Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 20:54 (GMT +7)
"Lỗ hổng" tài năng
Chủ nhật, 01/09/2013 | 06:57:59 [GMT +7] A A
Trong những ngày cuối tháng 8 vừa qua, tại thành phố Hạ Long đã diễn ra cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo múa toàn quốc khu vực 2 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam và Sở VH-TT&DL tổ chức. Có thể nói, đây là cuộc thi có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội tốt đối với những người trong nghề muốn khẳng định mình! Thế nhưng, mặc dù là “sân nhà” nhưng trong số 25 biên đạo múa trẻ đến từ nhiều tỉnh, thành phía Bắc tham gia cuộc thi này, đáng tiếc là Quảng Ninh lại không có một ai…
Nguyên nhân vì sao “chủ nhà” lại vắng mặt tại một cuộc thi “đáng thi thố” ngay trên “sân nhà” như thế này, thì như ông Phạm Hữu Lượng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ văn hoá (Sở VH-TT&DL), thành viên Ban tổ chức cuộc thi, đã thẳng thắn chia sẻ với phóng viên Báo Quảng Ninh, là do “múa Quảng Ninh chưa đủ tầm, còn là một trong những “lỗ hổng” trong nghệ thuật biểu diễn ở Quảng Ninh”… Hay nói cách khác, Quảng Ninh đang thiếu vắng những biên đạo múa trẻ có tài!
Cũng như vậy, theo thông báo của Ban tổ chức Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 18 (sẽ diễn ra tại thành phố Hạ Long từ ngày 11 đến ngày 15-10-2013), trong số trên 20 bộ phim truyện chiếu rạp, 22 phim tài liệu, 10 phim khoa học và 20 phim hoạt hình đăng ký tham gia Liên hoan mà Ban tổ chức đã nhận được đến thời điểm này, chỉ có 2 phim tài liệu của Hãng phim Tài liệu - Khoa học Trung ương khai thác đề tài Quảng Ninh mà thôi. Và cho dù vẫn còn gần nửa tháng nữa mới “chốt danh sách” phim dự thi, nhưng xem ra các tác phẩm viết về Quảng Ninh, đặc biệt là với thể loại phim truyện, nhiều khả năng sẽ trống vắng... Vì sao cũng trên “sân nhà” mà phim của các tác giả “chủ nhà”, lấy đề tài về cuộc sống, con người trên mảnh đất “nhà mình” lại ít ỏi? Có một nguyên nhân mà chúng tôi từng đề cập; đó là Quảng Ninh hiện đang thiếu vắng những biên kịch phim có tài, nhất là các biên kịch trẻ!
Nếu ai đó cho rằng múa là một bộ môn nghệ thuật “kén người”,cả người sáng tác, biểu diễn cũng như khán giả, nên việc Quảng Ninh, một tỉnh công nghiệp, không phải là “đất dụng võ” của múa cũng phần nào có lý. Nhưng điều đó đâu phải với điện ảnh! Trong xu thế hội nhập hiện nay, là một tỉnh đang “bức phá” trên con đường CNH-HĐH, lẽ ra Quảng Ninh phải là “mảnh đất màu mỡ” cho các nhà biên kịch “cày xới” chứ? Vậy thì vì sao?
Ai cũng biết, sản phẩm của các biên đạo, biên kịch v.v. phụ thuộc rất nhiều vào “đầu ra”... Một kịch bản phim hoàn thành rồi nhưng muốn được “lên sóng” thì phải có người đầu tư. Mà cái sự “được đầu tư” này đôi khi không chỉ phụ thuộc vào chất lượng tác phẩm, nó còn vì nhiều khâu “dích dắc” khác. Và từ đó rất ít người có “máu liều” đi vào những nghề kiểu như biên kịch hay biên đạo múa v.v.. Thôi thì cứ sáng tác... thơ rồi gom lại thành tập này, tập kia để xuất bản là “chắc ăn” nhất. (Thế nên loại “thơ tầm tầm” mới nở rộ nhiều đến vậy)...
Đây là một thực tế trong đời sống văn hoá văn nghệ của Quảng Ninh hiện nay. Nó diễn ra không chỉ với biên đạo, biên kịch, mà cả ở một số bộ môn nghệ thuật khác nữa, như hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc v.v.. Thường thì các tác giả trẻ ít có cơ hội (và vì ít có cơ hội nên cũng không dám dấn thân...) vào những đề tài dài hơi, những đề tài cần có sự đầu tư lớn.
Và điều đó đang ngày càng làm cho những “lỗ hổng” tài năng nghệ thuật tỉnh nhà trở nên đáng lo hơn!
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()