên là Hành khiển - Hành binh. Theo tác giả Hành khiển là quan văn, còn Hành binh là quan võ. Hai vị này luân phiên thay mặt Ngọc hoàng thượng đế trông coi mọi việc ở thế gian. Còn Phán quan thì lo việc ghi chép công tội của mọi người, mọi gia đình, cộng đồng thôn xã…
Về danh sách 12 vị thần Hành binh, Hành khiển và Phán quan gồm có:
Năm Tý: Chu vương Hành khiển, Thiên Ôn Hành binh chi thần, Lý Tào Phán quan.
Năm Sửu: Triệu Vương Hành khiển, Tam Thập lục thương Hành binh chi thần, Khúc Tào Phán quan.
Năm Dần: Ngụy Vương Hành khiển, Mộc Tinh Hành binh chi thần, Tiêu Tào Phán quan.
Năm Mão: Trịnh Vương Hành khiển, Thạch Tinh Hành binh chi thần, Liễu Tào Phán quan.
Năm Thìn: Sở Vương Hành khiển, Hỏa Tinh Hành binh chi thần, Biểu Tào Phán quan.
Năm Tỵ: Ngô Vương Hành khiển, Thiên Hao Hành binh chi thần, Hứa Tào phán quan.
Năm Ngọ: Tần Vương Hành khiển, Thiên Mao Hành binh chi thần, Ngọc Tào Phán quan.
Năm Mùi: Tống Vương Hành khiển, Ngũ Đạo Hành binh chi thần, Lâm Tào phán quan.
Năm Thân: Tề Vương Hành khiển, Ngũ Miếu Hành binh chi thần, Tống Tào phán quan.
Năm Dậu: Lỗ Vương Hành khiển, Ngũ Nhạc Hành binh chi thần, Cự Tào Phán quan.
Năm Hợi: Lưu Vương Hành khiển, Ngũ Ôn Hành binh chi thần, Nguyễn Tào Phán quan.
Nguồn gốc Hành khiển - Hành binh
Về việc cúng Giao thừa, sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính cho biết nửa đêm 30 tháng Chạp, rạng sáng ngày mùng 1 tháng Giêng, ở thành phố nhà nào cũng bày hương án ra giữa sân để cúng Giao thừa. Ở thôn quê thì các xóm tế giao thừa tại nơi điếm sở.
Còn trong sách Đất lề quê thói, tác giả Nhất Thanh cho biết lễ trừ tịch tiễn và đón các vị Hành khiển Phán quan, đồng thời cúng cả Bản cảnh Thành hoàng và Thổ địa Thần kỳ. Lễ này do thôn xã thực hiện, tư gia không làm riêng.
Còn sách Khảo luận về Tết, tác giả Huỳnh Ngọc Trảng cho biết việc đón Hành khiển - Hành binh mới gắn liền với việc đón thần, đón phật.
Trong lời văn lễ cúng giao thừa cho thấy đối tượng cung thỉnh rất đông đảo, bao quát “Chín phương trời, mười phương chư phật”, trong đó chư thần, ngoài đối tượng chính là Thái Tuế tôn thần, Bản cảnh Thành Hoàng, Thổ địa, Thần Ngũ Phương Ngũ Thổ, Long Mạch Thần Tài, Bản gia Táo Quân và Chư vị thần linh bản xứ.
Cũng theo tác giả Huỳnh Ngọc Trảng, Thái Tuế là tên gọi của vị thần cai trị mỗi năm của Đạo Giáo: Trị Niên Thái Tuế. Tín ngưỡng này gốc từ việc sùng bái các vì sao thời cổ của người Trung Quốc.
Trong khoa thiên văn, sao Thái Tuế là sao Mộc / Mộc tinh trên bầu trời. Chu kỳ của sao Mộc quay quanh mặt trời là 12 năm nên sao Mộc còn được gọi là Tuế tinh, sau phát triển thành Thái Tuế tinh quân hay Tuế quân, Thái Tuế tôn thần.
Do là Tuế tinh/sao của năm nên được thế nhân tôn thành 12 thần Hành khiển: “Hành khiển thập nhị chư thần”. Nói cách khác tập hợp mười hai vị thần Hành khiển - Hành binh chính là thần Thái Tuế, gốc từ tín ngưỡng sùng bái tinh tú, cụ thể là Mộc tinh (sao Mộc).
Theo đó mà tục cúng Hành khiển - Hành binh hàng năm vào lúc giao thừa được thực hành phổ biến thay cho việc cúng thần / sao Thái Tuế hàng năm của từng cá nhân tại tư gia hay tại các đền miếu có thờ thần Thái Tuế.
Nói chung, từ tín niệm và tín ngưỡng thờ cúng Thái Tuế (để cầu sự bảo hộ hay sự hóa giải vận hạn cá nhân) đến việc cúng thần Hành khiển - Hành binh vào đêm giao thừa là một biến thể riêng của tập tục tế tự đầu năm của người Việt.
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()