Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 16:21 (GMT +7)
Lộ trình chuyển đổi số của TKV
Thứ 3, 11/10/2022 | 09:46:30 [GMT +7] A A
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số và năm 2030 sẽ trở thành doanh nghiệp số. Hiện thực hóa mục tiêu này, Tập đoàn đang đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, tận dụng sức mạnh công nghệ số, dữ liệu số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, tạo nên sự thay đổi lớn trong phương thức sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Ngành Than cũng không nằm trong ngoại lệ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang từng bước làm thay đổi về quy trình công nghệ, cách thức quản lý, năng suất cũng như trình độ lao động. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp TKV nắm bắt, đón đầu xu hướng triển khai chuyển đổi số hiệu quả.
Hiện nay, chuyển đổi số tại TKV được các đơn vị thực hiện theo quy trình: Nâng cao nhận thức, tăng cường truyền thông; xây dựng chiến lược, kế hoạch và lộ trình thực hiện; tập trung chuẩn bị nguồn nhân lực và tài chính; hoàn thiện hạ tầng số hóa, chuẩn bị dữ liệu và quy trình nghiệp vụ. Đồng thời lựa chọn công nghệ, xây dựng và ứng dụng. Tập đoàn đã cơ cấu bộ phận nhân sự làm về công nghệ thông tin có hệ thống từ TKV đến các đơn vị thành viên với tổng số nhân sự 150 người.
Thực tế năm 2020, TKV đã hoàn tất triển khai nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin tại trụ sở cơ quan Tập đoàn và Trung tâm điều hành sản xuất TP Hạ Long với các hạng mục: Nâng cấp hệ thống máy chủ mới hiện đại đáp ứng nhu cầu thực tế; triển khai giải pháp máy chủ ảo hóa; giải pháp để bảo mật thông tin hiện đại tiên tiến đảm bảo an toàn tốt nhất cho hệ thống; rà soát, đánh giá an toàn thông tin và đề xuất các giải pháp. Trong năm 2022, Tập đoàn triển khai xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu tại tòa nhà Trung tâm giao dịch Than- Khoáng sản Việt Nam.
Đối với ứng dụng công nghệ thông tin, trong năm 2020-2021, Tập đoàn đã ứng dụng hệ thống hóa đơn điện tử; phần mềm quản lý khoa học, hệ thống quản lý và khai thác dữ liệu địa chất; nâng cấp hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp; triển khai hệ thống kế toán với hóa đơn điện tử và phần mềm báo cáo kế toán hợp nhất. Đây là những phần mềm hiện đại giúp các đơn vị TKV ứng dụng công nghệ thông minh hóa trong sản xuất, nâng cao quản lý điều hành và tiết kiệm thời gian xử lý đầu mối công việc.
Điển hình, như Công ty CP Than Cao Sơn (TKV) đã triển khai lắp đặt hệ thống GPS kết nối Camera quan sát HD1080 trên 10 phương tiện máy xúc Công trường khai thác 1. Ngoài ra, Công ty đã lắp đặt hệ thống GPS giám sát hành trình trên xe ô tô, máy gạt, máy xúc thủy lực tại 22 công trường, phân xưởng. Hệ thống giao ca, nhận lệnh báo công trực tuyến đã được thực hiện triển khai tại 18 đơn vị. Đặc biệt, Công ty còn lắp đặt 4 hệ thống cân ô tô điện tử 80 tấn phục vụ công tác sản xuất và tiêu thụ than hàng năm.
Để tiếp tục ứng dụng chuyển đổi số vào phục vụ sản xuất giai đoạn 2022-2025, Công ty CP Than Cao Sơn sẽ tăng cường đào tạo cho cán bộ, công nhân viên ứng dụng các phần mềm đơn vị đang áp dụng như: GPS, Autocad... Cùng với đó, Công ty sẽ ưu tiên nguồn lực hoàn thiện quá trình tự động hóa trong sản xuất kinh doanh có thể điều khiển giám sát từ xa tại phòng điều khiển tập trung; giám sát quá trình vận hành một số dây chuyền sản xuất chính ở bất cứ đâu.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng hiện nay quá trình chuyển đổi số của các đơn vị TKV cũng đang gặp không ít khó khăn. Nền tảng công nghệ trong ngành Than - Khoáng sản còn hạn chế, nhất là lĩnh vực khai thác, chế biến. Đặc biệt, nhân lực có chất lượng chuyên môn, chuyên trách về ứng dụng công nghệ thông tin tại một số đơn vị còn thiếu, năng lực chưa cao. Điều này, ảnh hưởng đến tiến độ, lộ trình chuyển đổi số của TKV.
Để khắc phục khó khăn, giai đoạn 2022-2025, TKV sẽ tập trung xây dựng hoàn thiện hạ tầng công nghệ số. Trong đó lựa chọn nền tảng công nghệ Core để từng bước xây dựng và ứng dụng các hệ thống phục vụ điều hành sản xuất, kinh doanh như ứng dụng quản lý nhân sự, khám chữa bệnh và theo dõi sức khỏe cho người lao động. Đồng thời, các đơn vị sẽ ưu tiên thu hút lao động có kinh nghiệm, trình độ công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Hiện nay, TKV đang đẩy mạnh việc ứng dụng “3 hóa” (Cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa) trong các dây chuyền sản xuất. Việc đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số sẽ kết nối đồng bộ mục tiêu “3 hóa” của TKV, qua đó giúp Tập đoàn nâng cao năng lực quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()