Tất cả chuyên mục

Để mục sở thị hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, chúng tôi đến khu giết mổ tập trung tại phường Hà Khánh (TP Hạ Long). 3 giờ, ngày 28-9, từ tỉnh lộ 337 men theo con đường chằng chịt ổ gà dẫn vào khu giết mổ, lúc này ở đây đã rực sáng ánh điện, âm thanh hỗn tạp bởi tiếng lợn kêu hòa lẫn tiếng người. Tại đây có 5 cơ sở giết mổ lợn, mỗi ngày cung cấp chừng 5-7 tấn thịt lợn cho các chợ trung tâm, nhà hàng trên địa bàn TP Hạ Long, Hoành Bồ... Trời còn tối đen nhưng đã có hàng chục chiếc ô tô, xe máy tới để chờ vận chuyển thịt lợn ra thị trường. Bước vào lò mổ lợn của bà Trần Thị Hà, vừa tiến đến cổng chúng tôi đã thấy mùi hôi thối bốc lên nồng nặc xung quanh. Lò mổ này, trung bình mỗi ngày “hóa kiếp” từ 50-70 con lợn.
![]() |
Khu giết mổ tập trung phường Hà Khánh (TP Hạ Long). |
Theo quan sát, điểm giết mổ này rất tạm bợ, diện tích chật chội, các thiết bị xô, chậu dùng để rửa thịt hoen ố, bám đầy phế phẩm; khu vực giết mổ sát với chuồng nuôi nhốt. Chứng kiến cảnh giết mổ lợn thủ công tại đây, chúng tôi ai nấy đều cảm thấy rùng mình, tất cả thợ mổ cởi trần, mặc quần đùi, đeo ủng thi nhau cạo lông, xẻ thịt lợn ngay dưới nền xi măng... nhưng hãi nhất là công đoạn sơ chế phủ tạng. Phủ tạng được lọc lấy những thứ dùng được xối qua nước, những bộ ruột để luôn dưới nền nhớp nháp rất mất vệ sinh. Sau khi giết mổ xong những con lợn để la liệt dưới nền đất, thậm chí ngay cạnh bánh xe tải. Sang các lò mổ khác nằm ngay bên cạnh cũng nhộn nhịp không kém và tình trạng giết mổ mất vệ sinh diễn ra tương tự. Điều đáng nói ở đây, nhiều số lợn sau khi giết mổ không được kiểm dịch nhưng vẫn vận chuyển đi tiêu thụ. Tình trạng mất vệ sinh diễn ra công khai rõ ràng là thế, ấy vậy mà cơ sở nào cũng xuất trình được giấy chứng nhận VSATTP do ngành Thú y cấp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Đức Hách, cán bộ Trạm Thú y TP Hạ Long, cho biết: “Khi chúng tôi đến lăn dấu kiểm dịch nhưng nhiều chủ cơ sở giết mổ không hợp tác, cho rằng người dân không muốn mua miếng thịt có lăn dấu vì khó... tẩy rửa. Tình trạng mất vệ sinh tại các lò mổ diễn ra từ nhiều năm nay do cơ sở hạ tầng xuống cấp, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên UBND thành phố, nhưng đến nay các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn vẫn chưa được nâng cấp sửa chữa”. Được biết, mới đây (13-9), Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) phối hợp với Công an TP Hạ Long đã kiểm tra đột xuất, phát hiện 2 cơ sở giết mổ gia súc tại khu vực này có hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý. Cụ thể, qua kiểm tra 2 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm do ông Đặng Ngọc Nguyên và ông Nguyễn Hữu Viết đều trú tại tổ 31, khu 5, phường Hà Khánh làm chủ, cơ quan công an xác định 2 cơ sở trên không có hệ thống thu gom xử lý nước thải, lượng nước thải phát sinh từ quá trình giết mổ chảy thẳng ra môi trường không qua xử lý có màu đỏ, mùi hôi; toàn bộ công nhân giết mổ không mặc đúng trang phục quy định. Ngoài ra, lò mổ của ông Nguyễn Hữu Viết không xuất trình được bất kỳ giấy tờ, thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động giết mổ theo quy định.
Rời khu vực giết mổ này, chúng tôi bám theo những chiếc xe máy chở thịt lợn không được che đậy, không qua kiểm dịch lao đi vun vút khi trời vừa hửng sáng. Chiếc thì hướng về trung tâm thành phố, chiếc thì đi theo hướng ra cầu Bang để tới các địa phương lân cận mà trong lòng không khỏi trăn trở. Bởi trong khi các cơ quan chức năng nơi đây chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng ô nhiễm, mất vệ sinh từ các lò giết mổ, cũng như vấn nạn thịt lợn không rõ nguồn gốc thì hàng ngày, người dân đang canh cánh nỗi lo bị “đầu độc” bởi thực phẩm bẩn.
Nghĩa Hiếu
Ý kiến (0)