Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 07:08 (GMT +7)
Lo ngại về việc sử dụng camera AI giám sát tại Olympics Paris 2024
Thứ 6, 07/04/2023 | 23:16:09 [GMT +7] A A
Giới chức Pháp đã thông qua kế hoạch sử dụng camera giám sát thông minh tích hợp AI như một biện pháp an ninh tạm thời tại Thế vận hội Olympics Paris 2024.
Động thái này vấp phải sự phản đối của những người ủng hộ bảo vệ quyền riêng tư, cho rằng công nghệ này xâm phạm đến người dân, đặc biệt nếu nó vẫn được sử dụng sau khi sự kiện kết thúc.
Tháng trước, quốc hội Pháp thông qua dự luật cho phép các công ty thử nghiệm camera thị giác máy tính tại sân vận động và các trung tâm giao thông để phát hiện những mối đe doạ an ninh trong suốt thời gian diễn ra Olympics. Dự luật có thể được ban hành trong những tháng tới với thời hạn duy trì các camera đến cuối năm 2024.
Phía phản đối lập luận rằng công nghệ thị giác máy tính sử dụng thuật toán phát hiện hành vi hoặc đối tượng đáng ngờ là giám sát xâm lấn khi nó dựa trên đặc điểm cơ thể và gửi cảnh báo đến cơ quan an ninh. Cơ quan quản lý quyền riêng tư của Pháp cho biết, công nghệ này có rủi ro nhưng không nhiều như camera nhận diện khuôn mặt.
Cnil, cơ quan quản lý bảo vệ dữ liệu nói rằng, sẽ có kế hoạch giám sát các công ty thực hiện hợp đồng với chính phủ khi họ thử nghiệm camera thị giác máy tính trong năm nay và Olympics năm sau. Cơ quan chức năng sẽ tư vấn các bên về việc tuân thủ quy tắc về quyền riêng tư cũng như điều tra các hành vi vi phạm tiềm ẩn.
Vào thời gian đầu của đại dịch Covid năm 2020, việc sử dụng công nghệ này đã bị chỉ trích khi cơ quan giao thông công cộng thử nghiệm hệ thống phát hiện mọi người tuân thủ quy định đeo khẩu trang hay không. Cnil đã phải cho dừng thử nghiệm này vì không có luật nào cho phép làm như vậy.
Những người ủng hộ quyền riêng tư lo ngại việc sử dụng camera AI trong Thế vận hội sẽ mở ra cơ hội cho cảnh sát và các tổ chức giám sát khác sau khi sự kiện này kết thúc.
“Olympics là một lý do tuyệt vời để họ chấp nhận công nghệ này”, Noemie Levain, cố vấn pháp lý của La Quadrature du Net, một tổ chức phi lợi nhuận về quyền riêng tư cho biết. Nhóm này cũng nói rằng, dự luật trên biến Pháp thành quốc gia châu Âu đầu tiên hợp pháp hoá giám sát sinh học.
Dù vậy, Bertrand Pailhes, người đứng đầu bộ phận công nghệ và đổi mới tại Cnil cho hay, camera thị giác máy tính không được thiết kế để tự động nhận dạng con người, do đó đây không phải là một hình thức giám sát sinh trắc học.
Theo Vietnamnet
Liên kết website
Ý kiến ()