Tất cả chuyên mục

Trung bình mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có khoảng 70 trường hợp cho, nhận con nuôi, nhưng phần lớn những trường hợp này lại tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Riêng với người dân tộc Dao, chuyện cho con đã trở nên quen thuộc đến nỗi, những gia đình cho đi và cả chính quyền, địa phương coi đó như một sự hiển nhiên mà không mảy may nghĩ đến những hệ lụy sau này.
![]() |
Phóng viên Báo Quảng Ninh và bác sĩ Nguyễn Thị Hoan trò chuyện cùng gia đình anh Hà Văn Hữu. |
Từ chuyện ở Ba Chẽ...
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoan, Trưởng Khoa Ngoại Sản, Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ không phải người gốc Ba Chẽ nhưng đã gần chục năm gắn bó với mảnh đất này, đỡ đẻ cho hàng nghìn trường hợp, chị đã chứng kiến không ít cảnh, đứa trẻ vừa sinh ra, chưa được một lần hưởng hơi ấm từ dòng sữa mẹ đã bị cho đi. Chị bảo: Việc cho và nhận là sự tự nguyện của hai gia đình, chúng tôi cũng chỉ biết hướng dẫn bà con làm các thủ tục theo quy định của pháp luật.
Anh Hà Văn Hữu, thôn Nam Hả Trong, xã Nam Sơn là một trong rất nhiều trường hợp cho con ở Ba Chẽ. Ngôi nhà của vợ chồng anh chỉ là vách tre, mái prôximăng. Đồ đạc chẳng có gì ngoài chiếc ti vi cũ và 3 chiếc giường ngủ. Gọi là giường cho “sang” chứ thực ra có tới 2 chiếc giường được ghép bằng những miếng gỗ xẻ nham nhở. Buồng - nơi sinh hoạt của vợ chồng anh chị tối tăm và ẩm thấp với đống quần áo, chăn màn vứt chồng đống. Vợ anh, chị Đặng Thị Bình, dù mới sinh con được hơn một tháng, song đã vắng nhà vì “bận” đi uống rượu tại một đám cưới trong làng. Sở dĩ chị rỗi rãi như vậy vì đứa con gái mới sinh ra hai ngày đã được cho đi. Trong nhà chỉ có đám trẻ lem luốc đang hò nhau chơi đuổi bắt.
* Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số và Kế hoạch hoá gia đình (Sở Y tế): Hôn nhân cận huyết thống là hôn nhân giữa những người có cùng dòng máu trực hệ. Những đứa trẻ được sinh ra từ những ông bố, bà mẹ có hôn nhân cận huyết thống có nguy cơ mắc các bệnh máu cao gấp 10 lần so với những trẻ bình thường khác. Trong số những bệnh này có bệnh tan máu di truyền và rối loạn đông máu di truyền. Nguyên nhân là do những người trong cùng dòng họ có khả năng mang gen bệnh cao hơn bình thường mà bản thân họ không biết mình mang gen bệnh. Do vậy, khi kết hôn cận huyết thống sẽ xảy ra hiện tượng các gen mang bệnh của bố mẹ kết hợp với nhau gây bệnh cho con. Đối với những cặp vợ chồng mang gen bệnh tan máu di truyền sẽ gây bệnh cho tất cả các con ở thế hệ tiếp theo với những dấu hiệu đặc trưng như da xanh xao (do thiếu máu), mũi tẹt, khuôn mặt bị biến dạng, bụng phình to, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị sớm, đúng liệu trình. Còn với bệnh rối loạn đông máu di truyền thì người mẹ mang gen bệnh chỉ truyền cho con trai và con gái mang gen lặn với biểu hiện dễ nhận biết nhất là chảy máu nhiều hơn và lâu hơn bình thường. Cả hai bệnh lý về máu này đều đòi hỏi người bệnh phải điều trị suốt đời để có cuộc sống bình thường. Ngoài những bệnh lý về máu, hôn nhân cận huyết thống còn gây ra một số bệnh lý khác như mù màu, bạch tạng, da vảy cá... làm suy giảm chất lượng giống nòi và gánh nặng cho gia đình, xã hội. |
Nhắc đến chuyện cho con, cả anh Hữu và bà Đặng Thị Tư (mẹ đẻ anh Hữu) đều bình thản, không mảy may tỏ ra tiếc nuối, nhớ nhung. Bà Tư bảo: Tôi có 3 thằng con trai và 1 đứa con gái, tất cả đều đã lấy chồng, lấy vợ. Thằng đầu có 2 trai, 1 gái. Thằng kế nó cũng có 2 con trai. Chỉ có thằng thứ 3 là chưa đẻ được con trai mà chỉ có 3 đứa con gái nên vừa rồi phải cho đi 1 đứa. Dân tộc tôi kiểu gì cũng phải có con trai, sau này già nó còn cho ăn, chăm sóc. Mãi không thấy thằng Hữu đẻ được con trai nên lo lắm.
Vợ chồng anh Hữu có rất ít ruộng cày cấy, số thóc một vụ/năm chỉ đủ ăn trong vòng 1 tháng. Để có tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày, anh thường đi bóc keo thuê. Hôm chúng tôi gặp, trên trán, gần với mi mắt anh vẫn còn vết khâu dài. Đó là hậu quả của việc anh bị gỗ keo đổ vào người. Cũng may không nguy hiểm đến tính mạng.
Anh Hữu kể: Hôm cho con, gia đình nhận nuôi cũng cho chúng tôi 5 triệu đồng để mẹ cháu bồi bổ, giờ chúng tôi tiêu hết rồi. Chúng tôi cũng không biết gia đình nhận nuôi con ở đâu, chỉ biết ở xã Đồn Đạc thôi.
Dẫu gia cảnh khó khăn là vậy, nhưng trò chuyện với chúng tôi, anh Hữu vẫn một mực: Sẽ sinh con tiếp để có bằng được một thằng con trai, nếu là gái lại cho đi. Dù cán bộ y tế, dân số vận động nhiều lần, song sự chuyển biến trong anh chỉ ở chỗ: Để vợ phục hồi sức khoẻ rồi mới đẻ tiếp.
Cho con không chỉ là chuyện của gia đình anh Hữu. Đây cũng không là chuyện mới ở Ba Chẽ. Chị Hoan chia sẻ thêm: Tháng nào, Trung tâm Y tế huyện cũng có từ 3-4 trường hợp cho con khi vừa sinh ra, mà hầu hết đều là người dân tộc Dao. Con số này cũng chưa nói hết được số trẻ bị các gia đình cho đi vì những trường hợp đến sinh con tại Trung tâm chủ yếu là người dân sống ở các xã lân cận như: Nam Sơn, Thanh Lân, Thanh Sơn, Đồn Đạc và thị trấn Ba Chẽ. Còn những xã khác như: Đạp Thanh, Lương Mông, Minh Cầm, bà con sinh đẻ tại trạm y tế xã nên cũng không nắm được hết. Việc xin con nuôi ở đây còn “chuyên nghiệp” đến mức, những gia đình có nhu cầu xin con nuôi thường đến Khoa sản của Trung tâm Y tế huyện để lại địa chỉ, số điện thoại. Khi người nào sinh con có nhu cầu cho đi là được gọi điện, thông báo để họ đến nói chuyện với gia đình muốn cho.
Chị Hoan bảo: Dù vận động các gia đình nên để con lại nuôi, nhưng họ đã quyết cho đi thì kiểu gì cũng làm, không nuôi nữa. Tất cả những trường hợp cho con đều là gia đình dân tộc thiểu số, sinh con một bề, chủ yếu là cho con gái, rất hiếm trường hợp cho con trai.
...Đến những hệ lụy
Một tháng nay, gia đình chị Vi Thị Hoàn, thôn Tân Tiến, xã Đồn Đạc vui hẳn lên. Bởi chị mới nhận một cháu bé về nuôi. Chị kể: Tôi lập gia đình cũng vài năm rồi mà chưa có con. Đợt vừa rồi, em gái tôi sinh con tại Trung tâm Y tế huyện, thấy có gia đình cũng đẻ con tại đó và nói muốn cho con đi nên em gái tôi gọi điện cho tôi. Khi tôi đến đặt vấn đề, họ đồng ý ngay. Ở Ba Chẽ này, chuyện cho, nhận con rất đỗi bình thường. Ngay xã tôi cũng có nhiều nhà cho con đi, chủ yếu là cho con gái.
Thật may mắn là cô công chúa nhỏ có cái tên Thảo My (do chị Hoàn đặt cho con) được cho vào gia đình có điều kiện nên dù phải xa mẹ đẻ khi mới lọt lòng, nhưng bé được mẹ nuôi chăm sóc khá đầy đủ, chu đáo. Chị Hoàn cho biết: Mới ngày đầu chăm sóc con nhỏ, tôi cũng gặp chút khó khăn, song nhờ trạm y tế xã tư vấn nên giờ mọi việc cũng ổn.
Không chỉ cho con vào những gia đình sinh sống trên cùng địa bàn, mà hiện tại, việc cho con ở Ba Chẽ còn ra đến tận Tiên Yên, Đình Lập (Lạng Sơn). Điều đáng nói ở chỗ, nhiều trường hợp cho, nhận con nuôi, song không khai báo với chính quyền địa phương. Theo thống kê của huyện Ba Chẽ, từ năm 2000 đến hết 30-9-2014, toàn huyện có 47 trường hợp đăng ký nuôi con nuôi. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Hương, cán bộ Phòng Tư pháp huyện Ba Chẽ, con số này là số cho, nhận con nuôi có làm các thủ tục đăng ký với chính quyền địa phương. Còn thực tế, do trình độ nhận thức hạn chế, việc cho, nhận con nuôi trở thành thói quen từ nhiều đời nay của vùng đồng bào dân tộc nên nhiều trường hợp không làm thủ tục đăng ký với chính quyền địa phương mà chỉ trao tay nhau. Nhất là thời gian gần đây, trong thủ tục hồ sơ nhận con nuôi yêu cầu phải có phiếu lý lịch tư pháp của người nhận nuôi, mà phiếu này lại thuộc thẩm quyền của tỉnh. Người muốn nhận con nuôi sẽ phải lên tận Sở Tư pháp để xin nên họ rất ngại làm thủ tục, thậm chí bỏ không làm.
Có thể vì những lý do này mà dù ở Khoa sản Trung tâm Y tế huyện cho thấy mỗi tháng có tới 2-3 trường hợp cho con, nhưng thống kê của Phòng Tư pháp huyện trong vòng gần 14 năm chỉ có 47 trường hợp là quá ít so với thực tế.
Cũng tương tự như Ba Chẽ, việc cho, nhận con nuôi còn xảy ra nhiều ở các xã Quảng Đức, Quảng Sơn của huyện Hải Hà; Đồng Sơn, Kỳ Thượng của huyện Hoành Bồ, một số xã của huyện Bình Liêu, Tiên Yên… Nhưng nhiều trường hợp cũng không làm thủ tục giấy tờ cho, nhận bởi theo số liệu thống kê của Sở Tư pháp, năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh chỉ có 107 trường hợp cho, nhận con nuôi.
Theo bác sĩ Hoan, với đồng bào dân tộc thiểu số, họ thường có quan niệm, đã cho con đi thì không bao giờ nhìn mặt nữa và cũng không cần biết gia đình nhận nuôi ở đâu. Vậy liệu có không chuyện sau này xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống? Nhất là bây giờ việc kết hôn ở vùng đồng bào đã chuyển đổi dần thông qua tìm hiểu nhau thay vì cha mẹ đi hỏi vợ như trước. Điều đáng nói nữa là những xã giáp biên giới, liệu có xảy ra tình trạng buôn bán trẻ em thông qua việc cho, nhận con nuôi không có thủ tục giấy tờ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số?
Đây là điều trăn trở trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh mà các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần nghiên cứu tìm biện pháp quản lý một cách hợp tình hợp lý nhất; tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra.
Thu Nguyệt - Cẩm Nang
Ý kiến (0)